Tin mới nhất

Thực hiện giá điện giờ cao điểm sáng: Bước đầu phát huy tác dụng

Thứ ba, 7/7/2009 | 10:07 GMT+7

Mục đích của việc thực hiện biểu giá điện theo các giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm là nhằm hạn chế sử dụng điện vào, khuyến khích sử dụng điện vào giờ thấp điểm, từ đó góp phần giảm công suất nguồn điện vào giờ cao điểm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế chung toàn hệ thống, đồng thời, góp phần giảm áp lực về vốn đầu tư vào các nguồn điện mới, theo đó giảm áp lực tăng giá điện. Sau 3 tháng thực hiện giá điện giờ cao điểm sáng, kết quả bước đầu cho thấy đã phát huy tác dụng.

Tránh sản xuất vào giờ cao điểm góp phần giảm chi phí điện năng cho doanh nghiệp

Đã từng áp dụng có hiệu quả  

Hầu hết các nước có biểu đồ phụ tải hệ thống điện không bằng phẳng đều áp dụng giá điện theo giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm nhằm hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng giờ thấp điểm để giảm chênh lệch công suất cao thấp điểm của hệ thống.

Trước năm 2007, trong hệ thống điện Việt Nam, thành phần ánh sáng sinh hoạt và dịch vụ có tỷ trọng sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất nên cao điểm hệ thống rơi vào từ 17 giờ đến 22 giờ. Nhưng từ năm 2007 trở lại đâu, do nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất luôn tăng với tốc độ cao, nên điện cho sản xuất đã chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 50% tổng sản lượng điện thương phẩm), do đó cao điểm hệ thống điện đã dịch chuyển một phần sang buổi sáng (từ 9 giờ đến 12 giờ), thậm chí công suất hệ thống vào cao điểm sáng còn cao hơn công suất vào các giờ cao điểm tối. Biểu giá điện bán lẻ cũ chỉ áp dụng cho cao điểm tối chưa kịp thay đổi so với thực tế hệ thống. Như vậy, một cách gián tiếp, các doanh nghiệp đã được hưởng bù lỗ của Chính phủ thông qua giá điện.

Đầu năm 2009, khi công suất giờ thấp điểm hệ thống vào khoảng 7.500MW thì công suất giờ cao điểm vào khoảng 13.000MW thậm chí cao hơn vào các tháng mùa hè. Vào các giờ cao điểm, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống phải huy động các nhà máy điện tua bin khí chạy dầu hoặc nhiệt điện đốt dầu có giá phát điện rất cao (có khi lên tới 3.000-4.000đ/kWh), do đó, giá phát điện cao nhất vào các giờ cao điểm.

Thực tế, giá điện giờ cao điểm đã được áp dụng từ 12 năm nay và do đặc điểm của hệ thống lúc bấy giờ nên chỉ áp dụng với cao điểm tối. Nhưng kết quả cho thấy đã phát huy tác dụng, chênh lệch công suất giữa cao- thấp điểm hệ thống điện đã giảm đáng kể, từ mức 2,5 lần năm 1996 xuống còn 1,6 lần vào năm 2008, góp phần quan trọng trong việc điều hòa biểu đồ phụ tải hệ thống điện.

Mức độ ảnh hưởng không lớn

Để đánh giá tác động của quy định mới về giá điện giờ cao điểm sáng đến các doanh nghiệp sản xuất, Bộ Công thương đã tiến hành thu thập số liệu về sản lượng điện tiêu thụ và chi phí tiền điện phải trả theo giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm của hơn 40.000 khách hàng sản xuất vừa và lớn  ở các cấp điện áp cao, trung và hạ thế thuộc 11 Công ty Điện lực từ 1-3 đến hết tháng 5-2009. Do sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện phải trả của khách hàng trong tháng 3 chưa được tính hoàn toàn theo giá điện mới. Vì vậy, để đảm bảo độ chính xác, Bộ Công thương chỉ sử dụng số liệu của tháng 4 và 5 trong phân tích đánh giá.

Theo đó, số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm ở mức dưới 10% chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát  (tháng 4 là 63% và tháng 5 là 72%). Các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm trên 20% chiếm  15,17% (tháng 4) và 13,28% (tháng 5). Do các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất 1 ca vào giờ cao điểm sáng.

Số doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điêm nhỏ hơn 10% trong tháng 5 chiếm 72% tăng hơn so với tháng 4 chiếm 63%). Số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm từ 10%-20% và 20%-30% trong tháng 5 chiếm 14,73% và 8,98%, giảm đi so với tháng 4 (chiếm 21,48% và 11,22%).

