Sự kiện

NPT nỗ lực ổn định tổ chức, đảm bảo sản xuất

Thứ năm, 23/10/2008 | 09:23 GMT+7
Nhanh chóng ổn định tổ chức, từng bước hoàn thành tiếp nhận bàn giao chức năng nhiệm vụ và tài sản từ EVN, đảm bảo kế hoạch sản xuất, truyền tải điện an toàn, liên tục… là những kết quả quan trọng bước đầu của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) sau hai tháng chính thức đi vào hoạt động.

 

Từng bước ổn định

Mặc dù thời gian “thai nghén” cho sự ra đời của NPT đã kéo dài từ nhiều tháng trước, song đến thời điểm ấn định ngày chính thức vào hoạt động điều hành thì khoảng thời gian này còn lại không nhiều. Ban lãnh đạo NPT vừa phải tích cực tiếp nhận bàn giao tài sản, nhân lực từ EVN và các đơn vị thành viên, song vẫn đảm bảo sản xuất bình thường, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và các điều kiện đáp ứng yêu cầu hoạt động sau ngày ra mắt. Nhờ vậy, đến nay cơ cấu tổ chức của NPT đã cơ bản hoàn thiện với 9 phòng ban chức năng, phân định rõ nhiệm vụ giữa các thành viên trong Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, quan hệ giữa Hội đồng thành viên với Ban Tổng giám đốc và chức năng nhiệm vụ của các ban… Ðồng thời, tiếp tục triển khai công tác tiếp nhận thêm lực lượng lao động từ các đơn vị và triển khai thực hiện các công tác theo Ðiều lệ hoạt động đã được Tập đoàn phê duyệt.

Mặt khác, NPT cũng đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao chủ đầu tư và uỷ quyền thực hiện các thủ tục đối với các dự án vay vốn ODA; chuẩn bị kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng; cân đối vốn đầu tư đến năm 2015 và đăng ký vốn vay cho các dự án đầu tư xây dựng lưới điện mới… Hiện NPT đã ký hợp đồng vay vốn với Công ty cổ phần Tài chính Ðiện lực trị giá 375 tỷ đồng và đang triển khai thủ tục vay 800 tỷ đồng từ Ngân hàng Ðầu tư phát triển Việt Nam. Song vướng mắc lớn nhất cần sớm được tháo gỡ đối với NPT hiện nay chính là việc triển khai vay vốn đầu tư cho lưới điện. Theo Ban Kế hoạch NPT, sau khi cân đối vốn vay nước ngoài 2.401 tỷ đồng, vốn tín dụng ưu đãi 183 tỷ đồng, vốn tín dụng thương mại 918 tỷ đồng (đã ký hợp đồng) thì trong năm 2008, NPT cần phải huy động thêm 3.892 tỷ đồng từ các nguồn khác. Trong khi nguồn vốn tự có của NPT tính đến thời điểm này chỉ có 2.270 tỷ đồng, nên số vốn cần huy động thêm trong năm nay khoảng 1.622 tỷ đồng. Song, do NPT mới chính thức hoạt động, một số chức năng chưa được EVN chuyển giao đầy đủ… nên việc triển khai vay vốn rất khó khăn và đã trực tiếp ảnh hưởng tới tiến độ một số công trình lưới đồng bộ nguồn trọng điểm như: Ðường dây 220 kV A Vương 1- Hòa Khánh (nhận điện nhà máy thuỷ điện A Vương); đường dây 220 kV Sê San 4- Plâyku (đóng điện cho Nhà máy thuỷ điện Sê San 4); đường dây 220 kV Buôn Kuốp – Krôngbuk (đóng điện cho Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp)…

Ðảm bảo sản xuất

Song song với việc ổn định tổ chức, NPT cũng nhanh chóng ổn định sản xuất với sản lượng điện truyền tải trên lưới 220 kV trong tháng 8 ước đạt 6,3 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất ước khoảng 1,8%, nâng tổng sản lượng điện truyền tải 8 tháng năm 2008 đạt 47,667 tỷ kWh, bằng 80,68% kế hoạch được giao. Ông Nguyễn Hà Ðông, Tổng giám đốc NPT cho rằng: Trước bộn bề khó khăn của một đơn vị mới ra đời, thì kết quả này là sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của tập thể cán bộ công nhân viên từ các đơn vị thành viên đến cơ quan Tổng công ty, đặc biệt là lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý vận hành lưới điện.

Mặt khác, để đảm bảo khả năng truyền tải của lưới điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của phụ tải, ngay sau khi tiếp nhận công việc, lãnh đạo và các ban chức năng NPT đã tăng cường công tác kiểm tra tiến độ các dự án, nhất là các công trình trọng điểm lớn như: Trạm 500 kV và đường dây 500 kV đấu nối vào từ Nhà máy Thuỷ điện Sơn La vào Trạm 500 kV Sơn La, Trạm 500 kV Hiệp Hoà-Bắc Giang… Ðồng thời, NPT cũng chỉ đạo Ban Ðầu tư Xây dựng đôn đốc tiến độ và giải quyết nhanh các công việc liên quan đến các đường dây: 220 kV Quảng Ninh-Hoành Bồ, Quy Nhơn-Tuy Hoà, Nhơn Trạch-Nhà Bè; các trạm 500 kV Dốc Sỏi, 220 kV Tuy Hoà, Hoành Bồ; thẩm tra và trình duyệt các dự án đầu tư công trình đấu nối 220 kV Huội Quảng, Bản Chát, tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp đường dây 500 kV Sơn La-Hoà Bình, Sơn La-Nho Quan, đường dây 500 kV Quảng Ninh-Mông Dương; xem xét hạ ngầm đường dây 220 kV Hà Ðông-Thành Công (đoạn chạy qua dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn)…

Phía trước còn nhiều việc phải làm, song những kết quả đã đạt được trong thời gian qua đã minh chứng cho sự nỗ lực rất lớn của NPT, tạo tiền đề tích cực để NPT tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư, quản lý vận hành hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia. Tuy nhiên, để giải quyết được những vướng mắc hiện nay, NPT rất cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ EVN và các bộ ngành, địa phương.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam gồm 4 Công ty Truyền tải (1, 2, 3, 4) và 3 Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam. Hiện, NPT đang quản lý vận hành trên 8.500 km đường dây 220 kV - 500 kV và hơn 21.000 MVA dung lượng máy biến áp. Lực lượng CBCNV-LÐ khoảng 6.500 người.

Theo TCĐL số 9/2008