Sự kiện

Đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư dự án điện hạt nhân

Thứ ba, 17/9/2013 | 11:39 GMT+7
Theo kế hoạch, năm 2014 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng phục vụ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1, 2. Một trong những khâu quan trọng quyết định thành công của dự án là khâu di dân tái định cư (TĐC).



Xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) đang trong quá trình chuẩn bị di dời để nhường đất xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Ảnh: Ngọc Loan

Theo ông Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, bên cạnh khó khăn về tài chính (toàn bộ tài chính cho ĐHN Việt Nam phải dựa vào nguồn vốn ODA của Nga, Nhật Bản), việc xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận gặp những ý kiến không đồng thuận vì hầu hết người dân đều lo lắng phóng xạ hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống. Để tạo sự đồng thuận tới từng người dân, đến nay, BQL ĐHN Ninh Thuận đã tổ chức trên 15 đoàn đại biểu Ninh Thuận đến tập huấn, tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Sau khi nghe giải thích và được tận mắt chứng kiến cuộc sống ổn định, an toàn của bà con sống quanh khu vực lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, họ đã hiểu và yên tâm hơn, nhiều đại biểu tỏ ra rất phấn khởi và sẵn sàng về giải thích lại cho bà con cùng tin tưởng đón nhận chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án ĐHN Ninh Thuận cho biết, để đảm bảo tiến độ xây dựng hạ tầng phục vụ việc xây dựng nhà máy ĐHN theo kế hoạch, quý III/2013 phải hoàn thành công tác lập, trình và phê duyệt dự án di dân, TĐC; tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và TĐC ở các khu vực xây dựng dự án. Quý IV/2013, hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hợp phần thuộc dự án di dân, TĐC. Quý I/2014, các đơn vị trình duyệt kế hoạch đấu thầu thi công xây lắp các hợp phần thuộc dự án Nhà máy ĐHN 1 và 2; hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp và tổ chức khởi công xây dựng.

Nhằm đảm bảo quyền lợi, ổn định đời sống cho người dân TĐC, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1504/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, TĐC  Dự án ĐHN Ninh Thuận.

Theo đó, Quyết định quy định cụ thể đối tượng hỗ trợ, đơn giá, diện tích cho suất TĐC tối thiểu. Trong đó, diện tích hỗ trợ 1 nền đất ở TĐC tối thiểu cho hộ gia đình, cá nhân là 200 m2. Nếu hộ gia đình, cá nhân không nhận đất ở tại khu TĐC thì được nhận hỗ trợ bằng tiền. Nếu nhận đất ở TĐC nhỏ hơn giá trị một suất TĐC tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó.

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất sản xuất được hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt chăn nuối và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công thương nghiệp. Hộ bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất sản xuất được hỗ trợ lương thực trong thời gian 48 tháng; bị thu hồi từ 30-70% diện tích được hỗ trợ 24 tháng; bị thu hồi trên 70% diện tích được hỗ trợ 36 tháng. Mức hỗ trợ được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo tẻ thường/người/tháng theo giá tại thời điểm hỗ trợ. Người trong độ tuổi lao động được học nghề miễn phí, được hỗ trợ tiền ăn 450.000 đồng/người/tháng, tiền ở 400.000 đồng/người/tháng, tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học. Sau khi học nghề được ưu tiên vay vốn để tự tạo việc làm. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân còn được hỗ trợ về y tế, giáo dục, thắp sáng, cấp nước sinh hoạt, di chuyển nhà cửa, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm…

Hiện các ban ngành của tỉnh Ninh Thuận đang tư vấn, kiểm tra, kiểm kê khu TĐC phía bắc cho khoảng 300 hộ gia đình, xây dựng hạ tầng cấp nước đề nghị các đơn vị khẩn trương tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch chung. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để xử lý khẩn trương, kịp thời, không để phát sinh tình hình phức tạp, gây điểm nóng về di dân TĐC, nhất là khu vực xây dựng Nhà máy ĐHN 1.
 
Ngọc Loan / ICON.com.vn