Việc đa dạng các kênh thanh toán đã nâng tỉ lệ khách hàng lựa chọn thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ở Hà Tĩnh lên 81,03%.
Thu hút khách hàng nhờ sự tiện lợi
Tính đến hết tháng 11/2023, đã có 81,03% khách hàng của PC Hà Tĩnh thanh toán tiền điện không tiền mặt. Các đơn vị có 100% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là Điện lực: Hồng Lĩnh, Đức Thọ, thành phố Hà Tĩnh; đơn vị có tỷ lệ xấp xỉ 90% là Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên…
Kết quả này là sự nỗ lực lớn của PC Hà Tĩnh nói chung và các đơn vi trực thuộc nói riêng trong việc tuyên truyền, vận động, giới thiệu đến khách hàng các hình thức thanh toán online, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các hình thức thanh toán hiện đại.
Hương Sơn (Hà Tĩnh) là huyện có địa hình phức tạp, trên 80% khách hàng thuộc khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, khách hàng là người cao tuổi, chưa có điều kiện tiếp cận với các hệ thống ngân hàng, điện thoại thông minh, nhiều khách hàng chưa đủ điều kiện kinh tế để có số dư trong tài khoản,… vì vậy việc thanh toán tiền điện online của người dân huyện nhà vẫn còn hạn chế.
Để nâng cao tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tạo thêm tiện ích thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện, ngoài việc hợp tác với ngân hàng, bưu điện,… Điện lực Hương Sơn còn tích cực phối hợp với nhà mạng của Vinaphone, Viettel để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên thanh toán tiền điện qua kênh Mobile money…(một hình thức thanh toán tiền điện trên điện thoại thông minh và cả điện thoại thường). Nhờ đó, những khách hàng không có tài khoản ngân hàng hoặc không có điều kiện sử dụng mạng internet vẫn có thể đăng ký sử dụng miễn phí.
CBCNV Điện lực Hương Sơn tham gia Ngày hội chuyển đổi số nhằm giới thiệu, quảng bá các dịch vụ tiện ích của ngành điện đến người dân phố núi.
Vì công việc bận rộn, hay vắng nhà nên ông Nguyễn Chí Thanh (thôn 4, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn) thường quên nộp tiền điện và phải nhờ người quen nộp hộ. Từ ngày được nhân viên Điện lực và Viettel hướng dẫn cài đặt ứng dụng Vietel Pay trên điện thoại, tạo tài khoản, nộp tiền và đăng ký thanh toán tiền điện tự động những khó khăn, bất tiện trước đây đã được giải quyết.
Lựa chọn thanh toán tiền điện qua ứng dụng internet banking hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Thu (thôn Yên Thịnh, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn) cho hay: “Tôi có nhà ở và một trang trại chăn nuôi nằm ở hai xã khác nhau, trước đây phải di chuyển hai nơi để nộp tiền điện cho đúng hạn. Từ khi mở tài khoản ngân hàng và cài đặt ứng dụng Internet banking, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thì dù ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời gian nào tôi cũng có thể thanh toán tiền điện một cách nhanh chóng, đó là tiện lợi dễ thấy khi sử dụng phương thức thanh toán tiền điện trực tuyến, vừa giúp tôi tiết kiệm thời gian, công sức đi lại”.
Chia sẻ về tiện ích của hình thức ủy quyền ngân hàng trích nợ tiền điện, chị Trần Ái Liên, giáo viên trường PTTH Hương Sơn cho biết: “Tôi mở tài khoản đã lâu chủ yếu sử dụng vào mục đích rút tiền do người thân chuyển tiền về. Sau khi được nhân viên Điện lực Hương Sơn tư vấn về việc thanh toán tiền điện tôi cảm thấy rất tiện lợi.
Trước đây đến hạn thanh toán, phải đến quầy thu của Điện lực để nộp tiền, vì là công chức nhà nước, khi mình hết giờ làm việc thì nhân viên Điện lực cũng đã đóng quầy nên phải đi lại nhiều lần. Nhiều khi quên đến nộp nhân viên Điện lực vào trường nhắc nợ làm tôi cũng ngại. Từ khi thực hiện việc ủy quyền thanh toán tự động đến nay, gia đình tôi không còn phải lo lắng về vấn đề này nữa”.
Tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho khách hàng
Hiện, Điện lực Hương Sơn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị đối tác đến từng nhà dân để cài đặt, hướng dẫn đăng ký trích nợ tự động tiền điện qua App các ngân hàng, qua Mobile Money, các ví điện tử zalopay, Vnpay... Các hình thức thanh toán này được kỳ vọng tạo thêm nhiều thuận lợi cho các khách hàng ở nông thôn, miền núi; đồng thời làm gia tăng tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Không chỉ Hương Sơn mà nhiều vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Khê,… hiện nay số lượng khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt ngày càng gia tăng.
Theo ông Phan Văn Anh - Trưởng phòng Kinh doanh, PC Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, thời gian qua, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Theo đó, đơn vị tích cực phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá đến khách hàng các ứng dụng, tiện ích thanh toán tiền điện online; gửi văn bản tới chính quyền địa phương các cấp đề nghị phối hợp với ngành điện vận động người dân, nhất là các khu vực nông thôn sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đồng thời giao khoán chỉ tiêu thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cho từng đơn vị, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương.
“Để đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện không dùng tiền mặt, PC Hà Tĩnh đã tăng cường hợp tác với 8 ngân hàng và 9 tổ chức trung gian thu hộ, tạo nhiều lựa chọn cho khách hàng khi thanh toán tiền điện. Ngoài ra, nhằm tiếp tục thu hút khách hàng tham gia thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty cũng tích cực hợp tác cùng các ngân hàng, ví điện tử và các tổ chức thanh toán trung gian tổ chức nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng”, ông Văn Anh cho biết thêm.
Năm 2023, PC Hà Tĩnh phấn đấu nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 83%. Đây là nỗ lực thiết thực của ngành điện Hà Tĩnh góp phần triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.