Nâng cao hiệu quả quản lý trạm biến áp 110kV

Thứ hai, 11/3/2013 | 13:27 GMT+7
Gần 1 năm qua, từ khi đề tài khoa học “Nghiên cứu giao thức IEC 60870-5-101 và ứng dụng xây dựng phần mềm trích xuất tín hiệu RTU tại các trạm biến áp 110kV” của nhóm tác giả gồm các kỹ sư trẻ của các ban chức năng thuộc ngành Điện miền Trung được triển khai thực sự tạo ra những đột phá trong công tác quản lý.


Kiểm tra, hiệu chỉnh các thiết bị tại các tủ điều khiển các trạm điện.

Từ khi đề tài này được áp dụng và sản xuất, công tác vận hành đã có những chuyển biến tích cực, sự cố đường dây đã giảm nhiều so với trước, góp phần quan trọng vào việc cấp điện ổn định trong khu vực. Hệ thống lưới điện 110kV do Tổng Công ty Điện lực miền Trung  quản lý đã phát triển rộng khắp trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên với tổng cộng 64 trạm biến áp 110kV. Sự cần có một giải pháp kết nối và hiển thị các thông số vận hành trên máy tính tại phòng vận hành trạm biến áp 110kV để quản lý là một nhu cầu bức xúc. Thách thức đối với nhóm nghiên cứu là công nghệ của các thiết bị hiện tại vừa lạc hậu, xây dựng qua nhiều giai đoạn vừa không đồng nhất, trong đó có những thiết bị không còn sản xuất và lưu hành trên thị trường. Các thiết bị đầu cuối RTU này chỉ được đầu tư cổng kết nối về Trung tâm Điều độ miền Trung, không được đầu tư cổng kết nối hỗ trợ giám sát tại trạm và truyền tín hiệu về đơn vị quản lý.

Trước khi hoàn chỉnh đề tài, rất nhiều phương án được các đơn vị, các ban chức năng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung đưa ra. Nhưng vấn đề chung của các giải pháp là kinh phí đầu tư quá lớn, gây gián đoạn cung cấp điện trong quá trình thi công và không làm chủ được công nghệ, do đó rất khó áp dụng vào thực tiễn. Vì thế, Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu giao thức IEC 60870-5-101 và xây dựng phần mềm trích xuất tín hiệu RTU tại các trạm 110kV” đã giải quyết được vấn đề đặt ra. Sau một thời gian khẩn trương thực hiện đề tài với quyết tâm làm chủ công nghệ, từ nghiên cứu lý thuyết giao thức truyền tin IEC đến khảo sát thiết kế phần cứng bộ chia tín hiệu, thiết kế phần mềm giám sát lưới điện 110kV, đề tài đã được Hội đồng khoa học Tổng Công ty đánh giá cao và nhanh chóng được áp dụng và triển khai trên toàn hệ thống.

Nhờ đề tài này, việc quản lý vận hành thủ công được thay thế hoàn toàn bằng phần mềm CPC Monitoring (tự động). Số liệu đo lường cũng như trạng thái thiết bị được cập nhật và lưu trữ liên tục, phục vụ công tác phân tích đánh giá hiện trạng lưới điện, xây dựng kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới một cách phù hợp (trước đây, toàn bộ các số liệu đo lường, thông số trạng thái thiết bị trong TBA 110kV được thu thập từ hệ thống SCADA đều được truyền về Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) hoàn toàn không có giải pháp chia sẻ các thông tin này với đội ngũ nhân viên vận hành của TBA và đơn vị quản lý vận hành lưới điện 110kV).

Các cơ sở thu thập được từ quá trình nghiên cứu, phân tích là cơ sở để nghiên cứu phục vụ xây dựng các trung tâm thao tác, giám sát từ xa cũng như các hệ thống tự động hóa TBA trong tương lai. Ngoài ra, việc lựa chọn một giải pháp tối ưu về mặt kỹ thuật của đề tài đã giải quyết được bài toán tiết kiệm chi phí so với phương án cũ (đầu tư mua sắm trang bị mới RTU). Đặc biệt, việc áp dụng đề tài mở rộng, nâng cấp thiết bị phù hợp với nhu cầu quản lý và vận hành không phụ thuộc vào nhà sản xuất, chuyên gia nước ngoài. Quan trọng hơn là đã tự chủ được về kỹ thuật, công nghệ và bảo đảm cung cấp thông tin minh bạch giữa các thành phần tham gia quản lý lưới điện 110kV như: Trực vận hành trạm, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung và Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung.

Từ thành công đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã quyết định ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài này vào việc lắp đặt cho tất cả các TBA 110kV đang quản lý trên toàn hệ thống của Tổng Công ty. Đến ngày 26-12-2012 tại tất cả các trạm biến áp đã được hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành đem lại hiệu quả rõ rệt.
Theo: Báo ĐT Đà Nẵng