Hiện nay, những ứng dụng của năng lượng nguyên tử (NLNT) ngày càng đa dạng, đóng góp hữu ích cho mọi mặt đời sống và sản xuất. Không đơn giản chỉ là sản xuất điện, năng lượng nguyên tử còn được sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp, y tế và công nghiệp. Bên cạnh đó, NLNT có ưu điểm sạch, không làm ô nhiễm không khí, không gây hiệu ứng nhà kính và làm tăng nhiệt độ khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, NLNT sẽ như “con dao hai lưỡi” nếu để xảy ra sự cố. Lịch sử năng lượng hạt nhân thế giới đã ghi nhận khá nhiều sự cố của các nhà máy điện hạt nhân như vụ rò rỉ chất phóng xạ tại Nhà máy Ðiện hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania (Mỹ) vào năm 1979 và thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Pripyat (Ukraine)…
Ðể tránh những hậu quả nghiêm trọng, luật pháp liên quan đến NLNT trên thế giới đã được xây dựng rất chặt chẽ, chi tiết, từ vấn đề đầu tư, phát triển ngành năng lượng nguyên tử, quản lý nhà nước đến biện pháp thanh tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn, xử lý và bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố. Hầu hết các quốc gia đều tham khảo luật mẫu của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) để xây dựng Luật NLNT của mình cho phù hợp với các điều ước quốc tế về vấn đề hạt nhân mà quốc gia đã ký kết. Thậm chí có những nước mặc dù chưa có điện hạt nhân, nhưng do nhận thức được tầm quan trọng đã xây dựng hành lang pháp lý cho NLNT như Australia với Ðạo luật bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân, Indonesia với Luật NLNT hay Malaysia với Ðạo luật cấp phép NLNT.
Các nước xây dựng luật NLNT đều rất chú trọng đến vấn đề an toàn trong sử dụng NLNT. Có thể nói, đây là nội dung hàng đầu và được quy định ở hầu hết các điều khoản về khai báo, cấp phép, cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân, khai thác và chế biến quặng, vận chuyển chất phóng xạ, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, đảm bảo an toàn chống tấn công khủng bố, bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh khu vực đặt nhà máy... Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, việc đảm bảo an toàn được thắt chặt ngay ở khâu phê chuẩn địa điểm và cấp phép xây dựng cơ sở hạt nhân. Trong hồ sơ xin phê duyệt địa điểm hay xin cấp phép, phải kèm các báo cáo chi tiết về khảo sát vị trí, đánh giá tác động môi trường phóng xạ, phân tích an toàn sơ bộ, chương trình bảo đảm chất lượng cho thiết kế và xây dựng. Trong trường hợp xin phê chuẩn địa điểm, Bộ Khoa học Công Nghệ sẽ ra quyết định sau khi Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc xem xét. Còn đối với cấp phép xây dựng, ngoài thủ tục trên, còn cần có cả nghị quyết của Ủy ban An toàn hạt nhân. Bên cạnh đó, để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra, các công dân Hàn Quốc dưới 18 tuổi bị cấm tiếp xúc với các cơ sở có sử dụng năng lượng hạt nhân và vật liệu phóng xạ. Luật pháp của Hàn Quốc trừng phạt rất nặng đối với các hành vi hủy hoại lò phản ứng hạt nhân và gây tổn hại đến con người và tài sản hoặc gây mất an toàn cho cộng đồng. Người vi phạm có thể bị tuyên án tử hình, hoặc tùy theo mức độ sẽ bị phạt tù có hoặc không có cải tạo lao động với thời gian tối thiểu là 3 năm.
Trong khi đó, ở Indonesia, Luật NLNT quy định, người nào xây dựng, vận hành hoặc tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân mà gây ra thiệt hại hạt nhân sẽ bị phạt tù chung thân hoặc bị phạt tù với thời hạn không quá 20 năm và bị phạt tiền không quá một tỷ rupi.
Là một trong những cường quốc về năng lượng hạt nhân, Luật NLNT của Liên bang Nga đã quy định, các công dân Nga có quyền nhận được thông tin miễn phí về tình hình phóng xạ ở một vùng cụ thể từ các tổ chức, cơ quan thuộc hệ thống nhà nước chịu trách nhiệm giám sát tình hình phóng xạ trong lãnh thổ toàn Liên bang. Bên cạnh đó, công nhân, những người được giao nhiệm vụ làm việc tại các cơ sở hạt nhân, làm việc với các nguồn phóng xạ, các thiết bị dự trữ hạt nhân và cả công dân sống, làm việc hay đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong khu vực giám sát của các cơ sở nguyên tử, nguồn phóng xạ... sẽ phải được mua bảo hiểm bắt buộc. Chi phí trên do chủ sở hữu các nhà máy sử dụng năng lượng hạt nhân trả.
