Hình thành thị trường điện ở Việt Nam sẽ góp phần điều tiết hoạt động điện lực

Thứ ba, 14/11/2006 | 00:00 GMT+7

Việc thiếu điện trong những năm vừa qua gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một trong những nguyên nhân gây thiếu nguồn điện là do thiếu vốn đầu tư xây dựng các nhà máy điện mới. Nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo môi trường hoạt động điện lực có hiệu quả, thị trường điện lực tại Việt Nam cần được hình thành và phát triển.

 

                                           

Ngày 26/01/2006 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam. Sự hình thành và phát triển của thị trường điện tạo môi trường hoạt động điện lực cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ bao cấp trong ngành Điện, đồng thời tăng quyền lựa chọn các nhà cung cấp cho khách hàng sử dụng điện. Thị trường điện tạo điều kiện thu hút mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo cho ngành Điện phát triển bền vững.

Thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ (mỗi cấp độ gồm một bước thí điểm và một bước hoàn chỉnh).

Cấp độ 1 - Thị trường phát điện cạnh tranh (2005 - 2014):

a- Bước 1- Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm: Từ năm 2005 đến năm 2008, sẽ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh giữa các nhà máy điện thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để thí điểm cạnh tranh trong khâu phát điện theo mô hình một đơn vị mua duy nhất do EVN quản lý. Các nhà máy điện, các công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện thuộc EVN sẽ được tổ chức lại dưới dạng các công ty hạch toán độc lập. Các công ty phát điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN sẽ tiếp tục bán điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã được ký kết. Kết thúc bước thí điểm, các nhà máy điện lớn có vai trò quan trọng trong hệ thống điện thuộc EVN phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập IPP dưới dạng các công ty nhà nước độc lập. Các nhà máy điện còn lại sẽ chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty cổ phần để chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Bộ Công nghiệp ban hành các quy định điều tiết các hoạt động của thị trường và hướng dẫn thực hiện.

b- Bước 2- Thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh: Từ năm 2009 đến năm 2014 sẽ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh, cho phép các IPP không thuộc sở hữu của EVN tham gia chào giá để bắt đầu thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (theo mô hình một người mua duy nhất); các đơn vị phát điện sẽ bán điện thông qua các hợp đồng PPA và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay với tỷ lệ điện năng mua, bán theo hai hình thức của từng đơn vị do Cục Điều tiết điện lực quy định.

Về cơ cấu tổ chức, các nhà máy điện thuộc EVN được tách thành các đơn vị phát điện độc lập (không có chung lợi ích kinh tế với đơn vị mua duy nhất, đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện) dưới dạng các công ty nhà nước độc lập, hoặc các công ty cổ phần. Tổng công suất đặt của một đơn vị phát điện không vượt quá 25% công suất đặt của toàn hệ thống.

Cấp độ 2 - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh ((2015 - 2022):

a) Bước 1- Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (2015-2016) sẽ thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện đã được đáp ứng. Cho phép lựa chọn một số đơn vị phân phối và khách hàng lớn để hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; hình thành một số đơn vị bán buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán buôn điện. Các công ty truyền tải điện hiện tại được sáp nhập thành một công ty truyền tải điện quốc gia duy nhất trực thuộc EVN; các đơn vị phân phối, đơn vị vận hành hệ thống và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện do EVN tiếp tục quản lý.

b) Bước 2- Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2017 đến năm 2022): Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh, cho phép các công ty phân phối điện thuộc EVN được chuyển đổi thành các công ty độc lập (công ty nhà nước hoặc cổ phần), để mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện và ngược lại, các đơn vị phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các công ty này. Đơn vị mua buôn (duy nhất) của EVN tiếp tục mua điện từ các đơn vị phát điện bán cho các công ty phân phối không được lựa chọn thí điểm. Các đơn vị bán buôn cũng tham gia cạnh tranh để bán điện cho các đơn vị phân phối và các khách hàng lớn. Từ giai đoạn này, EVN chỉ thuần tuý quản lý các hoạt động truyền tải và giữ vai trò vận hành thị trường và vận hành hệ thống.

Cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ sau 2022): 

a- Bước 1 -Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (2022-2024): Sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện đã được đáp ứng. Trong đó, cho phép lựa chọn một số khu vực lưới phân phối có quy mô thích hợp để triển khai thí điểm. Theo mức độ tiêu thụ điện do Cục Điều tiết điện lực quy định, các khách hàng được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện). Chức năng kinh doanh bán lẻ điện của các công ty phân phối được lựa chọn thí điểm sẽ được tách khỏi chức năng quản lý và vận hành lưới phân phối; các đơn vị bán lẻ điện sẽ cạnh tranh để bán điện tới từng khách hàng sử dụng điện và cạnh tranh để mua điện từ các đơn vị bán buôn điện.

b- Bước 2- Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2024). Căn cứ mức độ tiêu thụ điện do Cục Điều tiết điện lực quy định, các khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện), hoặc trực tiếp mua điện từ thị trường. Các tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu về hoạt động điện lực được phép thành lập mới các đơn vị bán lẻ điện để cạnh tranh trong khâu bán lẻ. Các đơn vị này được quyền mua điện từ các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện...

Được biết, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh Đề án Tái cơ cấu ngành Điện, phù hợp với lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện được duyệt; chỉ đạo thực hiện xây dựng và phát triển thị trường điện lực tại Việt Nam theo lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện được duyệt; phê duyệt Đề án Thiết kế thị trường điện các cấp độ và các đề án tổ chức lại các công ty điện, các đơn vị truyền tải, các đơn vị phân phối phù hợp với từng cấp độ thị trường và tổ chức thực hiện; ban hành các quy định cho vận hành thị trường điện và hoạt động điều tiết tại các cấp độ phát triển thị trường điện; tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức tài trợ quốc tế cho các dự án phục vụ tiến trình xây dựng và phát triển các cấp độ thị trường điện. Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực Việt Nam cũng đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng các phương án cho hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh nội bộ; soạn thảo đề án thành lập, điều lệ hoạt động của công ty mua bán điện… để trình Bộ Công nghiệp và Chính phủ xem xét phê duyệt vào cuối năm 2006.  

Lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực là cơ sở vững chắc để Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực, góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và đảm bảo tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

 

TCCN số tháng 11/2006 (trang 17)