Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2016, OECD khẳng định năng lượng tái tạo vốn không được tiếp cận đầy đủ trong các chương trình nghị sự trước năm 2015 của ASEAN, bên cạnh chương trình tăng trưởng xanh và sự phát triển của khối tư nhân.
Tổ chức này cho rằng, sự quan tâm chủ yếu hướng tới hội nhập thị trường đã khiến các vấn đề khác bị lu mờ. Do đó, để chuyển hướng phát triển nhằm mang lại lợi ích chung cũng như cải thiện sự cân bằng trong khu vực mà không vượt quá các giới hạn sinh thái, việc tái cân bằng hội nhập tại khu vực Đông Á từ mục tiêu hội nhập kinh tế sang các mục tiêu phát triển bền vững vĩ mô hơn là vô cùng cần thiết.
Theo OECD, việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo phải là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng xanh, song hành với nền kinh tế đa ngành và các ưu tiên về môi trường.
Theo Báo cáo năng lực khu vực Đông Nam Á năm 2015, khu vực này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, riêng năm 2013 cung cấp tới 74% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp của khu vực này. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo khác, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, mặc dù đang phát triển nhanh nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Theo OECD, thủy điện từ sông Mê Công là nguồn năng lượng đầy hứa hẹn, nhưng trước hết, những thách thức về môi trường cần phải được giải quyết và các giải pháp hợp tác hứa hẹn sẽ giải quyết được quan ngại chung của các nước trong khu vực.
Châu Á hoàn toàn có thể tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bằng cách khai thác có trách nhiệm các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào trong khu vực, đồng thời giải quyết được những hạn chế tiếp cận năng lượng – một thách thức lớn đối với các quốc gia có chỉ số tiếp cận điện năng thấp như Myanmar, Campuchia, Lào và Philippine, theo nhận định của OECD.
Cũng theo Báo cáo trên, nhu cầu điện năng trên toàn ASEAN cũng sẽ tăng khoảng 2.300 Terawatt/giờ. Tổng nhu cầu điện khu vực dự kiến sẽ tăng đáng kể từ năm 2009 đến năm 2030, có nghĩa việc sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn là vô cùng cần thiết để hạn chế tối đa hậu quả nặng nề đối với môi trường. Các rào cản khu vực cũng cần được loại bỏ, đồng thời tự do hóa thương mại khu vực sẽ khiến quá trình đổi mới công nghệ được chuyển giao thuận lợi hơn, giúp thúc đẩy năng lượng tái tạo một cách hiệu quả.
Theo: MT&ĐS