Bên cạnh những quy định chặt chẽ về an toàn, luật pháp các nước đều có các quy định cụ thể về quyền bồi thường của nạn nhân (nếu sự cố xảy ra). Chẳng hạn, ở Indonesia, với tai nạn liên quan đến các vật liệu hạt nhân bị lấy trộm, thất lạc hoặc bỏ quên thì thời hạn áp dụng quyền đòi bồi thường sẽ được tính kể từ ngày xảy ra tai nạn và không được vượt quá 40 năm kể từ thời điểm vật liệu hạt nhân bị lấy trộm, bị thất lạc hoặc bị bỏ quên... Còn tại Nga, không có một thời hạn hạn chế nào đối với việc bồi thường thiệt hại do rò rỉ phóng xạ gây ra đối với sức khỏe và cuộc sống của công dân. Thời gian hạn chế cho yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về mặt tài sản và môi trường được ấn định là 3 năm kể từ ngày cá nhân nhận thức về sự vi phạm.
Một vấn đề liên quan đến năng lượng nguyên tử mà cả thế giới rất quan tâm, đó là việc sản xuất vũ khí hạt nhân (VKHN) vì nó có khả năng gây ra hậu quả khôn lường đối với tính mạng con người và nền hòa bình của cả thế giới. Vì vậy, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được thiết lập nhằm mục đích hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân trên thế giới. Ngày 1/6/1968 được chọn là ngày khởi đầu tiến trình tham gia ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT hoặc NNPT) và Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/3/1970 với sự tham gia ký kết của đại đa số các quốc gia có chủ quyền. Việt Nam tham gia Hiệp ước này vào ngày 14/6/1981. Hiệp ước có ba nguyên tắc trụ cột: Không phổ biến, Giải giới và Quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hoà bình.
Với nguyên tắc Không phổ biến, chiếu theo Hiệp ước, có 5 quốc gia được phép sở hữu vũ khí hạt nhân: Pháp (ký năm 1992), Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (1992), Liên Xô (1968); nghĩa vụ và quyền lợi này hiện được chuyển cho Liên bang Nga), Anh (1968) và Hoa Kỳ (1968). Ðây là các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân (VKHN) vào thời điểm hiệp ước được ký kết, cũng là các quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 5 nước này thoả thuận không chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho các nước khác và cam kết không sử dụng chúng để chống lại các nước không có VKHN (trừ khi phải đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc tấn công liên minh với quốc gia có VKHN). Các quốc gia không có VKHN cũng đồng ý không mưu cầu có VKHN.
Hiệp ước cũng quy định về việc giải trừ quân bị, cụ thể: Ðiều VI và lời nói đầu chỉ ra rằng các nước có VKHN theo đuổi mục tiêu cắt giảm và loại bỏ kho vũ khí của họ; kêu gọi tiến đến “... một hiệp ước giải giới toàn diện được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế nghiêm ngặt và hiệu quả”. Hiệp ước cũng quy định về quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hoà bình, theo đó, các quốc gia được sản xuất năng lượng hạt nhân, với điều kiện không sử dụng kỹ thuật này để phát triển vũ khí hạt nhân.
Với những quy định chặt chẽ, cụ thể, các luật về sử dụng NLNT của quốc tế và các quốc gia đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn cho hoạt động ứng dụng NLNT, tránh một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên thế giới, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế lớn, phát huy những ứng dụng của năng lượng hạt nhân để phục vụ cho đời sống con người.
Một số điều ước quốc tế cơ bản về năng lượng nguyên tử
* Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân
* Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện
* Công ước về trợ giúp trong trường hợp có tai nạn hạt nhân hay sự cố phóng xạ khẩn cấp
* Công ước về thông báo nhanh trong trường hợp sự cố hạt nhân
* Công ước về bồi thường bổ sung đối với thiệt hại hạt nhân
* Công ước về an toàn hạt nhân
* Bộ quy tắc ứng xử về đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ; hướng dẫn bổ sung về xuất nhập khẩu các nguồn phóng xạ.