|
Cán bộ kỹ thuật Cty CP Sông Đà 9 kiểm tra chất lượng bê-tông RCC. Bài và ảnh: ÐỨC TUẤN |
Ban chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La vừa đưa ra ba phương án chuẩn bị cho việc chặn cống dẫn dòng, ngăn sông tích nước hồ thủy điện Sơn La vào năm 2010. Phương án ngăn sông lần cuối vào giai đoạn mùa nước kiệt sẽ bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả cao nhất, dự kiến vào tháng 4-2010. Vì vậy, mọi công việc trên công trình lúc này là cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ so với dự định ban đầu.
Chúng tôi có mặt trên công trường thủy điện Sơn La đúng vào lúc cơn lũ lớn đầu mùa ập về. Dòng nước hung dữ khự lại trên đoạn đê quai thượng lưu và khối bê-tông thân đập chính sừng sững chắn ngang dòng sông một cách vững chắc. Nước lũ đổ về chảy qua khối bê-tông thân đập chính R1 tại cao trình 126 m tung bọt trắng xóa. Ấn tượng nhất vào thời điểm này là tinh thần lao động khắc phục mọi khó khăn bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình của những công nhân lao động trên công trường thủy điện Sơn La. Sông Ðà đoạn chảy qua Pá Vinh, thuộc xã Ít Ong, huyện Mường La vốn im lìm, hoang vắng nay rầm rập xe, máy, thiết bị thi công vang vọng cả một vùng rừng núi. Ban đêm ánh lửa hàn của những người thợ ca ba rơi xuống lòng sông thành những vệt sáng dài, đèn pha công suất lớn cảm giác như nơi đây không ngủ.
Công trình thủy điện Sơn La khởi công ngày 2-12-2005, dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010, hoàn thành vào năm 2012. Nhà máy có sáu tổ máy, công suất 2.400 MW, sản lượng điện hằng năm khoảng 10.246 tỷ kW giờ. So với Nhà máy thủy điện Hòa Bình, việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, chủ yếu thi công bằng thiết bị máy móc. Ðặc biệt, lần đầu áp dụng công nghệ đổ bê-tông đầm lăn (RCC) với khối lượng lớn hàng triệu m3 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công. Công trình thủy điện Sơn La do Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Sông Ðà làm tổng thầu, với tổ hợp bốn nhà thầu thành viên. Riêng Tổng Công ty Sông Ðà đã huy động vào công trình này hàng chục đơn vị có năng lực và kinh nghiệm đảm nhận phần lớn khối lượng công việc. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các Tổng công ty Trường Sơn, Licogi, Lilama và các nhà thầu phụ.
Tháng 7, mùa hè ở Tây Bắc nắng oi ả, những cơn mưa rừng bất chợt ập đến, nhưng các đơn vị thi công vẫn bám kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ. Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Ðà, Giám đốc Ban Ðiều hành tổng thầu dự án Nguyễn Kim Tới là người có mặt trên công trình từ ngày đầu, đã giới thiệu cho chúng tôi về nhà máy, các mục tiêu cơ bản trong năm 2009 và yêu cầu tiến độ cho đến khi tổ máy đầu tiên phát điện. Quả là một khối lượng công việc khổng lồ, nếu không có bản kế hoạch chi tiết và việc tổ chức điều hành thật khoa học thì chỉ riêng giải quyết khó khăn vướng mắc giữa các đơn vị thi công đã không đủ thời gian, nhưng tất cả đã được tính toán, trù liệu một cách chủ động. Tại cao trình 213,3 m là nơi thân đập cao nhất bên bờ trái hiện nay Công ty TNHH một thành viên 908 đang gấp rút thi công đổ bê-tông RCC đến cao trình 227,1 m và độ cao cuối cùng mặt đập đạt 228,1 m. Như vậy, theo mặt cắt ngang đập có hình thang, đỉnh mặt đập rộng 10 m, chiều cao đập 138,1 m, chiều dài đập từ bờ trái sang phải dài 961 m. Công ty đang phấn đấu sẽ hoàn thành đổ 55.000 m3 bê-tông RCC hoàn thành trước ngày 30-7.
