Chất lượng có đi đôi với số lượng?
Một trong những đơn vị đào tạo nhân lực có thâm niên cho ngành Điện là khoa Điện trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Khoa gồm 5 bộ môn chuyên ngành: Hệ thống điện, thiết bị điện-điện tử, kỹ thuật đo và tin học công nghiệp, tự động hóa xí nghiệp công nghiệp, điều khiển tự động. Theo thầy Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Trưởng khoa Điện – thì tất cả học viên của các bộ môn ra trường đều phục vụ tốt cho ngành Điện, riêng bộ môn Hệ thống điện chiếm 80%. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của khoa là 700 sinh viên, nhưng tiến tới có khả năng thu hẹp hơn để tăng cường chất lượng đào tạo.
Nói về đào tạo nhân lực cho ngành Điện, không thể không nói đến trường đại học Điện lực. Theo thông tin tuyển sinh đăng tải trên website của trường, năm 2009, trường dự kiến tuyển sinh 1000 chỉ tiêu hệ đại học (khối A); 750 chỉ tiêu hệ cao đẳng; 1000 chỉ tiêu hệ trung cấp.
Ngoài hai “lò” đào tạo lớn ở trên còn phải kể đến một số trường khác cũng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành Điện như Đại học Quốc gia, Đại học Công nghiệp v.v…số lượng đầu ra cũng lên tới hàng ngàn. Như vậy, nói một cách hình ảnh thì nguồn cung nhân lực cho ngành Điện dồi dào như nước sông Đà mùa lũ. Cung nhiều như vậy cũng bởi cầu rất lớn, song tiếc là đường cung và cầu lại chưa gặp được nhau.
Được biết những năm gần đây, các công ty lớn thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạn chế nhận người, thậm chí tiến tới tinh giản bộ máy nhân sự. Tuy nhiên, theo những người có thâm niên trong ngành thì cánh cửa của Tập đoàn luôn mở rộng đối với những chuyên gia, kỹ sư giỏi. Cũng như EVN, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác cũng luôn “khát” nhân lực có trình độ, tay nghề cao. Tại một cuộc hội thảo về vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2008, đại diện một tập đoàn của Đức than phiền về chất lượng đào tạo và đưa ra một ví dụ về việc tuyển dụng của Tập đoàn đó tại Việt Nam: Trong số hồ sơ đăng ký tuyển dụng chất cao như núi, mặc dù số lượng kỹ sư điện dự kiến tuyển lên đến hàng trăm người, nhưng số người phỏng vấn đạt yêu cầu chỉ… đếm trên đầu ngón tay.
Như vậy, giống như nhiều ngành khác, bài toán nhân lực ngành Điện vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng, nói thừa cũng đúng mà nói thiếu cũng chẳng sai. Trong xu hướng các doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng của ứng viên tuyển dụng, thì để ra trường có một công việc ổn định, đúng ngành, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ cả các cơ sở đào tạo và nhất là bản thân người học.
Để các mong muốn thành hiện thực
Nguyễn An, sinh viên năm thứ tư bộ môn Hệ thống Điện, Khoa Điện trường Đại học Bách Khoa cho biết: Trong suốt mấy năm học, sinh viên chỉ được 2 lần thực tập quấn vài cái động cơ, biến áp ở xưởng. “Bọn em chủ yếu học chay, toàn dùng công nghệ tin học để mô phỏng cái người ta làm thực. Nhưng có lẽ điều đó giúp sinh viên Bách Khoa có khả năng tư duy cao hơn so với các trường khác chăng” - Nguyễn An hóm hỉnh nói.
