Sự kiện

10 năm thực hiện NQ 32 của Bộ Chính trị: Ngành Điện đi trước một bước (tiếp theo và hết)

Thứ ba, 17/9/2013 | 13:19 GMT+7
Không chỉ xi măng  Chin- phong mà còn một loạt dự án công nghiệp lớn khác đi vào hoạt động hiệu quả nhờ được cấp điện kịp thời như Thép Việt Ý, DAP Đình Vũ, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đình Vũ, VSIP Hải Phòng, Tràng Duệ…
Hiệu quả, đổi mới nhờ có điện

Phó tổng giám đốc Công ty xi măng Chin- phong Lê Minh Hiếu cho biết, điện là một yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Kể từ khi bắt tay xây dựng nhà máy và trong suốt quá trình vận hành tới hôm nay, Công ty Chin- phong luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ tận tình của Công ty Điện lực Hải Phòng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu về điện thường xuyên, liên tục. Ông Hiếu khẳng định, trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi khan hiếm điện cũng như khi nguồn điện dồi dào, công ty đều được tạo điều kiện bởi đặc thù sản xuất của ngành xi măng là không thể dừng lò, trừ trường hợp sửa chữa, đại tu thường kỳ. Chỉ cần mất điện, mỗi lần vận hành lại công ty tốn kém tới 2 tỷ đồng, chưa kể khoảng thời gian 1- 2 tuần khôi phục lại hệ thống gạch chịu lửa trong lò. Mỗi ngày, Chin – phong sản xuất 6000- 7000 tấn nên dừng lò ngày nào thiệt hại ngày ấy, không đo đếm được. Chính vì có sự hỗ trợ, cấp điện ổn định của ngành điện  mà trong 15 năm qua, hệ thống dây chuyền thiết bị, máy móc của công ty vẫn vận hành tốt. Không những thế, điện còn là một yếu tố quan trọng làm nên hiệu quả kinh doanh của công ty với doanh thu vài nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng/ năm.

Không chỉ xi măng  Chin- phong mà còn một loạt dự án công nghiệp lớn khác đi vào hoạt động hiệu quả nhờ được cấp điện kịp thời như Thép Việt Ý, DAP Đình Vũ, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đình Vũ, VSIP Hải Phòng, Tràng Duệ… Thậm chí, để đón trước nhu cầu phát triển, công ty phải tìm nguồn đầu tư trạm 110 kV trước, phải chịu thiệt thòi về hiệu quả kinh tế nhưng đổi lại là đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Đến nay, cứ nhà máy, xí nghiệp ở đâu là có điện ở đó, kể cả ở các xã vùng sâu, vùng xa. Điều này được Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh khẳng định khi đánh giá 10 năm qua, điện là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Nếu như năm 2002, Thủy Nguyên chỉ có 2 trạm trung gian 110 kV Núi Đèo, Ngũ Lão công suất nhỏ, sau 10 năm đã có thêm nhiều trạm biến áp 110 kV công suất lớn như Mỹ Đồng, Việt Ý, VSIP… Các trạm trước đây đều được cải tạo, nâng công suất. Ngoài ra, hệ thống lưới điện trung và hạ thế cũng được xây dựng rất tốt nên 100% số hộ dân của Thủy Nguyên có điện, các đầm nuôi trồng thủy sản ở nơi hẻo lánh cũng đã có điện phục vụ. Vì thế, ngành điện có nhiều đóng góp quan trọng, tạo sự đổi thay mạnh mẽ của huyện Thủy Nguyên nói riêng và cả thành phố nói chung qua 10 năm thực hiện NQ 32 của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng được Công ty Điện lực Hải Phòng thực hiện, đáp ứng yêu cầu của NQ 32 là ngày  19- 8- 2009, sau hiệu lệnh đóng điện Trạm biến áp phân phối Việt Hải, cả xã Việt Hải trên huyện đảo Cát Hải bừng sáng.  Như vậy là sau 64 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, người dân nơi đây được hưởng ánh sáng điện lưới quốc gia. Đây cũng là xã cuối cùng của thành phố Hải Phòng trừ đảo Bạch Long Vỹ có điện lưới quốc gia. Đáng ghi nhận hơn khi với  gần 14 tỷ đồng tiền vốn đầu tư, trung bình đầu tư cho mỗi hộ dân vào khoảng 180 triệu đồng, tính hiệu quả kinh tế thì chưa thấy ngay nhưng ý nghĩa về chính trị xã hội thì đặc biệt to lớn, thể hiện vai trò, trách nhiệm của công ty đối với xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Hải để hôm nay Việt Hải đang trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất của Hải Phòng và cả nước.
 


Trạm 110 Kv Cát Hải được lắp đặt, tạo điều kiện để phát triển kinh tế huyện đảo.

Gắn hiệu quả kinh doanh với nâng cao chất lượng  phục vụ

Chăm lo phát triển lưới điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh - tế xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của thành phố, Công ty Điện lực Hải Phòng còn là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả của thành phố. Bộ máy tổ chức của công ty không ngừng được hoàn thiện, có nhiều đổi mới về phương pháp, cách làm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt đối với CBCNV, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phục vụ khách hàng dùng điện ngày một tốt hơn, được thành phố và nhân dân ghi nhận.

Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Vũ Đức Hoan, thành công lớn nhất của Công ty Điện lực trong 10 năm qua là bảo đảm vận hành an toàn và ổn định hệ thống lưới điện của Hải Phòng, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về điện trong sản xuất kinh doanh, điện sinh hoạt và điện cho quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, vượt qua nhiều khó khăn, công ty cơ bản ổn định tình hình tài chính, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao và kinh doanh có lãi. Năm 2012, điện mua đầu nguồn của công ty đạt 3.351 triệu kWh, tăng 2,66%; điện thương phẩm đạt 3172 triệu kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng 5,25%, giảm 0,1%; giá bán điện bình quân 1300 đồng/ kWh; doanh thu tiền điện đạt 4124 tỷ đồng, tăng 14,9%; nộp ngân sách 40,78 tỷ đồng, tăng 16,5%... Đáng chú ý là lợi nhuận đạt 43 tỷ đồng, đời sống, việc làm của hơn 2000 lao động được bảo đảm cơ bản ổn định.

Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, Công ty Điện lực Hải Phòng góp phần quan trọng vào thành công chung của toàn thành phố qua 10 năm thực hiện NQ 32 của Bộ Chính trị. Đảng bộ, Ban Giám đốc công ty đang tiếp tục tìm những giải pháp mới, năng động sáng tạo, đi trước đón đầu yêu cầu sự nghiệp CNH- HĐH của thành phố để phục vụ ngày càng tốt hơn các nội dung của NQ 32 trong chặng đường tiếp theo.  
 
Theo: Báo ĐT Hải Phòng