Ta về ngăn sông Đà
Mùng 7 Tết Nhâm Thìn. Giữa lúc ở Hà Nội đang mưa rét thì ở đoạn sông Đà chảy qua xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, trời nắng chang chang. Nước sông Đà đen thẫm, trong veo, làm nổi bật màu nâu đỏ của hai bờ sông Đà và những khối bê tông đồ sộ của cống và kênh dẫn dòng.
Kỹ sư Lương Chí Nam, Phó Giám đốc Ban điều hành tổng thầu dự án thủy điện Lai Châu (Tập đoàn Sông Đà) cho biết: công trường chỉ nghỉ chiều 29 Tết. 9 giờ sáng 1 Tết là ra quân. Đối với nhiều đơn vị, đặc biệt là bộ phận bê tông, đã làm liên tục cho đến hết khối đổ mới dừng.
Trên công trường lại vang lên bài ca “Ta về ngăn sông Đà”… Việc mở rộng lòng sông phía bờ trái, đoạn vai đập dâng đã hoàn thành. Phía bờ phải, hố móng kênh dẫn dòng và cống dẫn dòng đã xong. Các công ty Sông Đà 6 - 6 - 7 đang tập trung đổ bê tông.
Những cán bộ đang bàn bạc các phương án thi công trên công trường.
Tôi lướt qua vài con số: đào đất đá hố móng: 10,9 x 106m3, đạt 88% kế hoạch; đắp đất đá: 0,8 x 106m3 (đạt kế hoạch); bê tông cống dẫn dòng 84.1 x 103m3 (đạt hơn 52% kế hoạch). Cả một dải núi hai bờ sông Đà đã bị vạt đi, nhường chỗ cho những công trình phục vụ ngăn sông đợt 1 vào cuối tháng 3 này.
Nguyễn Văn Viễn, đội trưởng, xí nghiệp Sông Đà 604 bộc bạch: công việc của đội tôi hàng ngày là lo cho các thiết bị xe máy chạy đều. Cũng đi nhiều công trường rồi, nên việc Tết đến vẫn làm cũng bình thường thôi. Với chúng tôi, một ngày khô nắng là một ngày vui.
Lê Đình Thao, quê Đô Lương (Nghệ An), kỹ sư trẻ mới ra trường được 2 năm, cũng là 2 năm thử sức trên công trường Lai Châu, tâm sự: “Tết này là Tết đầu tiên ăn Tết xa nhà và cũng là năm đầu tiên đón xuân trên công trường. Lúc đầu cũng băn khoăn: không hiểu Tết công trường là thế nào? Hóa ra vui quá. Ăn Tết tập thể: mổ lợn, gói bánh chưng, đốt lửa trại liên hoan văn nghệ. Rồi đi làm. Ngày mùng 1 xe máy chạy rầm rập. Thoáng một cái, nỗi cô đơn, nhớ nhà bay sạch”. Đang trò chuyện cùng Thao ở đoạn đầu cống và kênh dẫn dòng bờ phải, chợt chúng tôi thấy từ trên vách đá cao, một mảng đất đá ào ạt đổ xuống. Theo kỹ sư Dương Chí Nam: đây là một khối sạt trượt ngoài dự tính, khối lượng lớn, việc khắc phục gặp nhiều khó khăn, mặt bằng thi công chật hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến việc đổ bê tông tường thượng lưu và cửa vào cống dẫn dòng.
Thấy nhiều đoạn hố móng còn đọng nước, có đoạn nước sông Đà vẫn rỉ vào, tôi hỏi Lương Chí Nam: sao vậy? Lương Chí Nam giải thích: thủy điện Lai Châu xây dựng khi hồ thủy điện Sơn La đã tích nước. Trong phương án thi công có việc đắp đê quây ngăn nước sông Đà, để đào và đổ bê tông kênh và cống dẫn dòng. Lẽ ra nước lòng hồ phải cạn thêm vài ba mét nữa. Nhưng có lẽ để tận dụng nguồn điện của các tổ máy Sơn La, mà ngành điện giữ mực nước phía thượng lưu hơi cao. Việc này gây nhiều khó khăn cho việc thi công.
60 ngày đêm là thời gian từ nay đến ngày chặn dòng. Người xây dựng thủy điện Lai Châu gọi mùa Xuân này là “mùa chặn dòng”.
Vượt qua khó khăn
Tôi gặp thạc sĩ, Giám đốc Công ty Sông Đà 908 Nguyễn Văn Cường trên mặt đê quây. Cường đang theo dõi việc nạo vét đất bùn trong lòng cống.