Khi được hỏi về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Hoàng Việt cho biết: Thực tế không hẳn như vậy. Khoa Điện, Đại học Bách Khoa có diện tích trên 2000 m2 với các phòng nghiên cứu khoa học của các bộ môn và 24 phòng thí nghiệm. Các phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại và phục vụ thí nghiệm cho 51 môn học khác nhau của các chuyên ngành trong Khoa. Đơn cử như phòng thí nghiệm mô phỏng hệ thống bảo vệ hệ thống điện trị giá 8 tỉ đồng. Còn về vấn đề em Nguyễn An nêu ở trên, sở dĩ sinh viên thực hành quấn biến áp ít là bởi giá của dây đồng khá đắt. Để quấn được biến thế phải dùng dây đồng mới, không thể tận dụng dây cũ được, nên số lần thực hành cũng bị hạn chế.
Còn trường ĐH Điện lực, được sự đầu tư của EVN, cơ sở vật chất khá hiện đại. Ông Bùi Đức Hiển, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Điện lực cho biết: Ngoài các xưởng thực hành về điện, trường còn có bãi thực tập ngoài trời, nơi đặt mô hình Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình, mô hình đường dây 500 kV, 220 kV, sinh viên có thể làm bài thực hành rất thuận lợi. Ngoài ra, trường còn được EVN đầu tư trang bị hệ thống mô phỏng từ phát điện, truyền dẫn điện đến tiêu thụ điện, trị giá 3 triệu USD.
Cơ sở vật chất, điều kiện học tập của sinh viên ngày nay đã thuận lợi nhiều hơn trước nhưng sự thiếu chăm chỉ của nhiều sinh viên thì vẫn… như xưa, thậm chí còn hơn xưa. Sinh viên Nguyễn An - Trường Đại học Bách Khoa tự đánh giá: “Sinh viên bọn em lười lắm. Phương pháp dạy của các thầy chủ yếu là thầy đọc trò chép, thỉnh thoảng có trình bày slide. Song, đến chép không thôi, không phải ai cũng làm. Cuối kỳ cả bọn mượn vở những bạn chăm chép để photo làm tài liệu.”
Một yếu điểm nữa của sinh viên chuyên ngành Điện nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung là trình độ tiếng Anh kém. Mặc dù các em nhận thức được tiếng Anh cực kỳ quan trọng, là điều kiện cần để có thể xin học bổng du học, xin vào các công ty nước ngoài, thậm chí ngay cả các tập đoàn, công ty lớn trong nước cũng đòi hỏi nhân viên có trình độ ngoại ngữ tốt để có thể cập nhật kiến thức liên quan đến lĩnh vực của ngành, nhưng đa số các em vẫn không vượt qua được sức ì của bản thân. “Môn tiếng Anh chuyên ngành của bọn em khá nặng, những 16 trình. Trong lớp chỉ khoảng 20-30% sinh viên có khả năng đọc sách tiếng Anh chuyên ngành. Biết là quan trọng nhưng mà lười, không có ai giục, với lại thấy xung quanh nhiều bạn cũng dốt giống mình… nên kệ” - Nguyễn An nói.
Đề cập đến vấn đề chất lượng đào tạo cũng như việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo, thầy Nguyễn Xuân Hoàng Việt tâm sự: “Đúng là hiện nay, không cứ gì ngành Điện, có nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng đào tạo của các trường đại học. Sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo lại v.v... Đó là thông tin không vui lắm cho những người làm công tác đào tạo. Về phía chúng tôi, khoa Điện mong muốn được liên kết chặt chẽ hơn nữa với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty, doanh nghiệp khác trong vấn đề hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ. Có như vậy mới giúp nhà trường cải thiện chất lượng đào tạo, sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tế nhiều hơn, khắc phục tình trạng học chay. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận, cập nhật công nghệ tiên tiến”.
Cơ sở giáo dục nào cũng mong muốn bắt tay với các doanh nghiệp để tạo môi trường, cơ hội cho sinh viên của họ. Doanh nghiệp nào cũng mong muốn tuyển dụng được những nhân viên có chất lượng thực sự. Tuy nhiên, để những mong muốn trên có thể gặp nhau ở một điểm và thành hiện thực, cần thiện chí và nỗ lực của cả hai bên”.