Ảnh minh họa.
Ngày 31-3, tại TP.HCM Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương) và tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối quốc gia giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Hội thảo thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật của chính phủ CHLB Đức về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (gọi tắt là dự án 4E) nhằm hỗ trợ chính phủ VN khai thác và ứng dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng mục tiêu đã đề ra của Chính phủ.
Ông Phạm Trọng Thực, vụ trưởng Vụ năng lượng mới và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết ở khía cạnh ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng sinh khối là năng lượng cân bằng không phát sinh CO2 nên được các nhà môi trường khuyến khích.
VN là nước nông nghiệp đang phát triển nên có tiềm năng lớn về nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng. Nếu được khai thác hiệu quả, năng lượng sinh khối sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống, giảm lượng phát thải carbon, giảm ô nhiễm và mang lại lợi nhuận trực tiếp cho các cơ sở, hộ nông dân tham gia vào chuỗi cung cấp nhiên liệu sinh khối như bán phế thải, phụ phẩm nông lâm nghiệp làm nhiên liệu đốt.
Theo Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nguồn sinh khối tiềm năng của VN là phế thải nông nghiệp như trấu, rơm, phế thải cà phê, vỏ dừa, bã mía, phế phẩm từ lạ, vỏ hạt điều, gốc khoai mì… cây trồng năng lượng như cỏ voi, phế thải từ rừng như gỗ nhiên liệu, cây vườn và cây trồng gia đình…
Theo lý thuyết tính toán, tổng tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối của VN là hơn 99 triệu tấn/năm tương ứng nguồn năng lượng điện là hơn 340.000GWh, trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 33.4%, kế đến là Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung với 21.8%.
Theo: Tuổi trẻ