Ảnh: Minh họa
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Q.7, TP.HCM vừa quyết định truy tố bị can N.T.T. (ngụ đường Lê Văn Lương, phường Tân Kiểng, Q.7) về tội “trộm cắp tài sản” do đã có hành vi câu móc điện của hàng xóm sử dụng trong suốt thời gian dài.
Xài điện “chùa” của hàng xóm
Theo cáo trạng, do căn nhà của T. có bức tường chung với căn nhà hàng xóm là ông N.T.C. nên khi phát hiện đường dây điện đi âm tường của nhà ông C. bị hở, T. liền nảy sinh ý định móc điện nhà ông C. để sử dụng. T. đã mua thiết bị câu móc điện, lắp cả cầu dao đảo pha để có thể sử dụng điện từ đồng hồ nhà mình hoặc điện từ nguồn của nhà hàng xóm tùy lúc. Không những thế, T. còn kéo dây qua nhà cha ruột gần đó để cho cha sử dụng luôn nguồn điện lấy trộm từ nhà ông C..
Theo ông C., do không để ý biên lai đóng tiền điện nên suốt một thời gian dài gia đình ông không hề biết việc bị mất trộm điện. Đầu năm 2007, khi coi lại các biên lai đóng tiền gần nhất, ông C. mới nghi ngờ vì thấy khoản tiền phải đóng 4-5 triệu đồng/tháng, quá nhiều so với điện năng tiêu thụ của gia đình. Ông theo dõi thử, tắt hết thiết bị điện trong nhà mà đồng hồ vẫn chạy. Có đêm ông C. tắt cầu dao điện, thấy nhà T. cũng bị cúp điện theo, ông bật cầu dao thì nhà T. cũng sáng điện nên ông đã tố cáo hành vi trộm cắp điện của gia đình T..
Ngày 28-4-2007, cơ quan công an đã phối hợp với Điện lực Tân Thuận kiểm tra và bắt quả tang gia đình T. đang sử dụng điện từ đường dây nhà ông C.. Tại cơ quan điều tra, N.T.T. khai nhận đã bắt đầu câu móc điện của hàng xóm từ tháng 11-2003. Thời gian đầu T. còn dè dặt, nhưng sau đó thấy không bị phát hiện nên sử dụng nhiều hơn, nối cả dây cho cha mình cùng sử dụng. Tuy nhiên theo cơ quan điều tra thì cha T. không biết việc T. trộm cắp điện nên không xử lý hình sự.
Có cơ sở truy tố tội trộm cắp
Luật sư Nguyễn Tú, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại trong vụ án, nói việc VKSND Q.7 truy tố N.T.T. về tội “trộm cắp tài sản” là có cơ sở. Giữa ông C. và ngành điện đã có hợp đồng mua bán điện, ông C. đã mua điện của điện lực để sử dụng.
Số lượng điện mua bán hằng tháng thể hiện trên đồng hồ đo đếm điện năng, đồng hồ báo gia đình ông đã tiêu thụ bao nhiêu thì ông phải trả số tiền tương ứng. Chính vì vậy, N.T.T. đã câu móc, lén lút sử dụng điện từ đường dây sau đồng hồ của nhà ông C, khiến ông C. phải trả tiền cho số điện mà T. sử dụng, tức T. đã xâm phạm tài sản của ông C..
Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý, vấn đề quan trọng là khó xác định giá trị khi tài sản bị trộm là điện năng. Trong vụ án này, theo kết luận của hội đồng định giá tài sản, tổng điện năng mà N.T.T. đã trộm cắp từ nhà ông C. tính từ tháng 11-2003 đến khi bị phát hiện (gần 42 tháng) là hơn 29.000 kWh, trị giá khoảng 49,9 triệu đồng. VKSND Q.7 đã truy tố T. trộm cắp 49,9 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng 4-2009 TAND Q.7 mở phiên tòa xét xử và đã phải quyết định tạm hoãn nửa chừng, hoàn trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung.
Theo TAND Q.7, cần phải xác định lại lượng điện năng mà bị cáo T. chiếm đoạt của nhà ông C. là bao nhiêu. Quá trình điều tra chưa xác định được số lượng, chủng loại, công suất của các thiết bị sử dụng điện của gia đình ông C. để làm cơ sở tính lượng điện năng đã bị T. trộm cắp. Trong khi đó, gia đình ông C. cũng khiếu nại cho rằng cần buộc bị cáo T. bồi thường số lượng điện năng bị trộm cắp theo cách tính của ngành điện trị giá hơn 81 triệu đồng, chứ không chỉ 49,9 triệu đồng như cách tính của cơ quan điều tra.
Khó xác định lượng điện bị trộm
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết đối với những trường hợp trộm cắp điện của ngành điện lực bị phát hiện, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Về xử lý hành chính, mức xử phạt hiện nay là rất thấp (thực hiện theo nghị định 74/2003/NĐ-CP của Chính phủ).
Do áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là hành vi trộm cắp tài sản trên 500.000 đồng mới bị xử lý hình sự, nên việc xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với hành vi trộm cắp điện dưới 500kWh. Theo đó, mức xử phạt tối đa đối với việc trộm cắp điện dùng cho sinh hoạt, tiêu dùng chỉ tối đa là 5 triệu đồng (còn trộm cắp điện dùng cho mục đích khác bị phạt tối đa là 30 triệu đồng). Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, người trộm cắp điện (chưa tới mức bị xử lý hình sự) còn phải bồi thường cho ngành điện khoản điện năng đã bị thất thoát.
Theo luật sư Hậu, nhiều năm nay Điện lực TP.HCM đã phát hiện rất nhiều vụ ngành điện lực bị trộm cắp điện, nhưng hầu hết người trộm cắp đều chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, truy thu tiền điện thất thoát, chứ chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự. Có nhiều vụ việc khi tính toán - theo hướng dẫn của Bộ Công nghiệp, thấy số lượng điện năng bị trộm cắp lớn, nên ngành điện đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, chưa có hồ sơ nào được khởi tố vì quan điểm của cơ quan tố tụng chưa thống nhất với cách tính toán của ngành điện.
Theo luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách tính toán số điện năng hao hụt để truy thu người vi phạm sử dụng điện có thể chấp nhận được đối với việc xử lý hành chính, nhưng trong xử lý hình sự là phải cụ thể, chính xác. Tính toán theo kiểu áng chừng là vi phạm nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng do điện năng không dễ định giá, xác định như các tài sản khác nên cần phải chấp nhận cách tính toán của Bộ Công nghiệp mới có thể xử lý triệt để hành vi trộm cắp điện.
Cách tính số điện năng bị tiêu hao do trộm cắp (theo quyết định số 31/2006/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp)
Tại thời điểm phát hiện vi phạm, tổ công tác sẽ lập biên bản ghi nhận các thiết bị điện đang sử dụng tại nhà người vi phạm. Sau đó, việc tính điện năng bồi thường mỗi ngày dựa trên công suất thiết bị nhân với số giờ sử dụng trung bình (số giờ trung bình của các thiết bị điện dùng trong sinh hoạt gia đình thường từ 6-10 giờ/ngày).
Số ngày phải bồi thường được tính kể từ thời điểm vi phạm đến ngày bị phát hiện, nếu không xác định được ngày vi phạm thì xác định từ ngày kiểm tra định kỳ hoặc thay thế thiết bị điện nhưng không quá 12 tháng.
|