Từ xa hình hài nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông-Nam Á đang dần hiện lên rõ nét, từng hạng mục chính cũng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Ðến nay, cả 6 đường ống áp lực đều đang được triển khai lắp đặt. Riêng đường ống áp lực số 1,2,3 có sáu phân đoạn nay chỉ còn phân đoạn 3 (khoảng 6 đốt ống) sẽ cơ bản hoàn thành và bàn giao trong tháng tới. Ðường ống áp lực được làm bằng thép, đường kính 10,5 m được hàn khớp nối có tác dụng dẫn nước tạo áp lực làm quay tua-bin phát điện. Ðể tổ máy số 1 phát điện đúng kế hoạch, các anh ở phòng kỹ thuật Ban Ðiều hành cho biết: Từ nay đến cuối năm, phải tiến hành đổ bê-tông chân buồng xoắn và giếng tua-bin đến độ cao 112,25m, đầu năm 2010 sẽ tổ hợp Stato trên côn máy phát và tổ hợp Rôto tại sàn cao độ 118 m. Nếu không có gì thay đổi, mục tiêu phát điện tổ máy số 1 sẽ được thực hiện vào cuối năm 2010.
Sau sáu năm bắt tay vào tổ chức thi công, để giúp chúng tôi nắm bắt được phong trào thi đua trên công trường, đồng chí Vũ Tiến Lăng, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Sông Ðà phụ trách khu vực Tây Bắc, cho biết: Từ nhiều năm nay, các đơn vị thi công trên công trường thủy điện Sơn La luôn coi công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh hoạt động công đoàn, tạo ra nhiều phong trào thi đua là một trong những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ. Mở đầu năm 2009, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, ngày 11-1-2009, Tổng công ty Sông Ðà đã phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao Ðộng tiến hành tổng kết đợt thi đua nước rút 335 ngày đêm năm 2008, phát động thi đua năm 2009 với chủ đề: "Bảo đảm chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ". Ðây là năm thứ ba liên tiếp thực hiện hình thức thi đua liên kết này. Ngay trong tháng 6, để động viên, khích lệ cán bộ, CNVCLÐ tích cực đợt tham gia thi đua hoàn thành các hạng mục công trình vượt lũ năm 2009 đã có 28 tập thể và cá nhân được nhận phần thưởng thi đua đột xuất. Qua chấm điểm, theo dõi thi đua tại các đơn vị, dự kiến năm 2009 sẽ khen thưởng khoảng 2.000 cá nhân và 80 tập thể. Khi chúng tôi đến, công trường vừa kết thúc thành công Hội diễn văn nghệ quần chúng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, gồm 10 đơn vị tham gia với gần 400 diễn viên là CNVCLÐ. Kết quả giải nhất thuộc về Công ty cổ phần Sông Ðà 5, giải nhì là Công ty cổ phần Sông Ðà 10 và giải ba thuộc về Ban điều hành. Các đơn vị sẽ chọn các tiết mục tiêu biểu tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng Tổng Công ty sông Ðà diễn ra ngày 25-7 tại Hà Nội. Các hoạt động văn hóa-văn nghệ đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CNVCLÐ trên công trường, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cao. Trên công trường đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, như: Ninh Xuân Trưởng, kỹ sư thủy lợi; Vũ Văn Giới, thợ hàn của công ty cổ phần Sông Ðà 5; Nguyễn Thông Hoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sông Ðà 7; Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lilama 10; Ðới Văn Thỏa, đội trưởng, Nguyễn Văn Quyên, kỹ sư trưởng thuộc Tổng Công ty Licogi, v.v. Cũng qua phong trào thi đua Ban công tác đảng công trường, tổ chức cơ sở đảng các đơn vị trên công trường đã lựa chọn, giới thiệu được 231 đối tượng đảng, năm 2008 kết nạp được 80 đảng viên mới, sáu tháng đầu năm 2009, toàn công trường đã kết nạp 64 đảng viên mới.
Được biết, gắn liền với những thành quả lao động sáng tạo trên công trình trọng điểm quốc gia, hiện nay Tổng Công ty Sông Ðà đang tiếp tục có nhiều biện pháp duy trì phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh Cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trên công trường thủy điện Sơn La.
Từ công trường, nhìn xuống dòng nước sông Ðà mùa này đang cuộn đỏ phù sa "chảy qua khối bê-tông thân đập chính". Chẳng bao lâu nữa từ dòng nước ấy sẽ sinh ra nguồn năng lượng đóng góp vào sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Thành quả có mồ hôi, công sức của những người công nhân lao động trên công trình thủy điện Sơn La.