Diễn đàn năng lượng

Miền Trung cần phát triển mạnh năng lượng "trời cho"

Thứ ba, 28/5/2013 | 09:47 GMT+7
Miền Trung có một thế mạnh hàng đầu châu Á còn bị bỏ quên, đó chính là năng lượng tái tạo, trong đó tiềm năng lớn hàng đầu chính là điện gió.

 
Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo(RE) và nhiên liệu sinh học của các nước tiểu vùng sông Mekong 2015 đến 2020. Việt Nam là nước có tiềm năng tương đương Thái Lan nhưng qui hoạch năm 2020 chỉ 5,6% RE và khoảng 2% Biofuels, trong khi ở Thái lan có mức RE 25% và 44% Biofuels. Việt Nam cần điều chỉnh ngay qui hoạch lên RE20% và 20%Biofuels vào 2020 (theo EEP Mekong).

Miền Trung là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước ta và của cả châu Á với nhiều tiềm năng về cả thiên nhiên và con người (thông minh, chịu khó, kiên cường, dũng cảm). Nơi đây đang ngày đêm xây dựng vào bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng vẫn còn nghèo khó.

Thế mạnh và tiềm năng của các tỉnh duyên hải miền Trung là vị trí chiến lược để phát triển các cảng biển nước sâu và các khu công nghiệp, năng lượng, khoa học công nghệ, du lịch qui mô lớn xứng tầm châu Á như các nước Nhật, Hàn Quốc, Singapore đã làm được.

Nhưng còn một thế mạnh hàng đầu châu Á ở vùng này còn bị bỏ quên và chưa được nhắc tới đó chính là năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó tiềm năng lớn hàng đầu chính là điện gió.

Việt Nam không thể tụt hậu hơn nữa so với các nước trong khu vực và trên thế giới về khoa học công nghệ, kinh tế… và càng không thể để tụt hậu so với Đông Nam Á về NLTT, điện gió.

Nếu chính sách về năng lượng tái tạo của Việt Nam được mở đúng với tiềm năng vốn có của nó sẽ theo kịp các nước Asean chứ không phải bị "khóa cửa" như hiện nay.

Việt Nam là nước có tiềm năng về NLTT, đặc biệt là điện gió đứng hàng đầu Châu Á, đứng thứ nhất Đông Nam Á theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Đây là thế mạnh trời cho. Nhưng trời cũng lấy lại tương ứng đó là Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu do nước biển dâng và chính những vùng duyên hải này cùng với đồng bằng sông cửu long phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (RE) và nhiên liệu sinh học (Biofuels) của các nước tiểu vùng sông Mekong và Asean bình quân là 15% vào 2015 đến 2020 đều tăng trên 20%.

Việt Nam là nước có tiềm năng lớn nhất về điện gió, tương đương với Thái Lan về mọi mặt cũng là một nước nông nghiệp nhiều phế thải để sản xuất năng lượng tái tạo như Biomas, Biogas và sắn để sản xuất Biofuels.

Qui hoạch điện 7 của Việt Nam đến năm 2020 chỉ 5,6% NLTT và khoảng 2% Biofuels, trong khi Thái Lan 25% NLTT và 44% Biofuels. Việt Nam cần điều chỉnh lại qui hoạch lên NLTT lên 20% và 20% Biofuels vào 2020 để không tụt hậu quá xa so với ngay các nước tiểu vùng sông Mekong và Asean.

Điều đó cũng giúp nước ta không mất đi hàng tỷ đô la mỗi năm cùng với cả triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp từ những ngành này cho đất nước.

Nếu không điều chỉnh ngay để hệ thống truyền tải điện, hạ tầng đáp ứng được với nhu cầu tăng trưởng năng lượng của đất nước thì sẽ "đóng cửa" sự phát triển của NLTT, đặc biệt là điện gió trong tương lai.

Chúng ta cần có tinh thần tự lực, giảm phụ thuộc vào điện nhập khẩu và hoàn toàn có thể là nước sản xuất điện để xuất khẩu ở Đông Nam Á.

Tiềm năng điện gió một tỉnh miền trung đã tương đương với cả một nước trong khu vực (Việt Nam có 8,6% diện tích tốc độ và mật độ gió tốt từ 6m/s trở lên, trong khi Thái Lan, Campuchia…chỉ có 0,2% diện tích).

Miền Trung phải trở thành trung tâm sản xuất NLTT, đặc biệt là điện gió cung cấp cho cả nước và xuất khẩu đi các nước Asean.

Giá điện kinh doanh của Campuchia khoảng $20 cent, điện gió Thái Lan là $18 cent thì Việt Nam hoàn toàn có thể nâng giá điện gió từ $7,8 cent hiện nay lên $10-$12 cent để xuất khẩu điện gió qua Campuchia, các nước Asean và bù cho lượng điện thiếu hụt đang phải phát bằng Diesel có giá lên tới $30cent và điện khí, điện nhập khẩu giá đều cao.

Tất cả các nước đều có chính sách hỗ trợ cho NLTT và nhiên liệu sinh học vì đây là chính là cốt lõi của việc bảo vệ môi trường, tăng trưởng phát triển bền vững của mọi quốc gia đang được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là Mỹ, EU, Asean.

Chỉ cần nhanh chóng thay đổi chính sách và qui hoạch đã quá lạc hậu, miền trung với tiềm năng hàng chục ngàn MW điện gió và hàng tỷ đô la nguồn vốn nước ngoài hay tư nhân đang chờ các dự án điện gió hiệu quả để giải ngân.

Chỉ một thời gian sau, cả một ngành công nghiệp điện gió với ưu thế các cảng biển nước sâu, nguồn lao động dồi dào có kỹ thuật sẽ đưa miền trung Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất khẩu thiết bị điện gió, NLTT hàng đầu châu Á. Các công ty Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật đã và đang muốn đến để tận dụng những lợi thế này.

Trung Quốc là bài học về sự phát triển quá nhanh dẫn đến môi trường bị tàn phá và đang phải trả giá. Đây cũng là bài học cho các nước phát triển mạnh điện than và khai thác tiêu thụ than, cũng như các thành phố không thể dùng hàng triệu cái bếp than tổ ong mà vẫn phải dùng bếp gas.

Vì nếu phát triển điện than quá nhiều thì môi trường sẽ bị tàn phá, mất mát lớn sẽ rất nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân, môi trường du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề (Vòng đời 30 năm của một nhà máy điện than tiêu tốn hàng triệu đô la cho nguyên liệu đầu vào là than, trong khi điện gió chỉ cần chi phí bảo dưỡng, giá điện than đã gần bằng giá điện gió mà thải ô nhiễm ra môi trường là không thể tính được).

Thái Lan là một bài học tuyệt vời nhất cho Việt Nam và cả Asean lẫn châu Á về phát triển NLTT, nhiên liệu sinh học, vừa tăng trưởng bền vững lại bảo vệ môi trường.

Khai thác tài nguyên chính là khai thác phần cứng, vốn tự có của đất nước và sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, làm môi trường bị hủy hoại, tàn phá, gây hậu quả lâu dài về mọi mặt.

Khai thác phần mềm của đất nước như trí tuệ, sự sáng tạo, tài nguyên tái tạo, và cần kiệm để phát triển, tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, hòa nhập với nền kinh tế tri thức mới, là sự phát triển bền vững lâu dài nhất của đất nước trong kỷ nguyên tri thức.
 
Theo: VnExpress