Sự kiện

Lời giải nào cho bài toán thiếu điện ở Việt Nam? Bài 1: Căng thẳng nguồn cung điện cho năm 2020

Thứ sáu, 27/12/2019 | 10:49 GMT+7
Chúng ta đang bước vào những ngày cuối cùng của năm 2019, chứng kiến rất nhiều kết quả đạt được khá ấn tượng, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt trên 6,8% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và trên thế giới. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Có được điều đó, phải kể đến nỗ lực trong việc không ngừng đầu tư, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng quan trọng, thiết yếu, trong đó có điện. Về cơ bản, điện đã được đảm bảo cho phát triển kinh tế và đời sống, với mức tăng trưởng điện đạt 8,93% so với năm 2018. 
 
Năm 2019 có lẽ cũng là năm cho kết quả ghi nhận sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực điện năng. Bằng chứng là trong suốt quá trình phát triển 65 năm, ngành điện mới có 147 nhà máy - tính công suất nguồn từ 30 MW trở lên được hòa lưới, đi vào vận hành. Nhưng chỉ trong 3 tháng (4,5,6) của năm 2019, đã có gần 90 nhà máy điện mới được đóng điện an toàn, hòa vào hệ thống điện quốc gia (cho dù công suất và tính năng của mỗi nguồn điện có khác nhau). Đây thực sự là một kỷ lục trong lịch sử của ngành Điện Việt Nam.
 
Từ những cảnh báo về “nguy cơ” thiếu điện do “vỡ” Quy hoạch đến đề xuất tăng “nhập khẩu” điện; Từ sự “tắc nghẽn cục bộ” của đường dây tải điện ở một vài địa phương đến đề xuất “xã hội hóa” hệ thống truyền tải điện… Đề xuất ấy, mong muốn thôi thúc ấy - có lẽ là bởi những cảnh báo về việc “thiếu điện” không còn là nguy cơ nữa, mà có thể bắt đầu ngay trong năm tới đây - năm mà chúng ta tăng tốc phát triển để hoàn thành, về đích các mục tiêu của giai đoạn 5 năm (2016-2020) và 10 năm (2011-2020). Và thiếu điện sẽ ngày càng trầm trọng hơn từ năm 2021 - khi bước vào giai đoạn phát triển mới (2021-2030).
 
Tại bản Báo cáo gần đây nhất về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho thấy, rất nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ. Với hơn 17.000MW công suất nguồn điện bị thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022, dẫn đến hệ thống điện quốc gia đang phải vận hành trong tình trạng hầu như không còn nguồn dự phòng. Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng đồng thời là Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, nguy cơ thiếu điện sẽ bắt đầu ngay trong những năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2030. (Chủ trì buổi họp báo về “Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, năm 2020 về cơ bản điện vẫn được đáp ứng. Tuy nhiên, khả năng thiếu điện sẽ xảy ra từ năm 2021 - với dự kiến mỗi năm thiếu hụt khoảng 7-8 tỷ kWh - nếu các nhà máy điện đang chậm tiến độ vẫn tiếp tục chậm và không thể hoàn thành, công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không được triển khai thực chất).
 
"Nguy cơ thiếu điện là từ năm 2021-2023 và năm thiếu điện cao điểm nhất là năm 2022. Đấy là chưa kể tốc độ tăng trưởng phụ tải có thể tăng cao hơn so với dự báo của chúng ta. Dự báo của chúng ta mới đưa ra tăng trưởng đến năm 2025 chỉ khoảng 9% thôi và sau năm 2025 là khoảng 8%. Nhưng nếu nền kinh tế của chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu điện của chúng ta tăng cao hơn, rồi các nhà máy điện nhất là các nhà máy điện ở hai trung tâm khí lớn là Ô Môn và khu vực miền Trung, ở Dung Quất và Chu Lai vào chậm thì khả năng thiếu điện còn trầm trọng hơn"- ông Hoàng Quốc Vượng cho biết.
 
