Có thể nói thành tựu mà ngành điện lực Quảng Trị tạo dựng, góp phần trong chặng đường gần 40 năm qua đầy vinh quang mà cũng thấm đẫm cả mồ hôi và nước mắt.
Lịch sử vẻ vang
Sau chiến thắng mùa hè năm 1972, vùng giải phóng của Quảng Trị được mở rộng đánh dấu một bước tiến quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Bộ Điện và Than thành lập đoàn công tác Đ73 vào Quảng Trị tiếp quản, khôi phục và phát triển hệ thống điện trên vùng đất mới giải phóng. Công việc chủ yếu tập trung vào việc vận hành các máy phát điện diesel rải rác cấp điện ánh sáng sinh hoạt cho một số cơ quan tại khu vực Đông Hà, phục vụ cơ quan Chính phủ Cách Mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, các cơ quan của tỉnh tại Cam Thanh, phục vụ điện cho các đợt trao trả tù binh phía bắc bờ sông Thạch Hãn, phục vụ các sự kiện ngoại giao lớn như đón tiếp Chủ tich Cu Ba PhiĐen Caxtrô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm vùng Giải phóng Quảng Trị tại Đông Hà, Cam Lộ, phục vụ đại sứ các nước trình Quốc thư… Sứ mệnh ban đầu của Đoàn Đ73 không chỉ giới hạn trong việc phục vụ cấp điện cho vùng giải phóng Quảng Trị mà là tiền đề cho các hoạt động phát triển điện cho miền Nam sau giải phóng.
Đất nước hoàn toàn thống nhất sau 30/4/1975 đã mở ra một thời kỳ mới. Với sự đầu tư của Bộ Điện và Than, năm 1976 Nhà Máy điện Quảng Trị được xây dựng tại thị xã Đông Hà với 6 tổ máy phát G66 (6 x 540kW) cung cấp chủ yếu cho khu vực Đông Hà và vùng phụ cận. Năm 1976 cùng với quá trình sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên, cuối năm 1976 Sở quản lý và phân phối điện Bình Trị Thiên ra đời trực thuộc Công ty Điện lực Miền Trung. Trong hơn 13 năm từ khi nhập tỉnh đến khi chia tỉnh năm 1989, với cái tên Chi nhánh điện Quảng Trị thực thuộc Sở, lưới điện Quảng Trị phát triển với quy mô 4 trạm trung gian (Thành Cổ, Hội Yên, Cam Lộ, Vĩnh Linh), 40 trạm biến áp chủ yếu phục dân sinh khu vực Đông Hà, một số phụ tải công nghiệp phía tây Đông Hà- phía Đông Cam Lộ, một ít phụ tải tại khu vực Thành Cổ (trung tâm huyện Triệu Hải ) và khu vực Hồ Xá (trung tâm huyện Bến Hải) mà chủ yếu là phục vụ các trạm bơm nước tưới tiêu nông nghiệp, chống úng như bơm Cầu Đuồi, Quảng Điền, Hiền Lương, Thiện Thọ, Hải Hòa, Hải Dương… Công suất phụ tải toàn tỉnh chưa đến 3 MW, sản lượng điện toàn tỉnh năm 1989 chỉ hơn 8 triệu kWh. Khu vực thị trấn Khe Sanh huyện hướng Hóa chủ yếu được cấp điện bằng các máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 250 kW thắp sáng mỗi đêm vài tiếng đồng hồ. Trong những năm 1982 - 1983 đã hình thành lưới điện 35 kV chung toàn tỉnh Bình Trị Thiên với một trục chính duy nhất và một vài rẽ nhánh mà chủ yếu là tải điện từ các nguồn ĐG64 Đồng Hới và G66 Đông Hà vào Huế với chế độ cấp điện “1 có; 2 - 3 không”.