Theo Bộ Công thương, căn cứ vào các số liệu trên cho thấy việc áp dụng quy định giờ cao điểm sáng đã bước đầu có tác dụng, số doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm nhỏ hơn 10% tăng lên trong khi số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện từ 10% trở lên lại giảm xuống. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai tổ chức lại lao động, sắp xếp quy trình vận hành thiết bị và dây chuyền sản xuất nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng điện vào giờ cao điểm sáng để giảm thiểu chi phí tiền điện cho doanh nghiệp mình.

Để đánh giá ảnh hưởng do áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng tới các doanh nghiệp, Bộ Công thương cũng thu thập số liệu tổng chi phí sản xuất năm 2008 và sản lượng, tiền điện của một số doanh nghiệp điểm hình, thuộc các ngành khác nhau. Việc đánh gía tác động của tăng giá điện tới các doanh nghiệp được tiến hành qua việc xem xét các chỉ tiêu: mức tăng chi phí tiền điện và mức tăng tỷ trọng chi phí tiền điện trong tổng chi phí.

Kết quả, đối với các doanh nghiệp thuộc ngành xi măng (số liệu của 8 doanh nghiệp sản xuất 3 ca), tỷ lệ tăng chi phí tiền điện chung cao nhất ở mức 15,7%. Trong đó, Công ty Xi măng Bỏm Sơn có tỷ lệ tiền điện tăng thêm do điều chỉnh giờ cao điểm là âm (-0,26%). Điều này cho thấy Công ty đã tiết kiệm được chi phí tiền điện từ quy định áp dụng giờ cao điểm sáng của Chính phủ. Các doanh nghiệp ngành xi măng có mức chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất ở mức từ 3,31% đến 15,89%. Do vậy, tỷ lệ tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất ở mức tương đối thấp khoảng từ (-) 0,04% đến 1,72%.

Đối với các doanh nghiệp ngành thép, (khảo sát 2 DN sản xuất 3 ca và 1 DN sản xuất 2 ca) thì chỉ có Công ty gang Thép Thái Nguyên chi phí tiền điện tăng thêm 0,13%. Công ty Thép miền Nam và Công ty Thép tấm Phú Mỹ có tỷ lệ tăng chi phí tiền điện là (-) 2,37% và (-) 0,82%. Chi phí tiền điện trên tổng chi phí của các doanh nghiệp ngành thép ở mức thấp, từ 1,04% đến 4,05%. Như vậy, mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành thép là nhỏ, chỉ khoảng 0,004%.

Đối với ngành thuốc lá, các doanh nghiệp sản xuất 3 ca có tỷ lệ chi phí tiền điện tăng thêm khoảng từ 0,49%-2,94%; các DN sản xuất 2 ca và 1 ca có tỷ lệ chi phí tiền điện tăng thêm từ 0,43%-18,93% và ảnh hưởng của quy định giá điện cao điểm sáng tới tổng chi phí sản xuất là không đáng kể do tỷ trọng tiền điện trên tổng chi phí sản xuất đối với DN 3 ca chỉ khoảng 0,002%-0,017% và đối với DN 2 ca và 1 ca là 0,002% -0,198%.

Đối với Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội, tỷ lệ tiền điện tăng thêm vào giờ cao điểm là 6,16% và tỷ trọng tiền điện trên tổng chi phí chiếm tỷ lệ khoảng 1,75% nên mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất chỉ ở mức 0,11%.

Đối với các doanh nghiệp ngành cấp thoát nước, cá tất cả 50 doanh nghiệp được khảo sát. Tỷ lệ tiền điện tăng thêm tính bình quân chỉ khảong 1,67%. Bình quân tỷ trọng tiền điện trên tổng chi phí sản xuất của ngành khoảng 13,86%, nên mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất tính bình quân cho ngành cấp thoát nước chỉ ở mức 0,231%.

Bộ Công thương cũng tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An và TP Hà Nội, cho thấy tỷ lệ chi phí tiền điện tăng thêm của các đơn vị được kiểm tra khoảng từ 4,16%-17%. Mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất là rất nhỏ khoảng từ 0,08%-0,57% (tháng 4) và 0,04%-0,69% (tháng 5). Trong đó, có Công ty Cổ phần Gò Đàng và Công ty TNHH thuỷ sản Simmy có tỷ lệ tiền điện tăng thêm là (-)0,39% và (-) 1,56%./

Thanh Mai