Hàn Quốc sẽ tăng giá điện với biên độ lớn nhất trong vòng 40 năm. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) cho biết giá điện quý I/2023 sẽ tăng với biên độ lớn nhất trong khoảng 40 năm do chi phí năng lượng toàn cầu tăng cao và quy mô tổn thất của công ty điện lực không ngừng tăng.
Cụ thể, giá điện năm 2023 sẽ được nâng thêm 13,1 won (0,01 USD) cho mỗi 1 kWh điện, tăng 9,5%, áp dụng đồng loạt với điện sinh hoạt, công nghiệp, điện dùng trong giáo dục, chiếu sáng đô thị. Theo đó, hộ gia đình 4 thành viên nếu sử dụng bình quân 307 kWh điện một tháng sẽ phải đóng thêm mỗi tháng 4.022 won (3,2 USD) tiền điện.
Theo MOTIE, việc giá điện theo kế hoạch ước tính sẽ khiến chi phí dành cho việc sử dụng điện của một hộ gia đình 4 thành viên (mức sử dụng bình quân 307 kWh/tháng) tăng thêm 4.022 won (khoảng 75.000 VND/tháng).
Riêng giá điện dùng trong nông nghiệp sẽ được tăng dần trong vòng 3 năm và trung bình mỗi năm khoảng một phần ba mức tăng trên.
Mặt khác, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định đóng băng giá khí đốt tự nhiên trong quý I/2023 nhằm giảm thiểu gánh nặng cho người dân, đặc biệt là trong mùa Đông giá rét đồng thời đưa ra một số biện pháp hỗ trợ nâng trợ cấp về chi phí năng lượng cho tầng lớp yếu thế đang hưởng trợ cấp sinh hoạt cơ bản như: tặng voucher năng lượng tăng từ 127.000 won (100 USD) hiện nay lên 195.000 won (154 USD) vào năm 2023 đồng thời hỗ trợ thêm miễn giảm tiền điện, gas, như mức miễn giảm tiền gas sẽ tăng từ 6.000-24.000 won (5-19 USD) hiện hành lên 9.000-36.000 won (7-28 USD).
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Bộ trưởng MOTIE Lee Chang-yang giải thích thêm rằng việc điều chỉnh đơn giá điện, gas là điều bất khả kháng nhằm bình thường hóa hoạt động kinh doanh cho Tổng công ty điện lực (KEPCO) và Tổng công ty khí gas Hàn Quốc (KOGAS), đảm bảo tính bền vững nguồn cung năng lượng.
Ông nhấn mạnh: “Các cơ quan điều hành đã không phản ánh đúng mức giá năng lượng cao toàn cầu vào giá điện và khí đốt trong nước, khiến các công ty năng lượng nhà nước chịu lỗ ngày càng nhiều. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc ổn định nguồn cung năng lượng và có thể tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu trong nước và toàn nền kinh tế nói chung. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ điều chỉnh tăng các khoản phí theo từng giai đoạn để giải quyết vấn đề nợ vào năm 2026”.
Trong 11 tháng kể từ đầu năm 2022, nhập khẩu năng lượng của Hàn Quốc đã tăng đột biến 74,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021 lên 174,1 tỷ USD do giá năng lượng tăng cao. Bên cạnh đó, KEPCO ghi nhận khoản lỗ ròng cao kỷ lục 21.830 tỷ won trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022 và con số này cho cả năm 2022 dự kiến sẽ vượt 30.000 tỷ won. Năm 2021, Tổng công ty này đã báo cáo khoản lỗ ròng 1.120 tỷ won.
Trước những khoản lỗ kỷ lục này, KEPCO đã đưa ra một loạt các biện pháp tự giải cứu, bao gồm tái cấu trúc các doanh nghiệp ở nước ngoài, bán bất động sản và các động thái cắt giảm chi phí khác. Tuy nhiên những kế hoạch này vẫn không đủ để giúp KEPCO vượt qua cuộc khủng hoảng trong tình hình năng lượng toàn cầu ngày một tăng như hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp tầm trung, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ cho vay vốn để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cải thiện hiệu suất năng lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ được hỗ trợ thay thế thiết bị có hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao thông qua dự án Tiêu chuẩn tài nguyên tiết kiệm năng lượng (EERS).
Link gốc