Tháng 10 năm 1989, sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, trên cơ sở Chi nhánh điện Quảng Trị, Sở Điện lực Quảng Trị được thành lập vừa được xem như là một sở quản lý chuyên ngành vừa là đơn vị sản xuất kinh doanh. Ngay từ đầu, đơn vị đã tập trung vào việc tập hợp nhân tài, vật lực, củng cố các cơ sở phát điện sẵn có, cùng với tỉnh tăng cường thêm nguồn điện diesel với 2 máy G 72(2 x 720kW), phát triển lưới điện tại những vùng trọng yếu.
Đưa điện về nông thôn, miền núi
Tháng 6/1990 đường dây 110 kV Đông Hưng (Vinh- Nghệ An) được nối với Trạm 110 kV Đông Hà - Trạm 110 kV đầu tiên trên mảnh đất Quảng Trị được nhận điện từ thủy điện Hòa Bình. Đây là bước ngoặc lớn trong nỗ lực “giải bài toán điện cho miền Trung” mà Bộ Năng lượng và Công ty Điện lực 3 bấy giờ vẫn ngày đêm trăn trở.
Năm 1990, nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Tỉnh, Công ty Điện lực 3, Sở điện lực Quảng Trị, Công ty Xây lắp điện 3 đã có buổi là việc với Bộ Năng lượng thống nhất các giải pháp về vốn liếng và quyết tâm hành động để cấp điện cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác Hồ ở huyện Hướng Hóa, miền Tây Quảng Trị. Tuy tiến độ có chậm nhưng công trình đường dây 35 kV Cam Lộ - Khe Sanh và trạm Trung gian Khe Sanh được đóng điện như một minh chứng cho sự kết hợp tuyệt vời của các cấp, các ngành tại những thời điểm khó khăn nhất.
Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
Ngay từ những ngày đầu, cùng với tỉnh, Sở Điện lực đã phối hợp chặt chẽ với Viện Năng lượng, các cơ quan tư vấn hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực qua các giai đoạn, đó vừa là tiền đề vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Trên cơ sở này với sự quan tâm của tỉnh, ngành điện đã nỗ lực tích cực hợp tác có hiệu quả với các cơ quan hữu quan Trung ương và địa phương, gợi mở các ý tưởng thu hút đầu tư nhằm củng cố phát triển hệ thống đường dây 110 kV, các trạm nguồn 110 kV, xây dựng lưới điện từ 0,4 đến 35 kV rộng khắp trên toàn tỉnh. Nhiều công trình được hoàn thành như: các trạm nguồn 110 kV Vĩnh Linh, Lao Bảo, Khe Sanh, Diên Sanh. (Hiện nay đang hoàn thiện Trạm 220 kV đầu tiên trên địa bàn Quảng Trị - đặt tại Tân Phổ - Triệu Ái- Triệu Phong), các đường dây 35 kV, các trạm 35 kV: Trạm Cao su (trạm trung gian đầu tiên đóng điện sau ngày lập lại tỉnh - Trạm Gio Linh hiện tại), Mỹ Chánh, Bồ Bản, Cửa Tùng, Cùa, Diên Sanh, Bến Quan, Ngã Tư Sòng... Nhiều công trình, dự án điện của lưới phân phối đã đi vào hoạt động có hiệu quả như: Công trình điện xã Gio Hải- một trong 3 xã đầu tiên trong cả nước thực hiện điện khí hóa; Công trình Điện khí hoá làng Pa Nho - Đồng Khánh sử dụng thiết bị và kỹ thuật thi công thuộc chương trình tài trợ của Điện lực Pháp (EDF); Công trình cải tạo lưới điện hai thị xã Đông Hà và Quảng Trị cùng các vùng phụ cận bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); Các dự án phát triển điện vùng sâu, vùng xa sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB); Công trình Điện A Dơi- Pa Tầng- Quà tặng của thủ tướng Phan Văn khải... Đặc biệt, trong những năm gần đây Công ty Điện lực Quảng Trị đã cơ bản chuyển đổi thành công lưới điện phân phối trung áp 22 kV trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong công tác triển khai tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn trước đây và đặc biệt là tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trong các năm 2008-2010, Công ty đã tranh thủ sự chỉ đạo của tỉnh, chủ động phối hợp với các địa phương nên Quảng Trị là một trong vài tỉnh trong cả nước hoàn thành sớm nhất việc tiếp nhận bán điện trực tiếp đến khách hàng theo giá quy định chung của Nhà nước không qua các khâu trung gian.
Cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận
Công ty Điện lực Quảng Trị là đơn vị đầu tiên của Miền Trung thực hiện bán điện cho Lào qua cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa Vẳn (1998) và cửa khẩu La Lay - Sa Muôi (2003). Qua quá trình mua bán điện này đã cho thấy sự hợp tác tích cực của hai bên trong các vấn đề liên quan cả về kỹ thuật và kinh doanh; đặc biệt là việc phối hợp gửi các đoàn công tác tìm hiểu về nghiệp vụ cũng như việc triển khai các hoạt động giao lưu văn hoá nhằm tăng cường thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa ngành điện hai nước.
Trong quá trình hoạt động Công ty điện lực cũng đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ thi công các công trình quan trọng quốc gia trên địa bàn như Công trình thuỷ điện Rào Quán (Thuỷ lợi - thuỷ điện Quảng Trị), đường dây 500 kV, 220 kV và 110 kV, các đơn vị thi công các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn...
Phục vụ lợi ích khách hàng
Để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống điện và công tác quản lý, Công ty đã tăng cường công tác duy tu bảo dưởng, đầu tư cải tạo lưới địên, thiết lập phương thức vận hành hệ thống điện an toàn liên tục, cung cấp điện ổn định cho nhu cầu sản xuất, đời sống, đổi mới và ngày càng hoàn thiện hơn quy trình kinh doanh điện, tạo mối quan hệ thân thiện, bình đẳng, cùng có lợi với gần 170 nghìn khách hàng dùng điện lớn nhỏ trong toàn tỉnh.
Với hệ thống lưới điện rộng khắp, đến nay toàn tỉnh đã có 100% số xã có điện, sản lượng điện tăng hơn 40 lần sau gần 23 năm tái lập tỉnh là một thành công lớn trong đầu tư phát triển mà ngành điện và các cấp các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân chung tay vun đắp, đã góp phần mang lại diện mạo mới cho các vùng quê từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi Quảng Trị.
Trong quá trình hoạt động, Công ty Điện lực Quảng Trị luôn trăn trở và nảy sinh những sáng kiến để phục vụ tốt nhu cầu của người dân như phong trào “Lấy đêm làm ngày” nhằm giảm thiểu cắt điện của khách hàng vào những thời điểm cần thiết; phục vụ tốt các nhu cầu điện đột xuất theo yêu cầu của tỉnh một cách nhiệt tình, vô tư như các lễ hội Huyền thoại Trường Sơn, Một thời hoa lửa, Nhịp cầu xuyên Á… Công tác xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống ngước nhớ nguồn, ủng hộ quỹ vì người nghèo, hỗ trợ trẻ mồ côi, đóng góp quỹ khuyến học, chung tay tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, tiếp sức đến trường, phong trào văn hoá văn nghệ thể dục thể thao luôn được chú trọng. Việc tổ chức đêm “nối vòng tay nhân ái” hằng năm nhằm sinh hoạt nấu bánh chưng, quyên góp ủng hộ người nghèo, bảo trợ các trẻ ở “Mái ấm tình hồng”, giúp các trường hợp bất hạnh được có những ngày tết ấm cúng đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu…
Phát huy những thành tựu trong gần 40 năm đồng hành với sự phát triển của địa phương, trong thời gian tới, toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Quảng Trị sẽ quyết tâm nỗ lực bám sát các nhiệm vụ kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Trị.