Sự kiện

Giải cơn “khát” điện giữa biển khơi

Thứ sáu, 4/10/2013 | 09:55 GMT+7
Có một thực tế mà ai cũng biết các huyện đảo như: Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) nằm giữa mênh mông biển khơi, nhưng lại chất chứa một cơn khát mang tên… Điện. Còn ít ngày nữa, dòng điện đầu tiên sẽ đến được với người dân trên huyện đảo Cô Tô.

Ngoài ý nghĩa về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, những nỗ lực của chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công của dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô đang như cú hích để “con đường ánh sáng” sớm đến được với những người dân tại các huyện đảo xa xôi khác của Tổ quốc.
 


Các kỹ sư, công nhân đang kéo cáp điện ra huyện đảo Cô Tô (ảnh: TTXVN)

Khao khát có điện

Thực tế cho thấy, hiện nay người dân, doanh nghiệp trên các huyện đảo Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc đang phải chịu thiệt thòi khi phải mua điện với giá đắt hơn rất nhiều so với đất liền, chưa kể nhiều nơi còn không được sử dụng điện 24/24 giờ. Là những khó khăn cố hữu, cho dù người dân vẫn luôn cố gắng sản xuất, sinh hoạt ở mức cao nhất với điều kiện hiện có về cơ sở hạ tầng, nhưng cũng đến lúc sự nỗ lực đó của người dân xứ đảo sẽ không thể phát huy hết hiệu quả nếu không có sự thay đổi căn bản về cơ hạ tầng, đặc biệt là vấn đề điện lưới.

Tại huyện Cô Tô, giá dầu, giá thành sản xuất điện tăng rất cao đang là sức ép về chi phí, ngân sách cho các cơ quan, đơn vị lẫn các hộ dân. Trạm điện trung tâm huyện có giá thành sản xuất điện thấp nhất cũng là 9.500 đồng/kWh, các hộ tiêu thụ đóng tiền ở khung giá điện thấp nhất cho 50 kWh đầu tiên cũng là 3.600 đồng, khung giá cao nhất từ kWh giờ thứ 301 trở lên là 9.000 đồng/kWh, số còn lại ngân sách huyện sẽ hỗ trợ. Đơn cử như ở 2 xã Ðồng Tiến và Thanh Lân, giá thành sản xuất điện trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/kWh, cá biệt có cụm máy phát diesel lên đến 25 nghìn đồng/kWh. Do vậy, mỗi năm huyện phải chi khoảng 7 tỷ đồng để hỗ trợ tiền dầu phát điện, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cấp phát điện. Hiện nay, chỉ có khu vực trung tâm đảo Cô Tô mới được cấp điện 23/24 giờ. Trong dịp hè, do quá tải, hệ thống điện khu vực trung tâm huyện liên tục đóng, ngắt; một số khu dân cư bị cắt điện vào giờ cao điểm; cơ quan công sở của huyện cũng liên tục nhiều ngày không có điện trong giờ hành chính.

Trong khi đó tại huyện đảo Lý Sơn, trong hơn 10 năm qua, Tổng công ty Điện miền Trung (EVNCPC) duy trì cấp điện cho Lý Sơn bằng nguồn diesel, với công suất khả dụng đạt khoảng 1.800 - 2.200kW, cấp luân phiên cho 2 xã An Vĩnh, An Hải theo chế độ 6 giờ/ngày và ngày có - ngày không. Giá thành sản xuất, phân phối mỗi kWh điện là 8.481 đồng, trong khi giá bán bình quân chỉ đạt 746 đồng/kWh, khoản lỗ đến 7.735 đồng với mỗi kWh điện. Khoản lỗ hằng năm do chênh lệch giữa giá bán và giá thành sản xuất phân phối điện luôn ở mức trên 10 tỷ đồng, riêng năm 2011 là 15,8 tỷ đồng. Với hơn 21 nghìn hộ dân trên đảo, ít nhất mỗi năm mỗi hộ cũng tốn vài triệu đồng để sắm bình ắc-quy.

