Tin mới nhất

Lai Châu: Khát vọng từ những tấm lòng nhân ái

Thứ ba, 14/7/2009 | 10:21 GMT+7

Lai Châu là 1 trong những tỉnh nghèo của cả nước, trong đó 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ được xếp vào diện 61 huyện nghèo cần được giúp đỡ. Theo kết quả khảo sát của EVN, cả 3 huyện có 30 xã, thị trấn với tổng dân số trên 160.784 người thuộc 30.731 hộ dân. Trong đó có 3005 hộ đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ để xóa nhà tạm. 9 xã chưa có điện với tổng số 18.135 hộ dân chưa được kéo điện. Hầu hết các đường giao thông đến các xã chỉ đi được vào mùa khô.

Do được thông báo trước là hướng đi Nghĩa Lộ - Lai Châu bị sạt lở tắc đường nên đoàn công tác tham dự Lễ ký thỏa thuận hỗ trợ 3 huyện khó khăn của tỉnh Lai Châu thuộc Chương trình 30a của Chính phủ bàn nhau đi theo đường Lào Cai - Sapa – Lai Châu. Từ Hà Nội lên Sapa khá thuận lợi, thỉnh thoảng có nơi bị sạt lở nhưng xe vẫn có thể len lỏi qua những đống đất đá. Ai cũng phấn khởi vì cứ đà này chỉ khoảng 7 giờ là đến Lai Châu.

Hành trình khó quên

Thế nhưng, thử thách chỉ thực sự bắt đầu khi chúng tôi qua khỏi Sapa. Những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu bị hư hại, sạt lở nghiêm trọng, nghe nói riêng lượng đất đá sụt trượt lên tới trên 20 ngàn mét khối. Thiệt hại của các địa phương lên tới hàng trăm tỷ đồng. Thống kê ban đầu, đã có hàng chục người bị thiệt mạng, 3 cây cầu bị phá huỷ, nhiều tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng.

Lai Châu được coi là tâm điểm có thể xảy ra lũ quét nên gần 500 cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ đã được huy động, triển khai di dời khẩn cấp các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ cao ra khỏi vùng sạt lở. Rất may hệ thống điện không bị thiệt hại nhiều. Đoạn đường từ Sapa đến Thác Bạc không chỉ trơn như đổ mỡ mà còn lồi lõm khủng khiếp khiến mọi người đu đưa như ngồi trên xích đu. Đến cách thị trấn Tam Đường khoảng 15 km chiếc xe bỗng phanh kít lại. Một vạt núi đổ ụp ngay trước mũi xe cách đó vài phút. Chiếc xe của VTV1 nhanh hơn đã sang được bên kia.

Biết tin, Điện lực Lai Châu vội cho xe đến “tăng bo” với lời cảnh báo: chưa chắc ngày mai đã thông đường. Quyết định cuối cùng: xe quay lại Sapa, người leo qua núi để tiếp tục hành trình. Quãng đường đi bộ không dài nhưng ai cũng căng thẳng vì đá có thể lở tiếp bất cứ lúc nào. Trời tối om, người sau nhìn bóng người trước dò đường. Lúng túng mãi tôi mới phát hiện mình đã bị “cắt đuôi” lúc nào không biết, tiếng người giục phía sau càng làm tôi bối rối. Muốn đi nhanh để tránh đá lở nhưng sợ lỡ đà trượt chân thì chắc chắn là xuống vực, nơi dòng nước lũ đỏ ngầu đang cuộn chảy. Chật vật mãi rồi cũng đã qua được đoạn đường nguy hiểm. Điểm danh lại không thiếu ai, tất cả thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng đoạn về Tam Đường mới thật khủng khiếp. Đây là đường bị xói lở nghiêm trọng, những ngày qua bị ngập chìm trong đất đá bùn lầy, giờ mới được san gạt tạm thời để "ngoi lên" với nhiều đoạn vẫn còn nguyên "thương tích" lở lói như những ổ voi, ổ trâu khiến chiếc xe cứ chồm lên lại lao xuống như làm xiếc. Chúng tôi cứ hết nghiêng sang phải lại dụi sang trái, có lúc bị bật tung lên khỏi ghế.