Đáng lưu ý, hệ thống điện đang huy động khoảng 40% sản lượng từ thủy điện (khoảng 390 nhà máy thủy điện lớn, nhỏ, với tổng công suất đặt các nguồn thủy điện hiện có đạt gần 20.000MW) - nguồn điện được cho là “sạch” và có giá thành thấp nhất trong hệ thống điện hiện nay, chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/6 đơn giá một kWh điện được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu khác. (Cụ thể, nhiệt điện chạy bằng dầu có giá thành từ 3.000 đồng /kWh nếu chạy bằng dầu DO, khoảng 6.000 đồng/kWh khi chạy dầu FO nên thường chỉ sử dụng khi hệ thống cần huy động gấp, trong các trường hợp bất khả kháng; Nhiệt điện khí hiện có mức giá cao top đầu trong các nguồn điện - với giá trung bình của nhiệt điện khí sử dụng khí lô B lên tới 2.800 đồng/kWh; Nhiệt điện than khoảng 1.500 đồng/kWh; Điện gió là 1.900 - 2.200 đồng/kWh; Điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh; Thủy điện có giá khoảng 1.000 đồng/kWh (mức giá này chưa bao gồm phí truyền tải, vận hành). Thế nhưng, khô hạn diễn ra gần như cả năm 2019 và dự báo còn tiếp tục khô hạn cả mùa khô năm tới trên cả nước, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc và miền Trung - nơi có các nhà máy thủy điện lớn cỡ “nghìn MW” như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu - trong bối cảnh các hồ chứa thủy điện “đa mục tiêu này” này còn nhiệm vụ xả nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân ngay từ đầu năm tới. 
 

Ảnh: Icon.com.vn
 
Hồ thủy điện Hòa Bình - bậc thang cuối cùng của hệ thống sông Đà, nằm bên dưới các hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La - hiện đang thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 15m (tương ứng thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh điện), trong khi đó, hàng ngày hồ chứa thủy điện này vẫn đang phải đảm bảo dòng chảy về hạ du với lưu lượng tối thiểu 400 m3/giây để cấp nước sinh hoạt cho Thành phố Hà Nội. Hồ Hòa Bình cũng đang đồng thời phải tích nước để chuẩn bị 3 đợt xả lớn, phục vụ đổ ải, gieo cấy vụ Đông Xuân đầu năm tới. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, cho biết, "chúng tôi huy động tùy theo phụ tải trong ngày để đảm bảo làm sao mức nước ở hạ lưu được duy trì khoảng trên 10m. Tùy theo thời điểm chúng tôi huy động từ 3 đến 4 tổ máy. Nếu mà chạy máy chạy đầy tải (đủ 8 máy) thì khả năng huy động một ngày là 46 triệu kWh/ngày nhưng hiện nay việc huy động để đảm bảo giữ nước được nên chúng tôi huy động khoảng 11 triệu kWh/ngày. Có nhiều thời điểm chúng tôi cũng vẫn đang phải huy động cao hơn để đáp ứng được mức nước hạ lưu cho các nhà máy nước ở dưới lấy nước".
 
Hơn 20% công suất chạy máy từ Thủy điện Hòa Bình ở thời điểm hiện tại phần nào nói lên công suất khả dụng, tới ngưỡng của nguồn thủy điện nói riêng, các nguồn điện trên hệ thống điện Việt Nam nói chung - khi khả năng vận hành không chỉ phụ thuộc vào thiết kế, năng lực, tuổi thọ của nhà máy, mà còn là vấn đề của nguồn nguyên / nhiên liệu đầu vào để làm ra điện.
 
Như vậy là, nếu xả hơn 4 tỷ m3 nước từ các hồ chứa thủy điện miền Bắc vào tháng 1 và tháng 2/2020 cho sản xuất nông nghiệp mà thời tiết vẫn tiếp tục khô hạn, không có lũ về đúng như dự báo “khô hạn kéo dài cả mùa khô năm sau” - khi đó - lượng điện có thể huy động được từ khoảng 6.000MW công suất nguồn thủy điện ở miền Bắc sẽ rất hạn chế. Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, vì diễn tiến nước thì không có sự cải thiện và với những thông tin nước vào như hiện nay thì nó sẽ về mức nước chết sớm của các hồ lớn là Sơn La và Hòa Bình. Đã về mức nước chết thì các tổ máy sẽ chạy theo có nước về, tức là có từng nào thì chạy cân bằng từng đó, nghĩa là ở mức độ rất hạn chế".,
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định: cơ quan quản lý Nhà nước đã lên các kịch bản đảm bảo điện, kể cả phương án “xấu” - nghĩa là phụ tải ở mức cao, sẽ phải huy động tối đa các nguồn phát điện hiện có. Thế nhưng, nguồn nhiên liệu để đáp ứng cho việc huy động cao các nguồn điện than, điện khí cũng không hề dễ dàng. Bởi, năng lực sản xuất than của cả Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc dự kiến chỉ đạt 2/3 nhu cầu than cho sản xuất điện trong năm 2020 (2 doanh nghiệp này chỉ cung cấp được hơn 48 triệu tấn trong khi nhu cầu than năm 2020 lên tới 66 triệu tấn). Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, "không riêng gì thủy điện mà sang năm 2020 này thì tình hình cung cấp điện còn nhiều khó khăn do chúng ta còn có hạn chế trong việc cung cấp các nguồn nhiên liệu đầu vào ví dụ như than, khí.. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị như là Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Than Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có các giải pháp để đảm bảo cung cấp nhiên liệu và đặc biệt là cũng sẽ xem xét vấn đề nhập khẩu than cho các nhà máy điện để phục vụ cho phát điện".
 
