Khai thác lợi thế của ngành: Trái phiếu điện lực đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Thứ ba, 14/11/2006 | 00:00 GMT+7

Tới 75% trái phiếu phát hành lần này được phân phối cho các nhà đầu tư nước ngoài là một kết quả đáng khích lệ với trái phiếu ngành điện lực trong lần phát hành đầu tiên bằng tiền đồng Việt Nam (VND) tại thị trường vốn quốc tế.

Trước đó đợt phát hành trái phiếu Chính phủ huy động 750 triệu USD tại thị trường quốc tế cho ngành đóng tàu cũng đã nhà được sự quan tâm lớn của giới đầu tư tài chính quốc tế, tuy nhiên, khác với trá phiếu chính phủ, trái phiếu EVNBOND 0706 lần này là trái phiếu doanh nghiệp và được phát hành bằng VND.

Chính vì vậy, sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế tới EVNBOND 0706 đánh dấu một bước ngoặt cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, mở đường cho sự phát triển của thị trường trái phiếu VND, tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam huy động nguồn vốn dài hạn hơn mà không phải chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái. ''Phát hành trái phiếu bằng VND cũng mang lại lợi ích cho hệ thống tài chính - tín dụng trứng nước, vì mở ra kênh huy động mới, thay vì phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng thương mại trong nước'', ông Kelvin Lee, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết.

Trước đó, vào đầu năm nay, việc phát hành trái phiếu thông qua các ngân hàng thương mại trong nước của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cũng gặp phải một số khó khăn nhất định khi hạn mức thanh toán của các ngân hàng trong việc phát hành trái phiếu bị ''kịch trần'', không đảm bảo được quy định bảo lãnh thanh toán (không được vượt qua 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại). ''Các nhà đầu tư quốc tế tại Đức, Pháp, Singapore, Bắc Âu, Hàn Quốc, Mỹ đã nồng nhiệt đón chào trái phiếu EVN. Số lượng đăng ký mua gấp 3 lần số lượng phát hành'', ông Michael Luck, Trưởng bộ phận Thị trường nợ xuyên quốc gia của Deutsche Bank tiết lộ.

Lẽ dĩ nhiên, mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế bởi EVNBOND 0706 có được là nhờ vào vị thế của EVN trên thương trường và dĩ nhiên có cả sự so sánh với trái phiếu chính phủ đã phát hành trước đó. Trái phiếu EVNBOND 0706 có mức lãi suất là 9,6% cho năm đầu và 9,95% cho các năm tiếp theo. Mức lãi suất này được đánh giá là cao hơn khoảng 100 điểm (tương đương 1%) so với mức lãi suất chuẩn của trái phiếu chính phủ.

Bà Đàm Thuỷ, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam nhận xét, EVN được các nhà đầu tư đánh giá là đang hoạt động tốt và có lợi thế là nhận được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong quá trình hoạt động.

Cũng với kết quả tốt của lần phát hành trái phiếu này, các nhà tư vấn phát hành trái phiếu cho EVN là VinaCapital và Deutsche. Bang (Đức) đang có kế hoạch mở rộng việc phát hành trái phiếu lên tới 3.000 tỷ đồng. ''Tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ với EVN về việc phát hành 5.000 tỷ đồng, nên việc mở rộng phát hành trái phiếu lên thêm 2.000 - 3.000 tỷ đồng nữa là nằm trong kế hoạch.  

Với thực tế các nhà đầu tư đăng ký mua gặp nhiều lần so với số lượng phát hành của EVNBONĐ 0706, xem ra việc  phát hành thêm chẳng có gì khó khăn.

Từ đầu năm tới nay, EVN đã phát hành 6 đợt trái phiếu huy động vốn với tổng giá trị lên tới 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế, trách nhiệm của EVN cũng khá nặng nề.

Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN cho biết, trong năm 2006 và các năm tiếp theo, EVN đứng trước thách thức lớn đó là nhu cầu tiên thụ điện gia tăng cao. Nhu cầu đầu tư của ngành điện Việt Nam trong giai đoạn 2006-2015 có xét triển vọng đến năm 2025 là khoảng 109 tỷ USD, trong đó riêng cho nguồn điện là khoảng 72 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4-5 tỷ USD cho các công trình điện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng huy động vốn của EVN cũng chỉ được tối đa là 50% số này. Phần còn lại sẽ phải tìm kiếm từ các nguồn khác. Chính vì vậy, việc huy động vốn theo các hình thức cung cấp thiết bị với tín dụng của người bán, phát triển dự án theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc liên doanh, bán cổ phần của các đơn vị được cổ phần hoá, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước và quốc tế được triển khai mạnh ở EVN.

 

Theo Đầu tư