Sự kiện

'Khách hàng ngày càng hài lòng với ngành điện'

Thứ hai, 9/9/2013 | 14:21 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo Cung ứng và Tiết kiệm điện TP.HCM  về tình hình thực hiện tiết kiệm điện và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng của ngành Điện trong cuộc trao đổi với phóng viên Trang tin ngành điện ICON bên hành lang Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2013 diễn ra tuần qua. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

* PV: Đánh giá của ông về công tác tiết kiệm điện của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM. Ảnh: Ngọc Thọ
- Ông Lê Mạnh Hà: Về tiết kiệm điện thời gian vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm rất tốt. Đơn cử, chương trình tiết kiệm điện với kết quả giai đoạn 2006-2012 tiết kiệm điện được 1,608 tỷ kWh (tương đương 1.971,4 tỷ đồng) - chiếm bình quân gần 2% sản lượng điện thương phẩm mỗi năm. Nổi bật là trong các năm 2011, 2012, sản lượng điện tiết kiệm toàn Thành phố đạt trên 2,5% sản lượng điện thương phẩm, giúp giảm phát thải gần 730 ngàn tấn CO2. Hiệu quả công tác tiết kiệm điện thể hiện rõ thông qua hệ số đàn hồi năng lượng của TP.HCM vào các năm đầu 2000, 2001 là trên 1,5 thì đến 2012 đã giảm còn 0,67 (trong khi cả nước xấp xỉ 2), ngang bằng với một số nước tiên tiến trong khu vực.

* Thưa ông, ý nghĩa từ việc tiết kiệm điện đã đạt được tại Thành phố Hồ Chí Minh?

- Trong ngắn hạn, chương trình tiết kiệm điện đã giúp Thành phố không bị cắt điện vào các tháng mùa khô, góp phần cân đối cung cầu điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Trong dài hạn, chương trình đã góp phần từng bước nâng cao ý thức tự giác trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Theo tôi, trong công tác tiết kiệm điện, thời gian tới cần phải làm mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Với khu vực dân cư, hộ gia đình, không phải mỗi tiết kiệm điện mà cần gắn tiết kiệm điện với an toàn điện bởi an toàn và tiết kiệm đi liền với nhau, có an toàn mới có thể tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả được.

Ban chỉ đạo chỉ đạo Cung ứng và Tiết kiệm điện TP.HCM quyết định bắt đầu từ năm 2013, chương trình sẽ được tổ chức kéo dài xuyên suốt trong cả năm nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tiết kiệm điện trong các hộ gia đình trên địa bàn Thành phố. Dự kiến, Ban tổ chức chương trình sẽ lập kế hoạch triển khai chương trình trong dài hạn, trước mắt là giai đoạn 3 năm (2013 -2015), thay cho việc lập kế hoạch cho từng năm như hiện nay. Việc này sẽ giúp các bên tham gia chủ động trong việc triển khai, huy động hiệu quả nguồn lực và tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện.

Những chương trình như Thi đua gia đình tiết kiệm điện đã thực hiện thành công trong nhân dân rồi thì tới đây cần có những chương trình triển khai mạnh công tác tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp bởi khối doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ điện nhiều nhất thì phải ý thực và hành động tiết kiệm điện rõ rệt nhất. Tiết kiệm không phải là tắt bớt bóng đèn đi, không sử dụng máy móc nữa mà phải là sử dụng các thiết bị sử dụng hiệu quả năng lượng và thân thiện với môi trường. Sử dụng công nghệ mới thì năng suất và hiệu suất sử dụng năng lượng ngày càng cao giúp bảo vệ môi trường.



Dịch vụ khách hàng của ngành Điện ngày càng nâng cao. Ảnh: Ngọc Thọ

* Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng của ngành Điện thời gian qua đã có bước chuyển biến như thế nào thưa ông?

Tính đến cuối năm 2012, tổng số khách hàng sử dụng điện toàn Thành phố đã lên đến trên 1,9 triệu khách hàng (99,9% số hộ dân Thành phố). Từ tháng 01/2007, quy trình kinh doanh “một cửa” được triển khai áp dụng tại tất cả các công ty điện lực. Mở rộng việc thu hộ qua 27 ngân hàng với 1.440 điểm thu tiền điện, qua các máy ATM, qua tin nhắn, internet, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi…Tổng công ty cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp đầu tiên của ngành điện và mở rộng phục vụ cho các ngành hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn Thành phố. Từ cuối năm 2012, Tổng công ty thí điểm thành công hóa đơn điện tử trong ngành đầu tiên cả nước, mở đầu cho giai đoạn thương mại “điện tử hóa”.
- Thời gian qua, ngoài việc phục vụ khách hàng theo các hình thức truyền thống là tiếp nhận trực tiếp từ các phòng giao dịch, ngành Điện đã mở rộng được nhiều kênh thông báo và tiếp nhận thông tin của khách hàng như tiếp nhận qua tổng đài Trung tâm CSKH 1900 545454 và 1900 1122 (tại TPHCM) để giải đáp tất cả các thắc mắc của khách hàng liên quan đến việc sử dụng điện trên địa bàn thành phố và tiếp nhận các thông tin về mất điện, an toàn điện từ phía khách hàng. Ngành Điện cũng thông tin qua Trang tin điện tử, chuyên trang chăm sóc khách hàng. Qua đó, khách hàng có thể xem thông báo lịch tạm ngưng cung cấp điện; thông tin tiền điện; đăng ký mua điện; các hình thức thanh toán tiền điện; tải thông tin hóa đơn điện tử.; thông báo các thông tin sử dụng điện cần thiết đến khách hàng qua tin nhắn SMS; email.

Đặc biệt, Trung tâm Tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng thành phố Hồ Chí Minh dựa trên mô hình rất thành công từ Trung tâm Chăm sóc khách hàng của ngành Điện đi vào hoạt động chưa đầy nửa năm (tháng 4/2013) tiếp nhận hàng nghìn lượt cuộc gọi không chỉ về sự cố điện lực mà còn về hạ tầng giao thông, cấp nước hay chiếu sáng đã cho thấy hiệu quả rất tích cực. Thời gian qua, tất cả các cuộc gọi liên quan tới sự cố giao thông như sự cố về đường xá, sụt lún, vỡ ống nước, cây xanh gãy đổ, cáp thông tin, viễn thông sà xuống đường…đều được người dân và người đi đường phản ánh kịp thời qua trung tâm. Các đơn vị chức năng liên quan mới có thể nhanh chóng xác định vị trí một cách nhanh chóng và có phương thức xử lý, ứng cứu kịp thời. Có thể nói, mô hình này đang mang lại lợi ích thiết thực cho thành phố.

* Thưa ông, năm nay 2013 được EVN xác định là năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng, theo ông thời gian tới để nâng cao hiệu quả và công tác dịch vụ khách hàng ngành Điện nói chung và Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cần phải làm gì?

- Nhìn chung, dịch vụ khách hàng của EVN nói chung và nhất là ngành Điện Thành phố Hồ Chí Minh ngày nâng cao cả về chất, lượng. Khách hàng và người dân ngày càng hài lòng hơn với cung cách phục vụ cũng như các dịch vụ hỗ trợ kèm theo của ngành Điện.

Đặc biệt, các thông tin qua báo đài đều được ngành Điện Thành phố phản hồi, trả lời rất kịp thời với tinh thần lắng nghe, cầu thị. Trong tương lai, ngành Điện cần tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, tiếp cận công nghệ mới từ đó lựa chọn các giải pháp phù hợp đem lại tiện ích tối đa cho khách hàng. Song song đó, cần tăng cường các Hội nghị ngành điện gắn bó với chính quyền địa phương, lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thiện và phát triển, tạo bước chuyển biến tích cực trong quan hệ giữa ngành điện và khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.
 
Ngọc Thọ (thực hiện)