Biểu đồ điện luôn luôn căng thẳng
Theo đà phục hồi của nền kinh tế và ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng nên tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tăng dần từ quí I/2009 (tăng 3,79%), đến quý II/2009 tăng 11,3%. Trong đó điện cấp cho sản xuất tăng 4,55% (quý I/2009 giảm 1,56%, quý II/2009 tăng 9,46%) so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 49,28% (cùng kỳ năm 2008 là 50,87%); điện cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 11,52% (quý I/2009 tăng 8,55%, quý II/2009 tăng 14,11 %) so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 41,15% (cùng kỳ năm 2008 là 39,82%).
Thực tế thời gian qua, đặc biệt là trong tháng 6, thời tiết diễn biến bất thường, tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ đã xảy ra 3 đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 45 - 46°C, EVN đã huy động mọi nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện sản lượng điện. Trung bình ngày toàn hệ thống là 254,7 triệu kWh, tăng 14,23% so cùng kỳ 2008 (tháng 6/2008 là 223 triệu kWh/ngày). Sản lượng ngày cao nhất đạt 274,78 triệu kWh (ngày 25/6) tăng 18,3% so với ngày cao nhất tháng 6/2008 (232,346 triệu kWh). Công suất cao nhất đạt 13.626 MW (ngày 9/6), tăng 19,7% so với tháng 6/2008 (11.384 MW).
Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng tại TP. Hà Nội đã xảy ra tình trạng quá tải cục bộ lưới điện trung, hạ áp do nhu cầu điện tăng cao đột biến (tăng 32% về sản lượng điện và tăng 30% về công suất so với cùng kỳ 2008), dẫn đến mất điện một số khu vực, gây bức xúc cho khách hàng. Để khắc phục những bức xúc này, EVN đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, như: Thay thế hàng trăm aptomat, nâng công suất hàng trăm máy biến áp hạ thế để nâng cao năng lực lưới điện, linh hoạt chuyển đổi phương thức cấp điện, cân đảo pha, tăng cường hàng ngàn kíp trực để hạn chế quá tải và khôi phục cấp điện trong thời gian ngắn nhất khi các đợt nắng nóng xảy ra.
Từ những nỗ lực trên, 6 tháng đầu năm sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 34,5 tỷ kWh, tăng 7,91% so với cùng kỳ năm trước, góp phần không nhỏ trong việc phục hồi và phát triển kinh tê xã hội.
Hiệu quả bước đầu khi thực hiện giá điện giờ cao điểm sáng
Mục đích của việc thực hiện biểu giá điện theo các giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm là nhằm hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng điện vào giờ thấp điểm, từ đó góp phần giảm công suất nguồn điện vào giờ cao điểm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế chung toàn hệ thống, đồng thời, góp phần giảm áp lực về vốn đầu tư vào các nguồn điện mới, theo đó giảm áp lực tăng giá điện, đặc biệt đối với những biểu đồ phụ tải hệ thống điện không bằng phẳng như Việt Nam. Trước những phản ứng của doanh nghiệp về việc áp dụng biểu giá giờ cao điểm sáng, Bộ Công thương đã tiến hành thu thập số liệu về sản lượng điện tiêu thụ và chi phí tiền điện phải trả theo giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm của hơn 40.000 khách hàng sản xuất vừa và lớn ở các cấp điện áp cao, trung và hạ thế thuộc 11 Công ty Điện lực từ 1-3 đến hết tháng 5-2009 (trong đó chỉ sử dụng số liệu của tháng 4 và 5 trong phân tích đánh giá). số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm ở mức dưới 10% chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát (tháng 4 là 63% và tháng 5 là 72%). Các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm trên 20% chiếm 15,17% (tháng 4) và 13,28% (tháng 5). Do các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất 1 ca vào giờ cao điểm sáng. Kết quả cho thấy số doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm nhỏ hơn 10% trong tháng 5 chiếm 72%, tăng hơn so với tháng 4 ( chiếm 63%). Số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm từ 10%-20% và 20%-30% trong tháng 5 chiếm 14,73% và 8,98%, giảm đi so với tháng 4 (chiếm 21,48% và 11,22%).
Theo Bộ Công thương, căn cứ vào các số liệu trên cho thấy, việc áp dụng quy định giờ cao điểm sáng đã bước đầu có tác dụng, số doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm nhỏ hơn 10% tăng lên trong khi số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện từ 10% trở lên lại giảm xuống. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai tổ chức lại lao động, sắp xếp quy trình vận hành thiết bị và dây chuyền sản xuất nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng điện vào giờ cao điểm sáng để giảm thiểu chi phí tiền điện cho doanh nghiệp mình. Kết quả kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An và TP Hà Nội cho thấy, tỷ lệ chi phí tiền điện tăng thêm của các đơn vị khoảng từ 4,16%-17%. Mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất khoảng từ 0,08%-0,57% (tháng 4) và 0,04%-0,69% (tháng 5).