Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang
EVN đóng vai trò “bà đỡ”
Cho đến thời điểm hiện nay, tổng công suất đặt toàn hệ thống điện Việt Nam là 15.697MW tăng 16,16% so với năm 2007 (13.512MW). Trong đó, tổng công suất đặt của các nhà máy điện thuộc EVN là 10.128MW (chiếm 64,52%); tổng công suất đặt của các nhà máy điện ngoài EVN LÀ 5.569MW (chiếm 35,48%).
Theo Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 19-9-2008 của Văn phòng Chính phủ, dự kiến công suất đặt toàn hệ thống đến năm 2015 là 51.032MW tăng 277.68% so với năm 2007, trong đó, tổng công suất đặt của các nhà máy điện thuộc EVN chiếm 49,679% và tổng công suất đặt của các nhà máy điện ngoài EVN chiếm 50,321%.
Với vai trò “bà đỡ” của thị trường phát điện cạnh tranh theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tại Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 25-7-2008), EVN đã nhóm các nhà máy điện trên quan điểm: EVN đóng vai trò chi phối các Tổng công ty phát điện (GENCO), đảm bảo các GENCO này có khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường phát điện, khi thị trường tiến tới cạnh tranh hoàn hảo, nhưng EVN sẽ giảm mức độ chi phối về vốn đối với các GENCO này. Việc nhóm các nhà máy điện sẽ đảm bảo các GENCO không giữ vai trò độc quyền đối với nguồn phát theo vị trí địa lý.
Lựa chọn phương án khuyến khích cạnh tranh
EVN đã xây dựng 3 phương án nhóm các nhà máy điện thành các GENCO, với mỗi phương án, các nhà máy thuỷ điện đa mục tiêu là Hòa Bình, Trị An, Ialy và Sơn La đều năm trong Công ty mẹ- EVN và do nhà nước sở hữu toàn bộ. Trên cơ sở các số liệu và phân tích các ưu nhược điểm của từng phương án, EVN kiến nghị chọn phương án thành lập 2 GENCO và các nhà máy được sắp xếp nhằm đạt được sự cân bằng về quy mô, công nghệ và vị trí địa lý từng vùng. Theo đó, GENCO 1 bao gồm 9 nhà máy điện đang vận hành và 16 nhà máy điện đang đầu tư; GENCO 2 gồm 5 nhà máy điện đang vận hành và 15 nhà máy điện đang đầu tư. Với việc nhóm các nhà máy điện như trên sẽ đảm bảo được năng lực cạnh tranh đủ tiềm năng về tài chính để đầu tư các nhà máy điện mới; công suất tương đương nhau; giá thành bình quân tương đương nhau; công nghệ phối hợp giữa thuỷ điện và nhiệt điện; tối ưu hóa việc khai thác nguồn khí; đảm bảo tính vận hành kinh tế của các nhà máy thuỷ điện trên cùng một dòng sông; địa bàn quản lý không phân biệt vùng miền./
Thanh Mai