Việt Nam có thể đạt tới 100% điện tái tạo vào năm 2050

Thứ năm, 12/5/2016 | 14:45 GMT+7
Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050” của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam công bố ngày 12-5, đến năm 2050, năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể đáp ứng 80%-100% nhu cầu điện quốc gia.

Năng lượng mặt trời, gió là những năng lượng phát triển bền vững. 
 
Bản báo cáo trên đưa ra 3 kịch bản phát triển năng lượng của Việt Nam. Trừ kịch bản phát triển thông thường dựa vào nhiên liệu hóa thạch và công nghệ lạc hậu; hai kịch bản Phát triển năng lượng bền vững và Phát triển năng lượng bền vững tối ưu cho thấy, tới năm 2050, cả trên phương diện kỹ thuật và kinh tế, năng lượng tái tạo đều có thể đáp ứng 80%-100% nhu cầu điện quốc gia, đồng thời giúp giảm tới 80% lượng khí thải carbon. Trong đó, theo bà Phạm Cẩm Nhung (WWF), năng lượng mặt trời có thể đáp ứng ít nhất 35%; năng lượng gió có thể đáp ứng 13%, bên cạnh còn có năng lượng thủy triều, sinh khối...
 
Trước khi xây dựng các kịch bản phát triển này, các tác giả của báo cáo trên đã phân tích, đánh giá toàn diện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 và bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào các dự án thủy điện thiếu bền vững, các dự án nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng khí thải carbon cao, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trong khi đó, điện hạt nhân được coi là “có giá thành cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro”. 
 
Ngay trước khi hội thảo này diễn ra, ngày 11-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.
 
Theo: SGGP