Những nếu đánh giá một cách khách quan, so với yêu cầu thì nhìn chung đội ngũ CNKTNĐ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ và thỏa mãn trước nhiệm vụ phát triển của ngành Điện. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể nêu một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, thiếu tính đồng bộ và thống nhất.
Thứ hai, thiếu tính chuẩn mực và quy phạm.
Thứ ba, Thiếu tính gắn kết và bổ sung giữa đào tạo nhà trường với đào tạo tại chỗ.
Thứ tư, thiếu đội ngũ giáo viên giỏi và trang thiết bị giảng dạy và học tập hiện đại.
Thứ năm, không ít cơ sở sử dụng không đúng ngành nghề được đào tạo, dẫn tới năng suất lao động thấp.
Từ những nguyên nhân trên, rất cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong việc đào tạo CNKTNĐ. Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn EVN, số lượng CNKTNĐ chiếm 49,13% (khoảng 42.715 người) trên tổng số nhân lực toàn ngành Điện là 89.928 người. Về cơ cấu đào tạo thì lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm 15,39%, đại học chiếm 23,26%, trên đại học chiếm 0,65%. Như vậy, CNKTNĐ lực lượng đông đảo nhất, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và kinh doanh.
Mục tiêu phát triển của EVN từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn 2020: “Tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện bình quân là 10%-20%/năm. Phấn đấu năm 2010 đạt sản lượng khoảng 80 tỷ kWh và năm 2020 sản lượng đạt khoảng 200 tỷ kWh.” (gấp 4 lần so với năm 2005). Hiện tại, EVN có 14 nhà máy phát điện, đến năm 2010 sẽ có 32 nhà máy phát điện cùng hoạt động, sẽ thu hút hàng ngàn CNKT vào làm việc, đó là một nhu cầu thực tế khách quan. Còn nhu cầu chủ quan, từ tháng 12/2005 tới nay, EVN phát triển thành Tập đoàn kinh tế mạnh. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Khóa IX: “EVN chịu trách nhiệm chính về việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng”. Mặt khác, EVN đã đưa ra 4 định hướng chiến lược phát triển: “Thương mại; Nguồn điện; Lưới điện; Nhân lực”. Như vậy, nhân lực là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của ngành Điện, trong đó CNKT là lực lượng trực tiếp sản xuất, chiếm số lượng đông đảo nhất.
Làm thế nào để đào tạo được đội ngũ CNKTNĐ chất lượng cao trong tương lai gần? Xin đề xuất một số giải pháp sau đây:
- Tại các cơ sở đào tạo CNKTNĐ thuộc EVN và Bộ Công Thương. Các cơ sở này phải được đầu tư kinh phí thích đáng để có trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo tập trung dài hạn và bồi dưỡng ngắn hạn. Đội ngũ giáo viên phải luôn được chuẩn hóa về trình độ học vấn, được gửi đi học tập và nâng cao trình độ tại các nước tiên tiến, theo phương châm: “biết mười, dạy một” thì mới tạo ra nhiều CKKT giỏi. Ngoài ra, bắt buộc giáo viên phải có một số thời gian đi thực tế ở các đơn vị sản xuất để đúc rút kinh nghiệm, giúp cho giảng dạy giữa lý thuyết với thực hành được phong phú về giáo trình, phải được thống nhất theo tiêu chuẩn của ngành Điện và của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, bám sát với yêu cầu thực tế sản xuất, tránh tình trạng học vo, học khoán, học lấy lệ.
