Chuyển đổi số trong EVN

Ngành điện miền Bắc: Thành tựu bước đầu trên lộ trình chuyển đổi số

Thứ ba, 29/11/2022 | 09:55 GMT+7
Nhằm mang đến cho gần 11 triệu khách hàng chất lượng phục vụ tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã không ngừng thực hiện chuyển dịch doanh nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh và số hóa. 

Công tác vận hành và kiểm soát thông số lưới điện tại Trung tâm điều khiển xa, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc. Ảnh: PHÚC QUANG
 
Tới nay, EVNNPC đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu trên lộ trình chuyển đổi số.
 
Với mong muốn nâng tầm trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến, EVNNPC đã liên tục nâng cấp chất lượng dịch vụ thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng mang tên app EVNNPC CSKH.
 
Theo đó, thay vì phải đến các điểm giao dịch điện lực, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc thiết bị điện tử có kết nối internet, khách hàng có thể đăng ký và thực hiện toàn bộ giao dịch về điện theo phương thức trực tuyến. Khi sử dụng ứng dụng này, khách hàng không chỉ theo dõi chỉ số điện hằng ngày, tra cứu hóa đơn tiền điện hằng tháng, tra cứu lịch ngừng giảm mức cung cấp điện, thanh toán tiền điện trực tuyến, tự tính hóa đơn tiền điện mà còn có thể đăng ký và theo dõi tiến độ xử lý các dịch vụ điện một cách tiện lợi... 
 
Nhanh chóng hoàn tất các thủ tục mua điện để phục vụ sinh hoạt gia đình qua app EVNNPC CSKH, anh Nguyễn Văn Hậu ở tổ 17, khu 1A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Nhờ có ứng dụng này, tôi chỉ cần ngồi nhà đăng ký dịch vụ cấp điện mới, đồng thời có thể theo dõi tiến độ xử lý yêu cầu mua điện. Việc số hóa các dịch vụ của điện lực Quảng Ninh nói riêng, ngành điện miền Bắc nói chung không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng mà còn tiết kiệm chi phí, công sức của khách hàng. Đặc biệt, sự đổi mới mạnh mẽ của ngành điện miền Bắc phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hiện đại hóa các dịch vụ công, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế số, xã hội số".
 
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, cung cấp những giá trị mới cho khách hàng, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, EVNNPC xác định giai đoạn 2021-2022 là giai đoạn trọng tâm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số để sớm trở thành doanh nghiệp số. 
 
Chia sẻ với chúng tôi, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC chia sẻ: Trong các tổng công ty phân phối thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có thể nói, EVNNPC là đơn vị gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số. Với đặc thù là "cái nôi" của ngành điện nên nhiều tài sản của EVNNPC được đầu tư từ rất lâu năm với công nghệ cũ, không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật khi ứng dụng công nghệ thông tin; nhiều tài sản được tiếp nhận từ các tổ chức ngoài ngành điện với hệ thống lưới điện cũ kỹ, không đạt những yêu cầu về kỹ thuật vận hành. Cùng với đó, địa bàn hoạt động của tổng công ty trải rộng trên 27 tỉnh, thành phố phía Bắc-là khu vực hứng chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Hơn 74% khách hàng của EVNNPC thuộc khu vực nông thôn, miền núi, chưa có thói quen sử dụng, trải nghiệm các ứng dụng số cũng là thách thức không nhỏ của tổng công ty trên lộ trình số hóa. “Thế nhưng, nếu vì khó mà chùn bước, EVNNPC sẽ tụt hậu. Tại EVNNPC, chuyển đổi số được xác định là một quá trình liên tục và phát triển theo từng giai đoạn bằng cách mở rộng phạm vi hoặc nâng cao, cải tiến hơn ở một cấp độ mới”, bà Đỗ Nguyệt Ánh cho biết.
 
Trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện đề án chuyển đổi số của EVN, kế hoạch chuyển đổi số của tổng công ty, 100% các đơn vị trong EVNNPC đã xây dựng kế hoạch riêng phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, đồng thời thành lập, kiện toàn tiểu ban chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. EVNNPC cũng đã tổ chức chương trình đào tạo nhận thức chuyển đổi số cho các cán bộ quản lý, điều hành của tổng công ty, các công ty điện lực và các điện lực. Đến hết tháng 10-2022, EVNNPC đã cơ bản hoàn thành 11/11 nhiệm vụ chuyển đổi số EVN giao chung các tổng công ty thực hiện giai đoạn 2021-2022; cơ bản hoàn thành 7/12 nhiệm vụ do tổng công ty đăng ký với EVN giai đoạn 2021-2022.
 
Đây đều là những lĩnh vực quan trọng trong công tác quản trị, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng của ngành điện như: Dự án phần mềm quản lý máy biến áp; phần mềm tính toán tổn thất điện năng lưới điện; số hóa phần lớn hồ sơ trong lĩnh vực tài chính-kế toán; đấu thầu qua hệ thống điện tử; quản lý dự án, hồ sơ điện tử; ứng dụng các công nghệ mới trong khảo sát, thiết kế, văn phòng số, quy trình nội bộ, hệ thống báo cáo điều hành... Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, EVNNPC cũng đã làm chủ công nghệ tự động hóa trạm biến áp 110kV, thực hiện vận hành trạm biến áp không người trực. Tới nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử toàn tổng công ty đạt hơn 99,45%; tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt khoảng 82%, vượt so với chỉ tiêu EVN giao; doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt hơn 95%.
 
 
Theo: QĐND