Tại đảo Phú Quốc, nhu cầu điện năng liên tục tăng trưởng với tốc độ rất cao, trung bình hơn 25%/năm. Hiện công suất máy phát điện diesel ở huyện đảo là 24,7 MW, sản lượng điện thương phẩm năm 2013 dự kiến lên tới 65 triệu kW giờ. Giá bán điện tại đây cũng rất cao, điện sinh hoạt dưới 50kWh ở mức 2.050 đồng/kWh đối với hộ nghèo và cận nghèo, mức 2.568 đồng/kWh đối với hộ thường; điện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ: 7.992 đồng/kWh. Tuy nhiên, ngành điện luôn phải gánh lỗ do chênh lệch quá lớn giữa giá bán điện và giá thành sản xuất. Năm 2012 mức lỗ là 158 tỷ đồng; trong năm nay mức lỗ dự kiến lên tới 180 tỷ đồng.

Một vài số liệu kể trên cũng đủ để chúng ta thấy thực tế “khát điện” tại các huyện đảo hiện nay. Hơn bao giờ hết, người dân đảo khao khát, mong mỏi có điện từng ngày và họ biết thiếu điện sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, nhất là thương mại, dịch vụ và du lịch trên đảo. Và chính họ cũng hiểu và tin rằng, khi có điện lưới quốc gia 24/24 giờ, không chỉ thuận lợi trong sinh hoạt, mà nhiều cơ hội sản xuất kinh doanh cũng sẽ được mở ra. Như lời bày tỏ của Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, ông Trần Ngọc Nguyên cũng khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ, dù xác định kinh tế biển là mũi nhọn, nhưng đến thời điểm này, có nhiều du khách đến đảo chỉ sau một đêm ngủ tại đảo không chịu nổi cái nóng hầm hập nên đành vội vã trở vào đất liền.

Cú hích từ Cô Tô

Sự thành công hơn mong đợi về tiến độ thi công tại huyện đảo Cô Tô như một minh chứng rõ ràng rằng, một khi các cấp các ngành cùng chung tay quyết tâm thì những khó khăn cả về kỹ thuật lẫn kinh phí cũng sẽ vượt qua những con sóng dữ giữa đại dương.

Quyết tâm phải từ chính bản thân mình. Ngay khi bắt đầu chương trình đưa điện lưới ra vùng biển đảo Cô Tô và khu vực biên giới, khe bản, tỉnh Quảng Ninh đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đảng Bộ, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đặt ra quyết tâm cao nhất và cố gắng đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành chương trình kéo điện lưới ra tất cả các vùng, các địa bàn khu vực vùng sâu, biên giới và biển đảo.

Lời nói không bằng hành động. Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho dự án, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, Quảng Ninh đã thực hiện xã hội hóa thông qua sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bè bạn quốc tế. Bằng chương trình “Chung tay thắp sáng vùng biển đảo Cô Tô”, tỉnh Quảng Ninh nhận được sự tham gia ủng hộ của nhiều cá nhân, tập thể. Trong đó nhiều đơn vị ủng hộ lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng vũ trang và các cơ sở thờ tự thuộc Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh. Cho đến ngày 28/6 đã có trên 200 tỷ đồng của trên 200 đầu mối, tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí cho công trình đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô. Và để đảm bảo số kinh phí đầu tư cho công trình được trọn ven, chương trình cũng đang được tiếp tục thực hiện cho đến hết năm nay.

Khó khăn về nguồn kinh phí gần như tạm ổn, vấn đề kỹ thuật thi công cũng chỉ là thời gian. Cũng như các dự án tại các huyện đảo trước đó, qua nhiều lần thử nghiệm, các phương án sản xuất điện từ gió, sóng biển và năng lượng mặt trời đều không hiệu quả. Phương án kéo cáp ngầm đưa điện lưới ra Cô Tô được xem là phương án tối ưu nhất. Dự án có 2 tuyến, tuyến chính cấp điện ra đảo Cô Tô và tuyến nhánh cấp điện cho 2 xã đảo Quan Lạn và Minh Châu của huyện Vân Đồn. Trong đó, tuyến chính là tuyến đặc biệt quan trọng, xuất phát từ trạm điện Vân Đồn 1 đi qua thôn Đài Chuối; đảo Trà Ngọ - Cái Lim, xã Vạn Yên; Hòn Gềnh - Cống Thần, xã Bản Sen; đảo Ba Mùn, xã Minh Châu và đi thẳng ra Cô Tô, tổng chiều dài tuyến đường dây là 58,3 km, gồm hơn 25 km cáp ngầm xuyên biển và hệ thống đường dây trung áp trên không. Vì vậy, địa hình thi công sẽ rất phức tạp và khó khăn.

