Gỡ khó cho điện gió

Thứ hai, 4/7/2016 | 10:38 GMT+7
So với các nước đã có ngành điện gió phát triển, đầu tư điện gió ở Việt Nam hiện nay có nhiều khó khăn riêng như: chi phí đầu tư lớn, thiết bị phải nhập khẩu, cơ sở hạ tầng yếu, thiếu chuyên gia. 
Một dự án điện gió được triển khai xây dựng tại tỉnh Bình Thuận.
 
Song song với đó, ở nhiều quốc gia, ngân sách nhà nước bỏ ra lập quy hoạch, tính toán tiềm năng phát triển điện gió từng khu vực, chấm sẵn những vị trí phát triển điện gió thì việc tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư tiềm năng là rất hiệu quả.
 
Tiềm năng lớn, khai thác ít
 
Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, tỉnh Bình Thuận là địa phương có tiềm năng điện gió lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 30%. Bình Thuận cũng là tỉnh đầu tiên có quy hoạch điện gió được Chính phủ phê duyệt với tổng công suất 700MW đến năm 2020. Thực hiện mục tiêu phát triển điện gió trong Quy hoạch Phát triển điện VII (Tổng sơ đồ VII) đã được Chính phủ phê duyệt, hàng loạt các nhà đầu tư khắp cả nước đã nhanh chóng đăng ký dự án, đo gió, lập dự án đầu tư và tìm kiếm các nguồn phù hợp để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã có tới 16 dự án điện gió đăng ký đầu tư với tổng công suất 1.230MW, dẫn đầu cả nước về số lượng dự án đăng ký. Tuy nhiên, trong những dự án này mới chỉ có 5 dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư, 2 dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành với tổng công suất 36MW và 1 dự án đã khởi công xây dựng với công suất 24MW, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016.
 
Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong do Công ty CP Tái tạo năng lượng châu Á làm chủ đầu tư, có công suất 60MW, đặt tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) được khởi công từ năm 2011, nhưng đến cuối năm 2012, dự án này đã phải dừng hoạt động vì nhiều lý do, trong đó vấn đề không xoay đủ vốn là nguyên nhân chính. Trong khi đó, dự án điện gió Phú Lạc (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) do Công ty CP Phong điện Thuận Bình làm chủ đầu tư, có công suất 24MW với 12 tuabin, tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 7-2015, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Thế nhưng, đến nay dù chưa đi vào hoạt động, phía công ty này đang phải gồng mình trả nợ và lãi ngân hàng lên đến hàng triệu euro.
 
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, không riêng gì những dự án điện gió đang triển khai gặp khó khăn, mà những dự án đã đi vào hoạt động cũng đang phải chịu nhiều thiệt thòi, khi mức giá của loại điện này hiện rất thấp, rất khó để các nhà đầu tư thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng.
 
Cần nhiều ưu đãi
 
Để khuyến khích đầu tư và phát triển điện gió tại Việt Nam, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ các dự án điện gió nối lưới với giá mua tương đương 7,8USCent/kWh và một số ưu đãi khác về thuế và phí. Tuy nhiên, từ khi quyết định này có hiệu lực thì đến nay giá điện gió vẫn chưa được thay đổi, khiến tình hình phát triển các dự án điện gió tại nước ta vẫn còn chưa tiến triển đáng kể, làm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển điện gió đến năm 2020 mà Chính phủ đã ban hành.
 
Ông Bùi Văn Thịnh thẳng thắn: “Trên cả nước đến nay có 3 dự án điện gió đang hoạt động, trong đó Bình Thuận chiếm tới 2 dự án, nhưng tất cả đang gặp rất nhiều khó khăn về trả nợ và lãi vay. Còn các dự án đã được cấp phép chưa thể khởi công hoặc khởi công cầm chừng do không vay được vốn. Tất cả điều này là do giá mua điện gió hiện nay chưa đáp ứng khả năng trả nợ của các dự án đang vận hành, cũng như không đảm bảo tính khả thi của các dự án đang thu xếp vay vốn”.
 
Cũng theo ông Thịnh, tại Việt Nam, lâu nay các nhà đầu tư trong nước thường phải tự bỏ chi phí ra dựng cột đo gió, nghiên cứu khả thi, lập dự án đầu tư tốn kém thời gian và chi phí. Trong hoàn cảnh đó, áp dụng phương án đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án điện gió là hơi khó; thậm chí nếu tổ chức đấu thầu lại thì nhà nước phải tổ chức thu hồi dự án, rất phức tạp.
 
Để giải quyết những khó khăn trên, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chính sách phát triển điện gió tại Việt Nam. Chính phủ cần có lộ trình tăng giá mua điện gió, để đến năm 2020 đạt 12 USCent/kWh; có chính sách định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư các dự án điện gió; cho phép các dự án điện gió được miễn tiền sử dụng đất…
 
Theo: SGGP