Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Thưa ông, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành “Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân” - cơ sở của việc tính toán, quyết định giá bán lẻ điện mới thì Bộ Công Thương cũng đã có các lý giải liên quan đến các yếu tố tác động tới chi phí sản xuất, kinh doanh điện thời gian qua (với các biến động tăng giá mạnh của nhiều mặt hàng năng lượng như than, xăng dầu, khí…) dẫn đến khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện, đặc biệt là lỗ lớn của EVN (với số lỗ được công bố lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng). Dưới góc độ chuyên gia về quản lý giá - thẩm định giá, ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Qua theo dõi tình hình kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua, chúng ta đều biết là năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình kinh tế thế giới có rất nhiều biến động. Trước tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và các yếu tố cung - cầu trên thị trường thì giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành tại TBA 500kV Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ở nước ta, chi phí nhiên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, đã làm cho chi phí phát điện tăng theo. Tính toán cho thấy chi phí phát điện chiếm tới 80% trong giá bán điện.
Cụ thể, giá than thế giới năm 2022 đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và tăng gấp khoảng 2,6 lần so với năm 2021. (Việc giá than nhập khẩu tăng đã làm cho chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy điện sử dụng than pha trộn giữa than nhập khẩu và trong nước năm 2022 tăng khoảng 25% so với năm 2021, tức là từ khoảng 1635 đồng/kWh lên 2.043 đồng kWh). Đối với giá dầu (là cơ sở để tính toán giá khí cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu khí) thì năm 2022 tăng khoảng 2,2 lần so với năm 2020 và tăng khoảng 1,3 lần so với năm 2021. Việc tăng giá đó đã làm cho giá điện bình quân của các nhà máy tua bin khí tăng khoảng 11,31%, tức là từ khoảng 1.620 đồng kWh lên 1.843 đồng kWh.
Như vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành của chúng ta thì giữ ổn định từ năm 2019 cho đến nay. Điều này đã làm cho giá hiện hành không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi. Còn con số lỗ cụ thể là bao nhiêu, mấy chục nghìn tỷ đấy có đúng hay không thì phải được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận một cách khách quan, công bố công khai và minh bạch để tạo sự chia sẻ, đồng thuận của người tiêu dùng và trong xã hội.
Công nhân PC Bình Định bảo dưỡng lưới điện trên đảo Nhơn Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Thưa ông, với các diễn biến thực tế của thị trường như vậy cho thấy việc điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm nay là không thể trì hoãn. Trong bối cảnh các tác động ở cả bên trong và bên ngoài tới tăng trưởng và lạm phát là rất lớn, theo ông, việc điều chỉnh giá điện ở mức nào để vừa phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, vừa góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế đã tăng quá cao như vậy thì tôi cũng thống nhất cho rằng cần phải xem xét điều chỉnh giá bán điện lên mức độ phù hợp. Nếu không thì ngành điện sẽ không cân đối được dòng tiền, và dòng tiền âm thì không có tiền để thanh toán, chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện.
Thế thì điều chỉnh ở mức nào - thì đây là một câu hỏi khó mà cần phải được tính toán rất kỹ. Còn theo tôi, thì tôi cho rằng là nếu mà thực hiện ngay và thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Giá - là giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành điện - thì mức điều chỉnh giá điện tôi cho rằng phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành. Tuy nhiên, ở mức điều chỉnh này thì có thể sẽ có những tác động khá mạnh. Bởi vì nếu tính ra, với 15% điều chỉnh giá lên thì sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5% chưa kể tác động đến vòng hai. Và tác động lên các ngành, ví dụ như nó đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%; giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%; ngành dệt may tăng khoảng 1,95%... đấy là những ngành sử dụng nhiều điện.
Để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát thì tôi cho rằng là cũng có thể tính tới chia lộ trình điều chỉnh ra làm 2 đợt, và mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng từ 7-8%. Với mức điều chỉnh này thì sẽ đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 lên khoảng 0,2%.
Rồi chúng ta tính toán và chúng ta theo dõi, nếu những tháng cuối năm thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát trong tầm mà chúng ta đề ra thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2.
