Chuyển đổi số trong EVN

Lưới điện thông minh TP.HCM: Mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn

Chủ nhật, 1/1/2023 | 13:11 GMT+7

Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh (bìa trái) đang giới thiệu các tính năng điều khiển từ xa của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP.HCM với ông Trần Đình Nhân- Tổng Giám đốc EVN (thứ 2 từ bên phải).
 

Đồng thời EVNHCMC cũng là một trong hai doanh nghiệp Việt Nam được Diễn đàn kinh doanh IoT châu Á (AIBP) trao giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN" năm 2022.
 
Cả hai kết quả ấy đều ghi nhận những thành tựu trong việc triển khai lưới điện thông minh tại TP.HCM. Tuổi Trẻ có buổi trò chuyện với ông NGUYỄN VĂN THANH - tổng giám đốc EVNHCMC - về việc triển khai lưới điện thông minh và những hiệu quả của hệ thống này.
 
PV: Tổng công ty Điện lực TP.HCM được AIBP trao giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022 vì đã "khai thác sức mạnh của các công cụ tự động hóa trong hành trình xây dựng lưới điện thông minh". Ông có thể nói rõ hơn về hành trình này?
 
Ông Nguyễn Văn Thanh: Quá trình xây dựng và phát triển lưới điện thông minh của EVNHCMC có thể chia thành bốn giai đoạn: (1) 2010 - 2013 là giai đoạn tự tìm tòi, nghiên cứu; (2) 2014 - 2015 là giai đoạn thí điểm các cấu phần của lưới điện thông minh trên quy mô nhỏ để nắm bắt, làm chủ công nghệ; (3) 2016 - 2020 xác định lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và triển khai trên quy mô rộng; (4) 2021 - 2025 tập trung phát triển lưới điện thông minh theo chiều sâu.
 
Sau giai đoạn phát triển hiện đại hóa - tự động hóa hệ thống điện về quy mô, từ năm 2020, EVNHCMC phát triển hệ thống lưới điện thông minh với đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn mực quốc tế gồm: (1) Giám sát và điều khiển; (2) Phân tích dữ liệu; (3) Độ tin cậy cung cấp điện; (4) Tích hợp nguồn phân tán; (5) Năng lượng xanh; (6) An ninh bảo mật; (7) Trao quyền cho khách hàng và sự hài lòng của khách hàng. Đây cũng là hướng đi sắp tới của chúng tôi.
 
Chính vì được định hướng phát triển theo các chuẩn mực quốc tế nên không chỉ riêng AIBP đánh giá cao lưới điện thông minh của TP.HCM. 
 
Năm 2021, lưới điện thông minh của TP.HCM đã được SP Group (tập đoàn năng lượng Singapore) xếp hạng 53 trên 86 công ty điện lực trên thế giới có lưới điện thông minh, và tương ứng là đứng thứ hai trong khối ASEAN, cùng điểm với công ty điện lực của Malaysia và Thái Lan.
 
PV: Dựa trên những kết quả nào mà AIBP đánh giá EVNHCMC đã "khai thác sức mạnh của các công cụ tự động hóa" của lưới điện thông minh?
 
Ông Nguyễn Văn Thanh: Từ tên gọi của giải thưởng là "Doanh nghiệp sáng tạo" và thông tin AIBP công bố, tôi cho rằng AIBP đánh giá cao tính sáng tạo của EVNHCMC khi triển khai phát triển lưới điện thông minh và hiệu quả đem lại cho khách hàng sử dụng điện cũng như cho cộng đồng xã hội.
 
Thực tế là chúng tôi không có sẵn mô hình phù hợp với hiện trạng lưới điện TP.HCM để áp dụng. Nhờ phát huy nội lực là lực lượng kỹ sư, chuyên gia giỏi của tổng công ty, chúng tôi đã xác định được lộ trình và kế hoạch triển khai phù hợp với hiện trạng lưới điện và nguồn lực cho phép. 
 
Dấu ấn nổi bật là toàn bộ quá trình thiết kế và lắp đặt hệ thống, các phần mềm quản lý đều do các kỹ sư EVNHCMC phát triển và vận hành hiệu quả.
 
PV: Theo ông, khách hàng được lợi gì từ lưới điện thông minh?
 
Ông Nguyễn Văn Thanh: Hiệu quả căn bản nhất mà lưới điện thông minh đem lại chính là chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng ngày càng tốt hơn. 
 
Cụ thể là chỉ số độ tin cậy cung cấp điện được cải thiện liên tục. Năm 2010, số lần mất điện bình quân một khách hàng là 28,85 lần/năm thì năm 2022 đã giảm còn 0,47 lần/năm. 
 
Thời gian mất điện bình quân một khách hàng năm 2010 là gần 4.000 phút thì đến năm 2022 đã giảm còn 35 phút.
 
Nói một cách ngắn gọn, mọi cải tiến trong ngành điện đều tập trung vào mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn nữa. Bằng nội lực sáng tạo, chúng tôi đã khai thác được sức mạnh của các công cụ tự động hóa để đem lại giá trị đích thực cho khách hàng sử dụng điện. 
 
Đây chính là điều mà các tổ chức quốc tế đánh giá cao và là niềm tự hào của toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên EVNHCMC.
 
PV: Xin cám ơn ông.