Giờ Trái đất 2022

“Giờ trái đất 2022” - “kiến tạo tương lai” từ những việc làm nhỏ: “Bây giờ hoặc không bao giờ”

Thứ ba, 22/3/2022 | 14:31 GMT+7
Sự kiện “tắt đèn trong vòng một giờ” hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, Thứ Bảy, ngày 26/3. 

CBCNV EVNHANOI đạp xe hưởng ứng Giờ trái đấy 2022.
 
Thông điệp được Bộ Công Thương đưa ra hưởng ứng Chiến dịch này là “Kiến tạo tương lai: Bây giờ hoặc không bao giờ”. Chỉ một hành động nhỏ như tắt các thiết bị điện không cần thiết, hay hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để tiết kiệm xăng, dầu, giảm phát thải và nhặt rác, thay việc sử dụng túi nilon bằng các sản phẩm thân thiện môi trường… là mỗi chúng ta đã góp phần không nhỏ vào việc giúp trái đất sạch hơn.
 
Chiến dịch Giờ Trái Đất “60+” là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), được tổ chức thường niên nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Sự kiện này được tiến hành lần đầu tiên tại thành phố Sydney của Australia vào năm 2007, được hưởng ứng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. 
 
Hoạt động gây tiếng vang nhất của chiến dịch này là việc các cá nhân và tổ chức trên thế giới đồng loạt “tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ” (từ 20h30 đến 21h30) để thu hút sự lưu tâm của người dân toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, đồng thời kêu gọi tìm ra những giải pháp để bảo vệ hành tinh và xây dựng một tương lai tươi sáng, bền vững.
 
Mặc dù sau mỗi giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia ghi nhận sản lượng điện tiết kiệm được còn khá khiêm tốn, chỉ dao động khoảng trên dưới 500.000kWh, song theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) ý nghĩa lớn nhất của sự kiện vẫn là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
 
"Với đặc thù tắt đèn vào buổi tối cho nên chủ yếu là sản lượng điện tiết kiệm được đến từ việc tắt các bóng đèn - các hộ gia đình tắt bóng đèn – và như vậy nó chưa phản ánh được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp sản xuất. Nhưng với 500.000 kWh, chúng tôi đánh giá là một sự hưởng ứng tích cực của người dân, gia đình… Thông điệp của Giờ Trái đất gửi đến cộng đồng là không chỉ tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong một giờ mà chúng ta phải thực hành đó thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm. Chúng tôi cho rằng tác động truyền thông trong tuyên truyền Giờ trái đất đã được lan tỏa đến cộng đồng xã hội và doanh nghiệp như vậy".
 
Là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, phân phối điện năng cho các hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đồng hành cùng Chiến dịch Giờ trái đất, hiện thực hoá các chương trình, kế hoạch của Việt Nam hưởng ứng sự kiện này trong suốt thời gian qua. 
 
Theo ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) việc sử dụng năng lượng như thế nào cho đúng cách và hiệu quả là vô cùng cần thiết khi điện là một dạng năng lượng được sản xuất, khai thác chủ yếu từ các loại nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên… Nếu sử dụng điện lãng phí, không hiệu quả cũng đồng nghĩa với việc tiêu tốn các nguồn năng lượng này, nhất là hiện nay giá dầu tăng rất cao trên thế giới, đòi hỏi việc sử dụng điện một cách hiệu quả là hết sức cấp bách. So với các nước trong khu vực và trên thế giới nói chung thì hiện nay thì tỷ lệ sử dụng năng lượng của Việt Nam vẫn đang còn chưa hiệu quả, còn lãng phí. Điều này sẽ tác động rất mạnh mẽ và trực tiếp tới môi trường của chúng ta.
 
Về ý nghĩa của việc hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất và con số “60+” trong chiến dịch này, ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban kinh doanh EVN cũng cho rằng, không chỉ dừng lại ở 60 phút hay một giờ, mà là nhiều ngày cộng thêm, nhiều sự kiện cộng thêm để lan toả ý thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường bằng các việc làm thiết thực.
 
"Ở góc độ Tập đoàn điện lực Việt Nam, hằng năm chúng tôi cũng lấy lịch tháng 3 này để hưởng ứng các sự kiện của Giờ trái đất, tổ chức các hoạt động tuyên truyền các hoạt động tiết kiệm điện, tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện cho khách hàng và chúng tôi cũng mong muốn là các chương trình này sẽ được xuyên suốt không những trong tháng 3 hay tháng 4 mà là tất cả ngày còn lại trong năm chúng tôi đều thực hiện các nội dung này; đặc biệt là trong công tác truyền thông tới khách hàng để nâng cao nhận thức, nâng cao hiểu biết là vì sao chúng ta phải sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả để bảo vệ môi trường".
 
Đồng quan điểm này, ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, tiết kiệm điện nói riêng, tiết kiệm năng lượng nói chung góp phần quan trọng trong việc tiết giảm sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch mà chúng ta đã và sẽ phải nhập khẩu nhiều trong tương lai.
 
"Bản thân trong các nghiên cứu của mình thì Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) họ cũng nhấn mạnh vai trò của tiết kiệm năng lượng trong việc thực thi cái Net Zero trong ngành năng lượng (tức là phát thải thuần = 0) đối với Việt Nam. Để có thể thực thi điều này thì chúng ta phải tiến hành các kỹ giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ trong ngành năng lượng mà bao gồm trong cả các ngành giao thông vận tải trong các tòa nhà cũng như trong các hoạt động liên quan tới nhu cầu tiêu dùng thông thường của người dân… Đấy cũng là những nền tảng cực kỳ quan trọng để cho chúng ta có thể kiểm soát được các nhu cầu về năng lượng, nhu cầu về điện năng để tiến tới có thể phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (là những nguồn kém ổn định và phụ thuộc rất nhiều và các yếu tố thời tiết). Khi chúng ta có thể kiểm soát được nhu cầu ở trong ngưỡng mà có thể điều chỉnh được thì trong những điều kiện như vậy thì việc đầu tư và phát triển các nguồn thay thế như điện gió, điện mặt trời… mới có thể bền vững và mới thực sự đảm bảo cho hệ thống điện của chúng ta vận hành ổn định và đảm bảo cung ứng đầy đủ và an toàn cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…"
 
Cũng theo ông Hà Đăng Sơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một quá trình liên tục, lâu dài, đòi hỏi có những chính sách thực thi hiệu quả, tránh sự “đứt gãy”, gián đoạn. Trên thực tế đã có những thời điểm công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa thực sự được coi trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng như góp phần đảm bảo các cung ứng đầy đủ năng lượng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nguyên Long