Và việc kiến nghị về việc điều chỉnh 1 đợt hay là 2 đợt, điều chỉnh ngay hay chia bước thì tôi cho rằng là cả hai cách tính toán này đều tuân thủ đúng theo quyết định 24/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, tức là quy định EVN được điều chỉnh giá 6 tháng/lần - nếu mà các thông số đầu vào giá điện tăng từ 3% trở lên so với giá bán hiện hành, thế còn Thủ tướng Chính phủ thì điều chỉnh giá khi mà giá bán điện bình quân tăng cao hơn (10% trở lên)…
Thế thì, với chi phí của ngành điện tăng cao như vậy có thể cân nhắc, tính toán để điều chỉnh. Cũng có thể điều chỉnh ngay, nhưng đồng thời cũng phải có ngay những biện pháp quyết liệt để hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành đường dây truyền tải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
PV: Trong bối cảnh giá năng lượng chịu tác động từ thế giới, và khả năng biến động tăng cao bất thường, khó đoán định. Việc đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi doanh nghiệp/mọi thành phần kinh tế là rất quan trọng, ông có khuyến nghị gì trong công tác quản lý, điều hành cũng như những vấn đề đặt ra từ các tác động này?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Tôi cho rằng trong hoàn cảnh mà tác động khách quan đã tác động vào giá điện trong nước chúng ta như vừa nêu thì chắc chắn là chúng ta phải điều chỉnh giá điện lên, chứ nếu mà chúng ta càng để tiếp tục kéo dài tình trạng này thì dòng tiền của ngành điện sẽ bị âm và tác động đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, rồi tác động đến việc thu đầu tư của các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối điện sẽ có những tác động không thuận trong khi chúng ta đang tiếp tục phải bảo đảm nhu cầu tăng trưởng, tiêu dùng điện mỗi năm tăng khá cao.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy thì buộc phải điều chỉnh giá điện - sẽ có tác động bất lợi không chừa một ngành nào, không chừa một lĩnh vực nào cả. Và muốn hay không thì tôi cho rằng chúng ta vẫn phải đối mặt, và quan trọng là chúng ta cùng phải đồng thuận và chia sẻ với những khó khăn đó, để có những giải pháp thích ứng tích cực, để hạn chế thấp nhất tác động gây ra.
Vì vậy, tôi cho rằng ở đây có ba thành tố tham gia thị trường, thì trước hết - về phía Nhà nước thì phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nói chung, cho sản xuất kinh doanh điện nói riêng, cho thu hút đầu tư phát triển ngành điện. Và có thể phải xem xét xử lý các chính sách tình huống mang tính đặc biệt, mang tính đặc thù và có thời hạn nhất định đối với sản xuất và đầu tư đối với ngành điện.
Công nhân PC Lào Cai tuyên truyền tiết kiệm điện cho đồng bào dân tộc H'Mông tại Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đồng thời, cũng phải có những giải pháp tổng thể để kiểm soát, để bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, của hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện; lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Còn về phía ngành điện thì vẫn phải tiếp tục thực hiện ngay và có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm chi phí thông qua các biện pháp nâng cao hiệu lực, năng lực quản trị; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tiết kiệm các chi phí thường xuyên… Hiện nay tôi được biết là ngành điện đã và đang thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, thì cái này phải tiếp tục và phải làm quyết liệt.
Phải tổ chức vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa nguồn thủy điện là nguồn chi phí thấp để hoà chung vào lưới điện, góp phần giảm giá thành điện.
Đối với người tiêu dùng điện thì tôi nghĩ không có cách nào khác chúng ta vẫn phải quyết liệt áp dụng các giải pháp tiết kiệm tiêu dùng điện. Việc chúng ta phải chấp nhận giá điện được điều chỉnh ở mức độ nào - dù có điều chỉnh thấp hay điều chỉnh cao thì chúng ta vẫn phải thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết kiệm trong tiêu dùng; thực hiện các chương trình tiết kiệm điện của Chính phủ; Các bộ, ngành cũng cần thiết phải có chương trình tiết kiệm tiêu dùng điện.
Đồng thời các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cần thiết phải có phương án, các giải pháp tổng thể tính toán để làm sao tiết giảm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, để những sản phẩm do mình sản xuất ra thích ứng được với thị trường và cạnh tranh được với thị trường trong điều kiện giá đầu vào, giá điện có tác động làm cho giá thành tăng lên.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông!