Xây dựng thị trường điện lực 1 giá: Bài toán giải quyết vốn đầu tư

Thứ sáu, 10/11/2006 | 00:00 GMT+7

Với sự phát triển bình quân của nền kinh tế nước ta từ 7,1-7,5%/năm (Năm 2006 Chính phủ phấn đấu 8,2%) thì nhu cầu điện năng cần có đáp ứng tốc độ tăng trưởng đó là 14-15%.

 

                                         

Với công suất của cả nước tính đến nay là 12.000MW thì hằng năm ngành Điện cũng phải có thêm một nhà máy có công suất 1500MW. Để xây dựng một nhà máy 600MWh thuỷ điện và 900 MW nhiệt điện (giả thiết tỷ lệ 40-60% mỗi loại) thì chúng ta cần gần 2 tỷ đô la, đó là chưa kể các đường dây truyền tải, phân phối kèm theo. Từ con số hết sức sinh động đó, mọi người hình dung được rằng hằng năm ngành điện Việt Nam cần bao nhiêu vốn để đầu tư xây dựng cơ bản? Năm 2006, dự kiến 36.000 tỷ đồng. Con số này không dừng lại vì năm sau lại cao hơn năm trước theo cấp số nhân, rồi lãi suất vốn vay trong nước, vốn vay nước ngoài, nợ vay nói chung tới hạn phải trả... thật là một gánh nặng khủng khiếp.

Vay thì phải trả đó là lẽ đương nhiên, kể cả đời bố không trả được đời con, đời cháu phải trả cho dù vậy thì vay cũng phải vay, vay để đầu tư vay để trả nợ.

Trong tình hình khó khăn của nền kinh tế, các ngân hàng trong nước cũng không cho vay được nhiều, số này ước lượng chiếm không quá 22%. Còn lại là phải vay nước ngoài thông qua các tổ chức tín dụng của thế giới như: Ngân hàng thế giới (WB) Ngân hàng phát triển Châu á (ADP) Ngân hàng Bắc Âu; Ngân hàng của Nhật, của Trung Quốc...

Ngành điện có tài sản 90.000 tỷ đồng. Trước đây, khi chưa cổ phần hoá các doanh nghiệp thì hằng năm tính khấu hao được khoảng 9000 tỷ. Chính phủ cho để lại để đầu tư. Nhưng từ ngày thực hiện chủ trương Cổ phần hoá các sở điện lực, các Nhà máy (số này ngày một gia tăng) thì số tiền khấu hao mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ chỉ còn được 3.900tỷ. Như vậy hằng năm tập đoàn thiếu tiền đầu tư khoảng 25.000-26.000 tỷ phải vay nước ngoài.

Trong những năm gần đây, do thời tiết biến động, các Nhà máy thuỷ điện thiếu nước, giá nguyên vật liệu tăng cao quá mức kiểm soát đặc biệt là dầu làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực hết sức khó khăn. Lợi nhuận sau thuế không còn, bởi phải phát điện bằng dầu hoặc mua điện giá cao để cung cấp cho nhân dân vào mùa khô, (mùa khô 2005-2006) EVN lỗ 625 tỷ đồng vì mua điện giá cao của Nhà máy điện Hiệp Phước (Đài Loan).

Với bức tranh ở trên, mọi hoạt động điện lực đặt trong tình trạng hết sức khó khăn trong mọi quan hệ tài chính, vậy làm thế nào đủ điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân? Đó là câu hỏi: làm thế rào đủ tiền cho việc xây dựng các nhà máy điện, các đường dây Truyền tải và phân phối? Vay tín dụng trong nước, khấu hao để lại cũng chỉ giải quyết được 25%, vay của nước ngoài thì nợ nần cho đời con, đời cháu ... Lên giá điện để đầu tư như cách hiện nay cũng không ổn vì nền kinh tế nước ta còn nghèo, đời sống của nhân dân còn quá thấp - mà có lên được giá điện thì lượng thu cũng chỉ được chưa đầy 4.000 tỷ, con số đó quá nhỏ so với nhu cầu (ở đây phải nhấn mạnh có người cho rằng ngành điện lên giá điện để lấy tiền đầu tư là sai mà đúng hơn là chúng ta phải lên giá điện để cải thiện khả năng trả nợ, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhằm tiếp tục vay được tiền của các tổ chức tài chính thế giới mà thôi).

Dù chưa được đông đảo nhân dân đồng tình nhưng gần đây, Bộ Công nghiệp đã trình Chính phủ lên giá điện. Cũng như việc giá điện hiện hành theo kiểu bậc thang. Điểm quan trọng là càng dùng nhiều, càng đắt hơn. Cơ cấu giá điện bậc thang chính là sự bao cấp trong giá. Với cơ cấu này làm cho tính trị giá tiết kiệm điện thiếu. Hay nói cách khác là làm cho mọi người thiếu ý thức tiết kiệm sử dụng điện.

Cho tới bây giờ, rất ít nhà tài trợ nước ngoài tự trực tiếp; nếu có thì cũng phải được Chính phủ can thiệp vào giá điện bán Việt Nam (Nhà máy điện Hiệp Phước là một thí dụ - Chính phủ định giá) với giá đó làm EVN thêm lỗ nhiều, trăm tỷ đồng hằng năm! Họ không đầu tư trực tiếp và cho rằng Chính phủ quản lý giá điện ra, làm thị trường điện lực trở lên méo mó không phù hợp với quy luật thị trường. Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một tất yếu khách quan, phù hợp với quy luật và hoàn cảnh đất nước mới thoát ra khỏi chiến tranh, quan điểm đó trong xây dựng và phát triển điện lực phải “Thả nổi giá điện đầu ra” xây dựng thị trường điện lực khẩn trương với 1 giá. Nếu có một giá đầu ra về điện thì sẽ tăng ý thức tiết kiệm điện trong sử dụng điện, đồng thời sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài trực tiếp Các tổ chức tài chính sẽ đem tiền vào xây dựng các nhà máy điện, các đường dây Truyền tải bằng vốn của họ. Họ kinh doanh đúng quy luật cung cầu miễn là chúng ta có một nên chính trị ổn định, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực hoạt động điện lực thì rõ ràng: Chúng ta không phải đi vay, không để nợ lại cho các thế hệ sau này, nền kinh tế của Việt Nam được cung cấp một phần lớn bằng dòng điện nước ngoài trên đất Việt Nam.

Để đảm bảo sự công bằng theo nghĩa định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường - Chính phủ đưa ra các đối tượng chính sách (mức sử dụng - có thể là bậc thang) và ngành Điện thay vì nạp Ngân sách hăng năm thì có thế chi hộ Chính phủ là bù giá theo hạn mức được trợ giá cho phép trên hoá đơn hàng năm, hay định kỳ, ngành điện quyết toán vốn Bộ Tài chính ở các cấp. Làm được như vậy, chúng ta vừa có thị trường điện lực hoạt động theo quy luật thị trường - Cung cầu điều tiết giá cả nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp giảm thiểu nợ nần cho thế hệ mai sau, nền kinh tế dần dần sẽ đủ điện. Còn bù giá theo hạn mức được hưởng theo hóa đơn làm tăng ý thức tiết kiệm điện sử dụng điện và cũng tách rõ kinh doanh và công ích đảm bảo công bằng xã hội theo mục tiêu định hướng XHCN trong khi xây dựng nền kinh tế thị trường mà Đảng ta đã lựa chọn.

Để xây dựng thị trường điện lực 1 giá theo suy nghĩ trên phải tiếp tục nghiên cứu. Song thiết nghĩ đó là bước đi đột phá để giải quyết bài toán vốn đầu tư hiện nay nhằm cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, giảm nợ nần, và giải quyết tốt chính sách công bằng xã hội của Đảng.

 

Theo Tạp chí Điện VN T9+10