Nhìn lại năm 2019, mặc dù lên phương án sẽ phải huy động hơn 2,5 tỷ kWh điện từ nguồn chạy dầu có giá thành cao, lên tới gần 6.000 đồng/kWh, song, cùng với tăng cường huy động cao nguồn nhiệt điện than và nhờ vào một số nhà máy thủy điện phía Nam có nước về nên nguồn điện dầu đã giảm bớt, chỉ còn 1,7 tỷ kWh. Cũng từ đó, phương án phải huy động hơn 8 tỷ kWh điện dầu trong năm 2020 được hi vọng sẽ giảm một nửa. Thế nhưng, đó cũng mới chỉ là hi vọng. Nếu thủy điện tiếp tục cạn nước, việc tiếp tục phải huy động tối đa công suất từ các nhà máy điện than hiện hữu mà chưa có nguồn điện mới nào được hoàn thành, đưa vào khai thác, theo các chuyên gia là điều… “hết sức nguy hiểm”. TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho biết "Đối với nhiệt điện thì tất cả các hệ thống đều được thiết kế với một số giờ chạy tối ưu nhất định. Nếu chúng ta để cho hệ thống này nó vận hành như thế thì trước tiên là hiệu suất vận hành chắc chắn là không đạt tối ưu như trong thiết kế. Thứ 2 là yêu cầu về bảo dưỡng sửa chữa nó đảm bảo cho tuổi thọ lâu dài và đồng thời nó duy trì vận hành ở công suất tối ưu, cao nhất. Tất nhiên trong ngắn hạn khi cần thiết chúng ta vẫn phải huy động nhưng lạm dụng nó để chạy trong một thời gian quá dài thì rủi ro có thể rất cao là có thể xảy ra sự cố của hệ thống... và hậu quả rất khó để đánh giá được".
 
Khi hệ thống không còn công suất để dự phòng, khi thủy điện thiếu nước, và những cỗ máy nhiệt điện than chạy liên tục nhiều giờ, nhiều chuyên gia lo ngại: chỉ cần bất kỳ một sự cố nào xảy ra đối với nguồn cung cấp khí hay nhà máy nhiệt điện khí sẽ ảnh hưởng lớn tới việc vận hành hệ thống điện. Bởi các hồ thủy điện đang “khát” nước, nếu phải tăng cường phát điện từ các nguồn thủy điện cũng đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tích nước, không chỉ gây thiếu điện và nước cho hạ du vào những tháng mùa khô tới đây, mà còn nguy cơ cao bất ổn cho cả hệ thống điện quốc gia. Bởi, nguồn phát điện từ khí đốt đang chiếm khoảng 13% công suất và 18% về sản lượng trong cơ cấu nguồn phát của hệ thống điện. Và, thủy điện cũng như nhiệt điện khí đều là những nguồn điện linh hoạt để điều tiết, huy động nhanh trở lại, giúp hệ thống có thể huy động tối đa nguồn điện mặt trời vốn có tính bất định cao, phải phụ thuộc vào nắng. Thế nhưng, việc cung cấp khí cho các nhà máy phát điện trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 66% và dự báo sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
 
Cả nước hiện có khoảng 55.000MW công suất lắp đặt nguồn điện. Cao điểm mùa khô năm 2019 đã ghi nhận có thời điểm công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc đã chạm mốc 37.000 MW. Đây được coi là công suất “khả dụng”, “tới ngưỡng” an toàn, có thể đạt được của hệ thống điện quốc gia. Có nghĩa là, nếu nhu cầu tiêu dùng điện tiếp tục tăng cao, trong khi thủy điện tiếp tục không có nước về, nhiệt điện khí và than căng thẳng nguồn nhiên liệu và điện mặt trời chỉ huy động được ban ngày, lại phụ thuộc vào số giờ nắng…thì nguy cơ thiếu điện trong năm tới sẽ rất cao.
 
Trong các phương án đảm bảo điện, còn có một nguồn điện nữa được tính đến, đó là điện nhập khẩu. Nhập khẩu điện liệu có dễ dàng? Và, khả năng nhập khẩu điện ra sao? Đó cũng là nội dung phần 2 của loạt bài “Lời giải nào cho bài toán thiếu điện ở Việt Nam?”.
 
Bài 2: Nhập khẩu điện, dễ hay khó?
 
Nguyên Long