- Về chương trình đào tạo, phải xây dựng Bộ tiêu chuẩn cấp bậc CNKTNĐ các nghề, trong đó bao gồm nghề chính: Thí nghiệm điện cao áp; Thí nghiệm hiệu chỉnh rơle; Quản lý và vận hành sửa chữa thiết bị; Đo lường và kiểm định công tơ điện; Quản lý vận hành sửa chữa đường dây và trạm biến áp phân phối; Sửa chữa điện nóng; Xây lắp đường dây và trạm biến áp phân phối; Kinh doanh điện năng … Có được Bộ tiêu chuẩn cấp bậc CNKTNĐ, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo, giáo trình bồi huấn (bồi dưỡng và huấn luyện) ngắn ngày cho CNKT được áp dụng thống nhất trong toàn EVN. Bộ tiêu chuẩn này quy định cụ thể về tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng nghề và bậc nghề bắt buộc người thợ phải đạt được để có cơ sở đánh giá. Các đơn vị trong EVN sẽ căn cứ vào Bộ tiêu chuẩn cấp bậc để đánh giá trình độ người thợ, từ đó có kế hoạch sử dụng và đào tạo lại hoặc đào tạo nâng cao. Trong Bộ tiêu chuẩn cấp bậc CNKTNĐ được quy định rất cụ thể với từng bậc thợ (thấp nhất là bậc 2, cao nhất là bậc 7) phải đạt được 4 yêu cầu: Lý thuyết hiểu biết; Bài tập thực hành; Trình độ văn hóa và chuyên ngành; Kết quả làm được. Nếu so sánh theo thứ tự 4 yêu cầu giữa thợ bâc 2 là 9, 4, 2, 7; thì thợ bậc 7 sẽ là 18, 8, 14, 8. Điều đó nói lên xây dựng Bộ tiêu chuẩn cấp bậc CNKTNĐ là hết sức chi tiết và cần thiết theo hướng chuẩn hóa ngành nghề đào tạo hiện nay.
- Bồi dưỡng, huấn luyện nâng bậc, đào tạo thường xuyên và đào tạo ngắn hạn cần có sự thống nhất về nội dung cũng như chương trình trong toàn EVN. Như vậy, hệ thống quản lý đào tạo của EVN từ Tập đoàn xuống tới các công ty thành viên sẽ phối hợp xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, huấn luyện nâng bậc cho từng giai đoạn, từng đơn vị, theo đặc thù riêng từng vùng miền. Với loại hình này nên có sự linh hoạt giữa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nâng bậc trong khi mở lớp, giữa người dạy và người học. Bởi đa phần học viên các lớp này đang sản xuất trực tiếp, tuổi đời đã cao, thường lấy chủ nghĩa kinh nghiệm làm đầu, người tiếp xúc với công nghệ mới.
- Phát hiện và bồi dưỡng nguồn là một giải pháp không thể xem nhẹ đối với độ ngũ CNKTNĐ. Chúng ta tạm chấp nhận “đầu vào” với CNKT không cao so với đầu vào các trường đại học. Song, đào tạo và bồi dưỡng được người thợ có “bàn tay vàng” khác với đào tạo và bồi dưỡng được một kỹ sư giỏi. Trong đội ngũ CNKTNĐ không thiếu người tài vì do hoàn cảnh không thể học lên đại học mà phải sản xuất kinh doanh học nghề để lập thân. Như vậy, thử thách trong môi trường mang tính kỷ luật cao, cạnh tranh quyết liệt như ngành Điện là nơi dễ dàng bộc lộ phẩm chất và tài năng. Vấn đề còn lại là lãnh đạo các đơn vị có phát hiện ra không và có kế hoạch bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận từ đội ngũ CNKT như thế nào? Ngành Điện đã có truyền thống đào tạo được nhiều tài năng và cũng không ít cán bộ đã và đang đảm nhận các chức vụ trọng trách, họ đều trưởng thành từ cơ sở. Một điều cần được quan tâm hơn nưa là cần có chế độ khen thưởng xứng đáng bằng cả tinh thần lẫn vật chất, đối với những người thợ tài năng đã có những đóng góp xuất sắc cho Ngành. Thông qua các tổ chức đoàn thể v à phong trào thi đua lao động sáng tạo sẽ là làm cho đội ngũ CNKTNĐ phát triển toàn diện. Chính đội ngũ này đang góp phần làm cho giai cấp công nhân Việt Nam thêm vững mạnh để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn tới.