Nhiều hộ gia đình vẫn đang sống trên những con thuyền sắt cũ và sử dụng năng lượng quạt gió.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 7km, xóm chài ven sông Hồng đã tồn tại gần 30 năm nay. Phần lớn người dân ở đây sinh sống bằng nghề buôn bán đồ gốm sứ. Nhiều năm trôi qua, cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn ở trong tình trạng tạm bợ. Bên cạnh nhiều gia đình đã thuê đất ruộng của người dân địa phương để dựng những căn nhà tạm bợ làm chỗ ăn ở, sinh hoạt, vẫn còn 14 gia đình đang sống trên sông, mọi sinh hoạt cá nhân của họ đều gói gọn trong không gian chật hẹp trên những con thuyền sắt đã cũ.
Nhiều năm qua, việc kéo nguồn điện từ đất liền ra tới thuyền của các gia đình gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do phải mua điện lại từ các hộ dân trên bờ với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kWh và nguồn điện ở xa khiến chi phí tổn hao đường dây hàng tháng là rất lớn nên có gia đình đã phải trả từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng để trả tiền điện.
Trước thực tế này, lại thấy khu vực bãi giữa sông Hồng có tiềm năng gió đạt yêu cầu triển khai mô hình điện gió (tốc độ gió khoảng 3m/s), công ty Kiến trúc Nội Thất Xanh 1516, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Live&Learn, Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam phối hợp quản lý, cùng sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia, đã nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt hệ thống điện gió nhằm giảm bớt chi phí sử dụng điện của các gia đình ở đây.
Sự xuất hiện của hệ thống điện gió trên những con thuyền neo đậu bên bờ xóm chài ven sông Hồng được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm một nguồn năng lượng chiều sáng mới cho các hộ gia đình.
Một mô hình điện gió bao gồm: mô tơ, cột thép, hệ cánh gió, bộ điều khiển sạc, nâng áp, bình ắc-qui, bóng đèn Led 9W.
Là gia đình đầu tiên trong số 10 gia đình xóm ven sông Hồng được lắp đặt hệ thống điện gió, ông Trần Văn Xuân cho biết, hệ thống này thực sự hữu ích đối với gia đình ông.
“Từ ngày có hệ thống này, gia đình chúng tôi có nguồn điện mới để thắp sáng một bóng đèn vào buổi tối từ 3 tới 4 giờ. Đối với gia đình tôi, như vậy cũng là quý lắm rồi”, ông Xuân chia sẻ.
Chia sẻ về ý nghĩa của mô hình điện gió mới lắp đặt, anh Lê Vũ Cường, Giám đốc công ty Kiến trúc Nội Thất Xanh 1516 nói: “Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người tận dụng năng lượng tái tạo trong đời sống hàng ngày. Góp phần tạo ra nhận thức về lợi ích của việc sử dụng năng lượng gió, từ đó, phát triển mô hình điện gió trên phạm vi và số lượng người sử dụng lớn hơn, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.
Điểm nhấn của hệ thống chính là hệ cánh gió sử dụng những chậu nhựa màu đỏ. Theo lời anh Cường, nhóm thực hiện muốn mô phỏng cây hoa màu đỏ, gợi lại hình ảnh của một số loài hoa gần gũi, thân thuộc với nông thôn Việt Nam. Hình thức của mô hình cũng góp phần tạo nên nét độc đáo và làm đẹp cảnh quan khu vực ven sông Hồng.
Theo chia sẻ của chị Võ Thị Xuân Quyên (Thành viên Ban Quản lí Quỹ Sáng kiến Trẻ em và thanh niên với Biến đổi khí hậu, trực tiếp hỗ trợ dự án Điện gió sông Hồng), mô hình đèn năng lượng gió quy mô nhỏ có nhiều ưu điểm như đơn giản trong khâu thi công, giá thành sản xuất thấp và tận dụng tối ưu ở những khu vực gió có cường độ vừa phải như ven sông, đồi núi. Do đó, có thể dễ dàng thể áp dụng trong cộng đồng, đặc biệt là dành cho đối tượng có thu nhập thấp.
“Khi dự án “Điện gió sông Hồng” kết thúc vào tháng 6, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án. Sau đó, chúng tôi sẽ huy động thêm một số nguồn lực khác để tiếp tục triển khai mô hình tại các địa phương và tỉnh, thành phố khác”, chị Quyên khẳng định.
Hệ thống điện gió hoạt động theo nguyên tắc rất đơn giản. Khi có gió, hệ cánh gió sẽ quay làm trục mô tơ quay, tạo ra điện năng. Lượng điện năng này được lưu trong bình ắc quy và được sử dụng cho đèn chiếu sáng trong nhà. Hệ thống chiếu sáng gồm một bóng đèn LED công suất 9W có độ sáng tương đương bóng đèn sợi đốt 60W thông thường. Tuy nhiên, số lượng bóng đèn có thể tăng thêm 1 - 2 bóng tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng. |