Sự kiện

Quảng Ninh - trung tâm nhiệt điện lớn của cả nước

Thứ năm, 17/10/2013 | 15:08 GMT+7
Với lợi thế nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là than, trong định hướng phát triển, đến năm 2015 Quảng Ninh sẽ là một trung tâm nhiệt điện lớn của cả nước. Để hướng tới phát triển bền vững, Quảng Ninh sẽ chú trọng đảm bảo cân bằng giữa phát triển công nghiệp nhiệt điện đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo quy hoạch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện tập trung tại các địa phương Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long, Cẩm Phả và Hải Hà. Hiện nay đã có 6 dự án hoàn thành và đi vào vận hành, 3 dự án đang triển khai, số còn lại trong quy hoạch điện VII do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Uông Bí là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh có nhà máy nhiệt điện, sau dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 (300MW) đi vào vận hành ổn định từ năm 2009, tháng 4-2013 vừa qua dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 công suất 330MW đã chính thức phát điện. Dự án hoàn thành đúng thời điểm cả nước đang cần tăng cường công suất phát điện, điều này khẳng định vai trò của Nhiệt điện Uông Bí trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 được xây dựng và triển khai tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 có công suất 600MW. Dự án đã vận hành đi vào hoạt động và chính thức hoà lưới điện quốc gia từ tháng 3-2010. Dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 2 cũng có công suất 600MW, khởi công xây dựng ngày 28-5-2007. Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công ước đạt 92,8%.
 


Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 đang được khẩn trương xây dựng.

Đối với vùng than Cẩm Phả, các nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1, 2  có công suất 600MW, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư đều đã vận hành phát điện cho hệ thống lưới điện quốc gia. Tháng 4 vừa qua, thêm một nhà máy nhiệt điện nữa khánh thành tại xã Bình Khê, huyện Đông Triều. Nhà máy này có công suất 440MW, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn thân thiện môi trường, sử dụng và tận thu nguồn than chất lượng thấp tại vùng Mạo Khê để phát điện. Đặc biệt, cùng với dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 có công suất 1.000MW, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015, Nhiệt điện Mông Dương 2 với công suất lên tới 1.200MW đang khẩn trương lắp đặt. Khi đi vào hoạt động, hằng năm Nhà máy sẽ phát điện lên lưới điện quốc gia 6,5 tỷ kWh qua đường dây 500kV mạch kép Mông Dương, Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ được hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại sau 40 tháng (quý I-2015), tổ máy số 2 sẽ đưa vào vận hành sau 46 tháng (dự kiến quý 3-2015). Đến thời điểm này, tiến độ thi công các hạng mục như lắp đặt phần vỏ trên cho tuabin số 2, hàn đường ống ngưng tụ hơi nước cho tuabin số 2, nâng thanh móc cho lò hơi số 2, lắp ráp lò hơi phụ... đạt được khoảng 89%, riêng tiến độ xây dựng đạt 73%. Đặc biệt, để các hạng mục được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra, các nhà thầu đã huy động trên 6.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân trong nước và nước ngoài tham gia lao động trực tiếp tại công trường. Khi hoàn thành, Nhiệt điện Mông Dương 2 sẽ trở thành nhà máy nhiệt điện lớn nhất cả nước. Cùng với các nhà máy nhiệt điện trên, dự án Nhiệt điện Thăng Long công suất 600MW xây dựng tại huyện Hoành Bồ hiện đang trong giai đoạn triển khai mặt bằng. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ vận hành vào năm 2017. Có thể thấy khi các dự án nhiệt điện đang xây dựng, lắp đặt đi vào vận hành ổn định, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm sản xuất điện lớn nhất cả nước với tổng công suất phát điện đến năm 2015 dự kiến là 5.150MW.

Tuy nhiên, với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh sẽ chú trọng tới công nghệ nhiệt điện thân thiện với môi trường để phát triển một cách bền vững.
 
Theo: Báo ĐT Quảng Ninh