Giờ Trái đất 2021

Giới trẻ chung tay truyền thông Chiến dịch Giờ trái đất

Thứ sáu, 26/3/2021 | 11:24 GMT+7
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp, hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất gặp nhiều hạn chế. Thế nhưng, điều này cũng tạo cơ hội để Giờ trái đất được lan truyền mạnh mẽ, hiệu quả hơn trên môi trường trực tuyến.
Các bạn đoàn viên thanh niên biểu diễn thời trang tái chế để hạn chế rác thải nhựa. Ảnh: NGÔ XUÂN
 
Từ năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, Chiến dịch Giờ trái đất được tổ chức với quy mô thu gọn, không tập trung đông người. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền chủ yếu thông qua các hoạt động truyền thông hưởng ứng, qua hình ảnh, tờ rơi, băng rôn và các kênh thông tin đại chúng như báo, đài truyền thanh, truyền hình...
 
Trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người thì hình thức tuyên truyền trực tuyến đã được nhiều tổ chức, cá nhân tận dụng nhằm phát huy hiệu quả truyền thông; đặc biệt là trong giới trẻ. Cụ thể, Chiến dịch Giờ trái đất do Bộ Công thương và Bộ TN-MT phát động trực tuyến năm 2020 đã thu hút hơn 2,6 triệu lượt người tiếp cận và chia sẻ trên các trang mạng xã hội, đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, giúp cả nước tiết kiệm được 436.000kWh, tương đương gần 813 triệu đồng trong 1 giờ tắt đèn.
 
Năm 2021, Giờ trái đất tiếp tục tạo được sự quan tâm của đông đảo người dân trên môi trường trực tuyến và mạng xã hội. Bên cạnh lời kêu gọi 60 phút tắt đèn, Giờ trái đất 2021 còn tập trung vào hai vấn đề: phát thải khí nhà kính và rác thải nhựa. Rất nhiều lời kêu gọi, cuộc thi đã được các đơn vị tổ chức, phát động để kêu gọi giới trẻ hưởng ứng chiến dịch.
 
Cụ thể, trên trang mạng xã hội facebook, hashtag giotraidat2021 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, trường học. Tại đây, rất nhiều đơn vị, cơ sở đoàn đưa ra lời kêu gọi hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất thông qua việc tắt đèn trong 60 phút, từ 20 giờ 30-21 giờ 30 ngày 27/3; phát động các cuộc thi vẽ tranh, chạy bộ vì môi trường; sản xuất clip tuyên truyền cho Chiến dịch Giờ trái đất, chống rác thải nhựa...
 
Tương tự, hashtag Use-less Plastic của các bạn trẻ TP Hồ Chí Minh đang thu hút được hơn 1,8 triệu người tham gia, đăng bài và chia sẻ về các giải pháp sống “xanh”, không rác thải nhựa. Tại đây, những câu chuyện đơn giản như dùng cà phê phin thay cho cà phê take away tiện lợi; dùng túi vải, túi xách hay cốp xe đựng đồ dùng, thực phẩm; mang theo ống hút tre mỗi khi ra ngoài để tái sử dụng; thói quen chuẩn bị bữa ăn thay cho cơm hộp, mang chai nước thủy tinh thay vì sử dụng chai nhựa, hộp nhựa… Những giải pháp tưởng chừng đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng có thể thay đổi một thói quen, cách sống thân thiện hơn với môi trường.
 
Thử thách “30 ngày sống xanh” cũng đang được hưởng ứng tích cực trên mạng xã hội mở đầu cho Chiến dịch Giờ trái đất năm nay. Chương trình kêu gọi và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ thực hiện các thử thách như một tuần đi xe đạp, ăn chay, không bỏ phí thức ăn, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, công sở và nơi công cộng... Người tham gia sẽ chia sẻ hình ảnh thực hiện thử thách của mình và kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia.
 
Bạn Lê Tuấn Phúc ở phường 9, TP Tuy Hòa (sinh viên Khoa Đông Phương học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Thực hiện thử thách Use-less Plastic “Thử thách 24h không nhựa” theo lời kêu gọi của đoàn trường, em đã thử tìm hiểu và biết được những tác hại khủng khiếp của rác thải nhựa đối với môi trường. Em thấy không quá khó khi tham gia thử thách trong 24 giờ không dùng, không thải bỏ rác thải nhựa, và kêu gọi bạn bè cùng thực hiện. Sau thử thách này, em đã tập thói quen mang theo chai nước thủy tinh và ống hút tre để thay thế cho chai nhựa và ống hút nhựa.
 
Theo ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, trong tháng 3, đơn vị yêu cầu các điện lực trực thuộc tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất, tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở điện lực. Đồng thời, tuổi trẻ ngành Điện cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất trên các trang mạng xã hội; qua đó kêu gọi người thân, bạn bè hưởng ứng chiến dịch 60 phút tắt đèn. Ngành Điện cũng vận động các tổ chức, doanh nghiệp, khách hàng trên địa bàn tỉnh tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện Giờ trái đất.

4 cách để sống xanh mỗi ngày
 
• TỪ CHỐI: Học cách từ chối nói không với nhựa dùng một lần không cần thiết như ống hút nhựa, thìa nhựa... bằng cách mang đồ cá nhân mỗi khi ra ngoài.
 
• TIẾT GIẢM: Giảm mua sắm và sử dụng các sản phẩm, đồ dùng không cần thiết để hạn chế lượng rác và bao bì thải ra môi trường.
 
• TÁI SỬ DỤNG: Đừng vội vứt bỏ những đồ nhựa còn sử dụng được, như chai hộp nhựa đã qua sử dụng. Thay vào đó, chúng ta có thể rửa sạch, để khô và tái sử dụng.
 
• TÁI CHẾ: Rác thải nhựa nếu được thu gom, phân loại và tái chế hợp lý sẽ trở thành nguồn tài nguyên có giá trị, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giúp bảo vệ môi trường.
 
Theo: Báo Phú Yên