Đã quen với đoạn đường này nên anh lái xe cứ lao băng băng để “chạy đua với núi lở” vì anh lo “không chắc có còn đường đi như lúc nãy không”. Theo anh lái xe thì lở núi sạt đồi ở đây là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có lúc đang đi đá đổ rào rào xuống nóc xe, cứ phải nghiến răng chạy liều vì nếu dừng lại còn nguy hiểm hơn. Gần 11 giờ đêm chúng tôi về đến Lai Châu. Câu chuyện “vượt núi băng đèo” lại râm ran trong bữa cơm. Mọi người ăn vội để còn nghỉ ngơi lấy sức, nghe nói đoạn đường đi cơ sở ngày mai cũng gian nan không kém.

Giấc mơ về những ngôi nhà

Chị Thàm Thị Mến, người dân tộc Thái ở bản Sắp Ngụa, xã Phúc Than (Than Uyên) mới 38 tuổi mà già nua khắc khổ như đã ngoài 50. Chồng nghiện ngập bỏ đi mất tích đã 5 năm, chị và con trai 6 tuổi đùm bọc nuôi nhau trong căn nhà không thể rách nát hơn. Chiếc chõng tre và 3 bao thóc là tài sản duy nhất nhưng cũng đủ làm căn nhà trở nên chật chội. Vách nhà thưng bằng tấm liếp, riêng vách tường phía trước có trét đất cũng đã bong gần hết, chỉ còn lại những thanh tre phơi ra như những chiếc xương sườn.

Khi biết Tập đoàn Điện lực sẽ hỗ trợ xây dựng cho chị căn nhà mới chị cảm động lắm. Không riêng nhà chị Mến mà 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ Đây có tới 3.005 căn nhà tạm đang cần xây dựng lại. EVN dự kiến giai đoạn 2009 -2012 sẽ hỗ trợ xây dựng 1.400 nhà với mức 5 triệu đồng/nhà. Đồng thời hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà để xây dựng 16 căn nhà thuộc diện chính sách.

Cuộc sống người dân đã khó khăn, việc học hành của con em họ còn khó khăn hơn. Mặc dù được chỉ dẫn liên tục qua điện thoại nhưng chúng tôi loanh quanh mãi mới đến được trường THCS Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ) nằm trên đỉnh núi cao khoảng 1.000 m so với mặt biển. Thày giáo Đặng Thế Anh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ma Ly Pho là xã vùng cao sát biên giới Việt Trung có 9 bản nằm rải rác, bản xa nhất cách trường 20 km. 90% học sinh là người Dao, còn lại là người Thái, Kinh, Hoa. Có em phải đi bộ 6 giờ mới đến được trường. Đa số các em đều muốn ở bán trú nhưng trường mới có 2 phòng, mỗi phòng kê được 5 chiếc giường tầng, 4 em ở chung 1 giường. Hiện vẫn còn rất nhiều em phải đi về hoặc ở nhờ bà con quanh trường.

Còn trường THCS Phúc Than (huyện Than Uyên) chưa có nhà bán trú. Thầy hiệu trưởng Trần Xuân Phương không giấu nổi lo lắng vì nhiều học sinh nhà ở tít trên đồi cao, đứng ở nhà nhìn thấy trường nhưng đi mấy tiếng đồng hồ, lại phải qua mấy con suối mới tới lớp. Cứ mỗi trận mưa lũ là các thày cô và phụ huynh lại lo thắt ruột. Trận lũ cách đây mấy ngày đã cuốn trôi chiếc cầu Sang Ngà khiến nhiều em phải nghỉ học, may lúc đó không phải giờ đi học của các em. Đó cũng là lý do khiến nhiều học sinh ở đây bỏ học giữa chừng.