Sau khi nghiên cứu, khảo sát thi công với việc sử dụng các thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp để phân tích địa tầng, đơn vị thi công đã quyết định sẽ sử dụng robot để chôn trực tiếp cáp ngầm xuống đáy biển. Đối với đường dây trung áp trên không, đơn vị thi công đã sử dụng khinh khí cầu để rải đường dây. Đây được coi là một giải pháp đột phá về công nghệ với các thiết bị giám sát dưới độ sâu 25 m.
 


Dòng điện đầu tiên sẽ đến được với người dân trên huyện đảo Cô Tô. Ngoài ý nghĩa về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, những nỗ lực của chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công của dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô đang như cú hích để “con đường ánh sáng” sớm đến được với những người dân tại các huyện đảo xa xôi khác của Tổ quốc.

Từ ngày 25-28/9, Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) đã hoàn thành việc kéo đường dây tải điện 110kV ra đảo Cô Tô từ cầu từ Đài Chuối đến Hòn Ghềnh (Cống Thần) bằng khinh khí cầu. Việc thi công kéo dây điện trên biển khá phức tạp vì vướng tàu bè qua lại. Khí hậu trên biển không ổn định, gió mạnh, lại đi qua eo biển, qua khu rừng bảo tồn nên phải tính toán thật chi tiết, huy động thêm thiết bị, tàu thuyền để cảnh giới thi công. Hiện PCC1 đang cùng các đơn vị khác huy động tối đa lực lượng đẩy mạnh tiến độ thi công, đảm bảo đóng điện vào ngày 15/10, hoàn thành trước tiến độ đã đề ra.

Với việc thi công 23km cáp ngầm xuyên biển, Liên danh nhà thầu Prysmian-Thái Dương đã sử dụng robot để chôn trực tiếp cáp ngầm dưới đáy biển và có các thiết bị hiện đại giám sát việc thi công dưới độ sâu 25m. Đây cũng là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22kV dưới đáy biển. Dự kiến đến ngày 8/10 sẽ hoàn thành rải cáp ngầm tuyến Ba Mùn - Cô Tô và tiếp tục triển khai rải cáp ngầm tuyến cuối cùng là Cô Tô - Thanh Lân với chiều dài 2,171km.

Từ thành công sẽ tiếp nối thành công, từ huyện đảo Cô Tô niềm vui được đón dòng điện lưới chắc chắn sẽ lan tỏa đến các huyện đảo khác trên đất nước trong thời gian tới. Trước đó, chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Lý Sơn cũng được các chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi và hiệu quả lâu dài, bền vững. Đến nay Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 đã hoàn thành công tác khảo sát. Cùng đó, EVN và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra thực địa tại huyện Lý Sơn với phương án kéo điện bằng cáp ngầm. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014.

Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng cho biết, dự án tuyến cáp ngầm xuyên biển từ đất liền ra đảo Phú Quốc sẽ được khởi công vào cuối năm nay và dự kiến sẽ đóng điện vào ngày 30/4/2014. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư 2.345 tỷ đồng. Riêng tuyến cáp điện ngầm chiều dài 55,6km với công suất truyền tải 131 MVA có mức đầu tư 1.980 tỷ đồng. Các hạng mục công trình trên bờ cũng đã hoàn thành 95% khối lượng.

Rõ ràng một khi chủ trương được hiện thực hoá bằng sự quyết tâm và thực tâm muốn làm đến cùng của các cấp các ngành, đơn vị thì những khát khao bao đời về điện của người dân trên các đảo sẽ có cơ may được đáp ứng đủ đầy và trọn vẹn hơn. Có đủ điện, những tiềm năng của các đảo sẽ có dịp được giải phóng, đưa kinh tế huyện đảo phát triển xứng tầm. Và không chỉ vậy, một góc biên cương trên biển của Tổ quốc cũng sẽ vững vàng hơn.
 
Theo: NangluongVietnam