Năm qua, Sông Đà 908 đã hoàn thành việc đào hố móng kênh và cống dẫn dòng. Chuẩn bị cho việc ngăn sông, Sông Đà 908 phải đào 1 triệu m3 đê quai giai đoạn 2, dỡ đê quai giai đoạn 1; đào 2,4 triệu m3 hố móng vai trái cửa nhận nước. Hiện 908 đang chuẩn bị thi công băng két lấp sông đê quây thượng và hạ lưu phục vụ việc ngăn sông. Mục tiêu mà Sông Đà 908 phải đạt được trong tháng 5 (2 tháng sau ngày chặn dòng) là hoàn thiện toàn bộ cả kênh và cống dẫn dòng. 908 đã điều một lực lượng thiết bị hùng hậu gồm 34 máy xúc, 17 máy ủi, từ 100 đến 130 ô tô vận tải nặng… đến công trường.
Trên hiện trường lúc này mới hình thành vài đoạn kênh dẫn dòng và cống dẫn dòng. Cả một khối lượng bê tông khổng lồ phải đổ xuống mà thời gian thì không chờ đợi ai.
Một đặc điểm dễ nhận ra của người Sông Đà trên các công trình xây dựng thủy điện là tinh thần vượt khó. Sự cố sạt trượt hố móng bờ phải tháng 3 năm ngoái gây nhiều khó khăn cho công trường. Thêm vào đó là vốn thiếu. Cũng không ai nghĩ là ở một công trường trọng điểm quốc gia, giám đốc Ban điều hành tổng thầu dự án phải khất nợ nhiều đơn vị thi công, nhiều đầu mối cung cấp xi măng, sắt thép, xăng dầu. Tình trạng ấy kéo dài nhiều tháng khiến công trường, dù không muốn, có thời gian phải làm cầm chừng. Bởi vậy, hoàn thành nhiệm vụ ngăn sông đợt 1 thủy điện Lai Châu vào cuối tháng 3 là hết sức căng thẳng. Kỹ sư Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban điều hành khẳng định: Chúng tôi nhận thức được rằng nếu cuối tháng 3 năm nay không ngăn sông được, công trường sẽ chậm tiến độ cả năm. Cho nên, Tập đoàn Sông Đà, Ban Điều hành dự án huy động mọi lực lượng thiện chiến nhất cho công trường. Kỹ sư Nguyễn Đình Thực, Trưởng phòng Kỹ thuật, bổ sung thêm: Chỉ mong chủ đầu tư sớm phê duyệt và cung cấp kịp thời bản vẽ thiết kế khoan phun chống thấm nền đập, sơ đồ tối thiểu ngăn sông đợt 1, bản vẽ thiết kế đê quai giai đoạn 2.
Vĩ thanh
Rời công trường Lai Châu, chúng tôi về Mường La, nơi có thủy điện Sơn La. Trời không nắng nên nhìn toàn bộ công trình: từ đập dâng đến đập tràn xả lũ, khu vực nhà máy thật lạnh. Công trường vắng teo. Năm nay, nhiều đơn vị trên công trường được nghỉ Tết. Tập trung quân sớm nhất là 700 kỹ sư, công nhân viên của Công ty Cổ phần Lắp máy 10 (LILAMA10). Trong gian máy, bánh xe công tác của tổ máy số 6 đứng sừng sững. Cạnh đó là Rô to của tổ máy số 5 đã hoàn thành 80% việc lắp đặt. Kỹ sư Nguyễn Đình Tình, Giám đốc Chi nhánh LILAMA10 Sơn La cho biết: Cuối tháng 4 có thể phát điện tổ máy số 5, còn tổ máy số 6 sẽ phát điện vào tháng 8.
Nguyễn Đình Tình ra trường đã 11 năm. Từng tham gia lắp đặt nhiều nhà máy nhiệt điện. Với việc Tình được điều lên Sơn La chỉ huy lắp đặt 2 tổ máy còn lại, chúng tôi hiểu nhiệm vụ chỉ huy lắp đặt 3 tổ máy của thủy điện Lai Châu được trao vào tay Tình.
Và đây có lẽ là điều ngạc nhiên thú vị nhất trong chuyến đi công trường đầu Xuân này của chúng tôi: Tình còn trẻ, mới 37 tuổi. Thoạt đầu mới gặp, ít ai nghĩ đây là người đảm nhiệm vai trò người đứng đầu một công trường lắp máy quan trọng như vậy. Câu chuyện của Tình cũng giống nhiều kỹ sư trẻ dám dấn thân khác: đi công trường và sớm trưởng thành. Điều quan trọng nhất là dám đi.
Với thủy điện Lai Châu, những người thợ Sông Đà đã hoàn thành giấc mơ chinh phục dòng sông Đà của cha ông. Từ thủy điện Hòa Bình - một Điện Biên Phủ trên mặt trận kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, đến thủy điện Sơn La - Lai Châu, cả vài thế hệ những người lao động quên mình vì dòng điện của Tổ quốc đã trưởng thành.
Chưa phải là lúc ca khúc khải hoàn, nhưng đầu Xuân Nhâm Thìn này, chúng tôi muốn nói lời tri ân với họ./.