Theo cô Nguyễn Thị Huyền, trưởng phòng giáo dục huyện Tân Uyên, những trường có nhà bán trú cho học sinh thường do tự tay phụ huynh và học sinh dựng lên để lấy chỗ tránh mưa nắng chứ chưa thể tránh được cái rét căm căm và những cơn gió khắc nghiệt của nơi nổi tiếng là “ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” này. Mỗi tháng đôi lần các em lại lội suối trèo đèo về nhà xin ‘tiếp tế”. Nhìn các em nhỏ bé trong những ngôi nhà xiêu vẹo, trống trải, gió lùa hun hút mà chúng tôi thắt lòng khi biết mùa đông rét mướt các em không đủ quần áo chăn màn. Nhiều hôm thấy học trò đứng co ro run rẩy vì rét, các thầy cô giáo phải đốt lửa và huy động áo ấm phân phát cho các em. Cứ mỗi trận lốc lướt qua là nhà lại bay hết mái. Thức ăn chỉ có muối trắng, cá khô. Củi và rau tự kiếm trên rừng. Các thày cô giáo cũng phải ở trong những dãy nhà lợp lá bốn vách thưng bạt để tránh rét mùa đông và gió lùa. Đêm về thầy trò lại lụi cụi chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau.

Giao thông đi lại ở đây cũng rất khó khăn. Trường THCS Phúc Khoa (Tân Uyên) chỉ cách đường quốc lộ khoảng 6-7 km nhưng chúng tôi mới đi chừng 2 km thì xe bị “treo bụng” mắc vào giữa đường sống trâu, 2 bên là rãnh bùn, tiến không được, lùi không xong. Ngồi trên xe máy các thày giáo ra “tăng bo” mà không dám thở mạnh vì chiếc xe cứ nhảy chồm chồm trên đường, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng… ngã. Biết chuyện cô Huyền cười: ở đây thày cô giáo nào cũng có bề dày “thành tích” ngã xe. Ai chưa có sẹo vì ngã xe coi như chưa có “chứng chỉ” giáo viên Lai Châu. Nguyện vọng của cô Huyền và các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh ở đây là muốn có những ngôi trường bán trú dân nuôi để các em có điều kiện học hành, nhà trường tiện quản lý chăm sóc, cha mẹ các em sẽ yên tâm cho con đi học. Chỉ như thế mới hạn chế được tình trạng bỏ học, nâng cao trình độ dân trí cho bà con vùng sâu vùng xa.

Cần lắm những tấm lòng nhân ái

Lai Châu là 1 trong những tỉnh nghèo của cả nước. Trong đó 3 huyện Tân Uyên, than Uyên, Phong Thổ được xếp vào diện 61 huyện nghèo cần được giúp đỡ. Theo kết quả khảo sát của EVN, cả 3 huyện có 30 xã, thị trấn với tổng dân số trên 160.784 người thuộc 30.731 hộ dân. Trong đó có 3005 hộ đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ để xóa nhà tạm. 9 xã chưa có điện với tổng số 18.135 hộ dân chưa được kéo điện. Hầu hết các đường giao thông đến các xã chỉ đi được vào mùa khô. Mục tiêu của EVN là trong giai đoạn 2009 – 2012 sẽ trích kinh phí, quyên góp từ các nguồn để hỗ trợ 280 tỷ đồng giúp 3 huyện phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân từng bước thoát khỏi đói nghèo với các chương trình: xóa nhà tạm cho hộ nghèo và hộ chính sách; xây dựng 21 nhà bán trú dân nuôi (kinh phí 250 triệu đồng/nhà); hỗ trợ 15 tỷ đồng xây dựng trường dân tộc nội trú cho huyện Tân Uyên; Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo và 50% kinh phí sinh hoạt cho khoảng 30 học sinh theo học các ngành nghề phù hợp; Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 1.500 học sinh THCS của 3 huyện trong 3 năm với mức bảo hiểm 100.000 đồng/học sinh/năm. Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, đầu tư các công trình điện đảm bảo đạt mục tiêu 100% xã có điện và đưa tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện tại 3 huyện từ 41% hiện nay lên gần 90% vào năm 2012.

Ngoài ra, EVN còn quyên góp ủng hộ chăn màn, trang thiết bị học tập, vật dụng hàng ngày cho các em học sinh; hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc EVN, khi kết thúc chương trình này, EVN sẽ cùng địa phương đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó, EVN sẽ tiếp tục xây dựng các nội dung hỗ trợ cho các năm tiếp theo và đến năm 2020.

Theo: Công Thương