Sự kiện

Dấu ấn Hủa Na

Thứ tư, 18/9/2013 | 09:25 GMT+7
Có mặt từ những ngày đầu băng rừng, lội suối chuẩn bị mặt bằng kịp khởi công Nhà máy thủy điện Hủa Na, tại huyện miền núi vùng cao biên giới Quế Phong (Nghệ An), kỹ sư Bùi Văn Nhân là người chứng kiến sự vượt lên bao khó khăn, vất vả của những người thợ xây dựng. Anh Nhân kể lại ngày đầu đi mở công trường, các kỹ sư, công nhân đã phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa hình dung hết. Từ huyện Quế Phong vào địa điểm xây dựng nhà máy chỉ dài khoảng 30 km, sau khi đi ô-tô phải "tăng bo" bằng xe máy và cuối cùng phải đi bộ mới đến được công trường.


Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Hủa Na.

Vào mùa mưa lũ, nước sông Chu chảy xiết, đi lại khó khăn, mọi việc ở công trường phụ thuộc vào thiên nhiên, gặp lũ lớn mọi việc phải "án binh bất động". Theo khảo sát và tính toán ban đầu, việc lựa chọn vị trí đặt nhà máy và xây dựng đập lúc đầu bố trí tại bản Hủa Na, về sau để nâng cao hiệu quả tích nước và tăng dung tích lòng hồ, vị trí này được chuyển về bản Huôi Muồng xa thêm 8 km. Lựa chọn phương án này phải tổ chức khảo sát, tính toán thiết kế lại. Ðó là chưa tính đến, trong suốt quá trình thi công các nhà thầu còn phải khắc phục những phát sinh do khách quan, trong đó đặc biệt là tình hình địa chất xấu đối với hạng mục hầm dẫn nước có độ dài tới 3,8 km, số lượng hộ dân di dời, đền bù giải phóng mặt bằng lớn...

Ðể đạt được mục tiêu bảo đảm tiến độ xây dựng, nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động cung cấp điện cho cả nước, nhất là trong giai đoạn ngành điện còn mất cân đối nguồn cung, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia... lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (HHC) đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, với sự giúp đỡ tạo mọi điều kiện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Ðiện lực dầu khí Việt Nam. Hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã kiên trì liên tục bám công trường trong suốt nhiều năm, góp sức để Hủa Na về đích. Trên công trường xây dựng nhà máy hội đủ những "anh tài" trong làng xây dựng thủy điện như Tổng công ty Sông Ðà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, cùng với các đơn vị tư vấn xây dựng điện có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế xây dựng thủy điện. Trên công trường hàng nghìn tấn vật tư, thiết bị đã được huy động, chế tạo, gia công, lắp đặt. Cùng với những thiết bị chế tạo trong nước, để bảo đảm tính hiệu quả và hoạt động ổn định, bền vững của nhà máy, sự lựa chọn nhà thầu chính cung cấp các thiết bị quan trọng được lựa chọn là nhà thầu Pháp có nhà máy chế tạo đặt tại Trung Quốc, bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng cung cấp thiết bị.

Với các công trình thủy điện, hai yếu tố quan trọng nhất là tiến độ xây dựng lắp đặt nhà máy và di dân giải phóng mặt bằng tổ chức tái định cư, thường xuyên phải chịu tác động khách quan của thời tiết, khí hậu. Ðể bảo đảm mục tiêu tiến độ phải xử lý nhiều vấn đề liên quan, trong đó phần xây dựng phải tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ðường găng tiến độ ở tất cả các hạng mục luôn được Ban quản lý (BQL) kiểm soát chặt chẽ. Sau khi tiếp nhận dự án với vai trò cổ đông chi phối, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Ðiện lực dầu khí Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cổ đông, các nhà thầu tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng như tập trung huy động, thu xếp nguồn vốn giải ngân kịp thời để động viên các đơn vị thi công, bảo đảm mục tiêu phát điện.

Ðến nay, sau 5 năm, với sự chỉ đạo quyết liệt và sự lao động miệt mài của các cán bộ, công nhân vượt qua bao khó khăn gian khổ, bằng trí tuệ, mồ hôi và sự chung tay góp sức của chủ đầu tư và các nhà thầu, một khối lượng công việc đồ sộ đã hoàn thành. Nhiều mốc son quan trọng tại công trường đã được xác lập, ghi nhận sự nỗ lực của các tập thể lao động: Khởi công ngày 28-3-2008; ngăn sông 31-1-2010; nút hầm dẫn dòng, tích nước hồ chứa ngày 4-7-2012; nghiệm thu đóng điện đường dây 220 kV ngày 31-1-2013, tiến đến phát điện hòa lưới quốc gia cả hai tổ máy trong tháng 2 và tháng 3. Trong suốt thời gian thi công, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu ký nhiều giao ước thi đua: 90 ngày đêm vì mục tiêu ngăn sông; 162 ngày đêm thông hầm dẫn nước; 100 ngày đêm cho mục tiêu tích nước lòng hồ. Với tổng công suất lắp đặt 180 MW, sản lượng điện thương phẩm cung cấp lên lưới hằng năm của nhà máy đạt 716 triệu kW giờ, đây là nguồn bổ sung quan trọng cho nguồn điện quốc gia. Ngoài ra, công trình còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng thủy điện sông Chu, điều tiết hạ du, tăng sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Cửa Ðạt. Hiện nay, nhà máy đi vào vận hành ổn định, mỗi ngày hai tua-bin hòa vào lưới điện quốc gia 2 triệu kW giờ, góp phần bảo đảm nguồn điện ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong suốt quá trình xây dựng nhà máy, thường trực tại công trường, BQL dự án thường xuyên cập nhật thông tin để đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý thúc đẩy tiến độ thi công. Quản lý chặt chẽ về tiến độ, tổ chức giao ban tại công trường hằng ngày, hằng tuần đi đôi với thưởng phạt nghiêm minh. Vì mục tiêu chung, đối với những nhà thầu chậm tiến độ, sau khi nhắc nhở nếu không khắc phục, được thay thế bằng nhà thầu khác đủ năng lực. Những đơn vị thi công đúng tiến độ và chất lượng được đáp ứng đủ vốn, giải ngân kịp thời, giúp DN tháo gỡ khó khăn về tài chính, động viên tinh thần và vật chất đối với người lao động. Quá trình thi công xây dựng nhà máy do tình hình kinh tế, tài chính của các DN gặp nhiều khó khăn, vấn đề thu xếp vốn cũng là một thành công đáng ghi nhận. Thành công này bắt nguồn từ sự hỗ trợ tích cực của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, của các cổ đông tham gia dự án như Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Bắc Á... họ đã góp sức đưa công trình vào vận hành đúng tiến độ.

Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hủa Na, công tác di dân, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư trên diện rộng, hỗ trợ ổn định đời sống cho hơn 1.400 hộ dân là mảng công tác phức tạp, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng, làm chậm tiến độ dự án. Với ý thức chủ động, tập trung đến mức cao nhất cho công tác bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư, làm tốt công tác an sinh xã hội, BQL công trình thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Quế Phong và các xã cùng với nhân dân vùng lòng hồ để làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ 1.402 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng khi xây dựng nhà máy, trong đó có 1.362 hộ phải di dời, tái định cư nơi ở mới. Những nỗ lực đó đã đem lại kết quả tích cực. Ðến thời điểm tích nước lòng hồ, cơ bản đã hoàn thành toàn bộ việc di dời dân cư, trong đó có 878 hộ di chuyển đến 13 điểm tái định cư tập trung trong huyện Quế Phong. Ðể bảo đảm đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân tại các khu định cư, hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được đầu tư đồng bộ cùng với các khoản chi phí hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân nơi ở mới theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Ðể hỗ trợ ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống lâu dài của bà con và cộng đồng sau khi tái định cư, công tác giao đất đang từng bước được triển khai theo mục tiêu: đất sản xuất lâm nghiệp bình quân là 3 - 5 ha/hộ; đất lúa nước 200 m2/khẩu cùng với khoảng 1 ha đất sản xuất nông nghiệp/hộ... Công tác khai hoang hình thành quỹ đất sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện theo hình thức giao cho nhân dân tự làm để tạo việc làm và thu nhập, Nhà nước hỗ trợ kinh phí... Ngoài ra, các hộ dân sau khi di chuyển về nơi ở mới đã nhận được sự hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn khuyến nông... để bắt tay vào sản xuất, ổn định đời sống.

Với ý thức chủ động cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với đồng bào, tập thể lãnh đạo và cán bộ đảng viên của Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đã phối hợp chặt chẽ với Ðảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân vùng lòng hồ tổ chức tốt công tác di dân tái định cư, lập nên một kỳ tích: đầu tư xây dựng 13 điểm tái định cư, bồi thường hỗ trợ và di chuyển 1.362 hộ dân ra khỏi lòng hồ trong một thời gian ngắn, với số tiền đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng. Ðây là một thành công rất đáng ghi nhận của dự án, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na với đảng bộ chính quyền địa phương. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các căn nhà xây mới ở các khu tái định cư đã cơ bản đáp ứng điều kiện sinh hoạt cho người dân. Một số điểm tái định cư vùng sâu, vùng xa thuộc hai xã Ðồng Văn và Thông Thụ, cuộc sống của người dân từng bước được ổn định. Ðiểm tái định cư Huôi Siu - Huôi Lạn có 114 hộ dân xã Ðồng Văn di chuyển đến, là điểm tái định cư đông dân nhất. Bí thư chi bộ Vi Văn Quốc cho biết: Ðến nay cơ bản người dân về nơi ở mới đã ổn định cuộc sống, chủ đầu tư ngoài chi trả đầy đủ tiền đền bù còn hỗ trợ dân tiền vận chuyển, bảo đảm đầy đủ các chính sách, chế độ của Nhà nước. Ðến điểm định cư mới, dân bản vui hơn vì sự thuận tiện trong đi lại, các công trình phục vụ sinh hoạt hằng ngày như điện, nhà trẻ, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng... được xây dựng đồng bộ, chất lượng cuộc sống so với nơi ở cũ đã nâng lên rõ rệt. Quá trình di dân tái định cư với kinh phí đầu tư của Nhà nước và chủ đầu tư hàng loạt công trình bảo đảm an sinh xã hội đã được xây dựng, đây là điều kiện để quy hoạch lại các điểm dân cư, gắn với chủ trương lớn xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống người dân và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, phần lớn người dân di chuyển khỏi khu vực xây dựng nhà máy đã "an cư" tại nơi ở mới, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để họ có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Thấu hiểu những khó khăn đối với công tác "hậu tái định cư", Chủ tịch HÐQT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na luôn xác định nhiệm vụ tiếp theo của công ty là tiếp tục tham gia ổn định đời sống và điều kiện phát triển sản xuất lâu dài, bền vững cho các hộ dân tái định cư, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Ðiều mong mỏi nhất của chủ đầu tư là thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con các dân tộc nơi tái định cư mới tốt hơn nơi ở cũ. Lãnh đạo công ty cùng chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp bà con chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi nghề đạt hiệu quả lâu dài.
 


Kiểm tra thi công đường hầm dẫn nước Thủy điện Hủa Na.
Theo: Nhân dân Online