EVNNPT xác định ứng dụng KHCN là yếu tố then chốt và chìa khóa để nâng cao năng suất lao động.
Mua sắm thiết bị định vị sự cố
Với mục tiêu “Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, xây dựng hệ thống truyền tải điện Quốc gia đồng bộ, hiện đại”, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang đặt ra một số chỉ tiêu chính: Đến năm 2020 đảm bảo chỉ tiêu xử lý sự cố lưới điện 500 kV, 220 kV trung bình là 30 phút; tổn thất điện năng 1,8%...
Do vậy, EVNNPT xác định ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố then chốt và là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu cụ thể đó. EVNNPT sẽ đầu tư khoảng 144 tỉ đồng trang bị thiết bị định vị sự cố cho 69 tuyến đường dây từ 220-500 kV và ưu tiên cho những đường dây dài, đi qua nhiều địa hình đối nối phức tạp, khi có sự cố sẽ phải dốc toàn lực để khắc phục, nhất là những sự cố do sét đánh.
Hệ thống đường dây 500, 220 kV trải dài từ Bắc vào Nam, với nhiều tuyến đường dây đi qua địa hình rừng rậm, núi cao, suối sâu và sình lầy. Một số đường dây đường đi vào tuyến rất khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành, đặc biệt là kiểm tra xử lý sự cố xảy ra trên đường dây. Nhiều cung đoạn vô cùng hiểm trở, nằm cách rất xa đường công vụ, gây trở ngại rất lớn cho việc kiểm tra, quản lý vận hành và xử lý sự cố. Mặt khác, tình hình thời tiết khí hậu khắc nghiệt cũng ảnh hưởng rất lớn đến vận hành và xử lý sự cố lưới điện như sét, cháy rừng,…
Vì vậy, để xác định chính xác vị trí sự cố trên đường dây, tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm, xử lý sự cố nhanh chóng và giảm các chi phí trong quá trình kiểm tra tuyến đường dây sau sự cố, việc trang bị lắp đặt thiết bị định vị sự cố trên các cung đoạn đường dây là cần thiết để người công nhân quản lý vận hành sớm xác định chính xác được điểm sự cố xảy ra. Thiết bị định vị sự cố cũng giúp tìm ra nguyên nhân gây sự cố để từ đó có những biện pháp xử lý, không để sự cố tương tự lặp lại và ngăn ngừa sự cố trong tương lai.
Xây dựng TBA không người trực
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN trong quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện Quốc gia, EVNNPT đã thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện tiếp nhận các công nghệ về sửa chữa, bảo dưỡng và tự động hóa lưới điện truyền tải.
Cùng với đó là tập trung thực hiện hiệu quả hàng chục dự án công nghệ mới đang triển khai như: Dự án Trung tâm điều khiển từ xa, đề án Lưới điện thông minh; Nghiên cứu sử dụng hệ thống pin mặt trời phục vụ cấp điện tự dùng tại các trạm biến áp; Ứng dụng công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng không cắt điện; Ứng dụng dây dẫn tổn thất thấp trên lưới truyền tải; Lắp đặt hệ thống thu thập thông tin, giám sát, cảnh báo sét; Nghiên cứu ứng dụng dùng FLYCAM để kiểm tra đường dây; Thử nghiệm sơn phủ cách điện đường dây...
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện chủ đề năm 2017 về “Đẩy mạnh khoa học công nghệ” của EVNNPT, ông Phạm Lê Phú - Phó tổng Giám đốc EVNNPT đã yêu cầu các đơn vị theo dõi kết quả thử nghiệm ứng dụng chống sét van đường dây 500 kV; sơn phủ cách điện đường dây, trạm biến áp (TBA) để báo cáo EVNNPT…Ngoài ra, EVNNPT còn đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể về tổ chức quản lý; Ứng dụng công nghệ mới; Phát triển công nghệ thông tin; Thúc đẩy hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất…
Mục tiêu của EVNNPT là tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án Lưới điện thông minh; Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện TBA không người trực, đảm bảo hết năm 2020 sẽ chuyển 60% TBA 220 kV theo tiêu chí trạm không người trực; Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các giải pháp giảm thiểu sự cố, Ứng dụng công nghệ mới để giảm tổn thất lưới điện truyền tải…