Nghệ An - Hà Tĩnh: Tiêu thụ điện hộ gia đình tăng 30% do nắng nóng, dịch bệnh

Thứ ba, 17/8/2021 | 14:19 GMT+7
Mùa nắng nóng năm nay lại trùng với thời điểm bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà tĩnh đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, do vậy nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt của người dân tăng vọt.
 
Để giảm hao phí điện năng, đội ngũ công nhân điện lực tại Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra, xử lý các sự cố tại các trạm biến áp cũng như hệ thống đường dây.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Lợi - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An (CP Nghệ An), cao điểm nắng nóng của miền Trung năm nay tập trung từ tháng 6 đến tháng 8, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hộ gia đình ở nhà nhiều hơn nên mức tiêu thụ điện tăng từ 30% trở lên.
 
Báo cáo của PC Nghệ An cho thấy, hiện đơn vị đang quản lý và bán điện tổng số 1.031.000 khách hàng, trong đó số khách hàng mua điện sinh hoạt lên đến 909.505 khách hàng, chiếm tỉ trọng 88%. Sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 6, 7/2021 toàn tỉnh là 794 triệu kWh, tăng 4,2% so với cùng kỳ: Trong đó điện năng tiêu thụ cho mục đích sinh hoạt là 366 triệu kWh, chiếm tỉ trọng 46% và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
 
“Nắng nóng cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường, nhiều khu vực bị phong tỏa, các nơi đều thực hiện giãn cách, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết nên mọi hoạt động hầu như chỉ tập trung tại hộ gia đình, học sinh học trực tuyến tại nhà, mọi người làm việc online nên việc hóa đơn tiền điện tăng cao là điều khó tránh khỏi...”, ông Nguyễn Xuân Lợi chia sẻ.
 
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, các tỉnh Bắc Trung bộ tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ, nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn từ 1 - 2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong thời gian vừa qua.
 
Để hóa đơn tiền điện bớt “nóng” theo mùa nắng nóng và mùa dịch Covid-19, mỗi gia đình nên sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ông Lê Nam Hùng - Trường phòng kinh doanh điện lực Nghệ An - cho rằng, những nguyên nhân khiến mức tiêu thụ điện tăng chủ yếu do các gia đình sử dụng các thiết bị làm mát, nhất là điều hòa không khí. Đây là thiết bị tiêu thụ điện lớn trong gia đình. Chưa kể yếu tố môi trường với nền nhiệt tăng cũng khiến cho mức tiêu thụ điện tăng. Chẳng hạn, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1độ C thì tiêu thụ điện tăng từ 2 – 3% tuỳ từng loại điều hòa sử dụng; nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Thời tiết càng nóng, càng dùng nhiều điều hòa thì tiền điện càng cao.
 
Ông Hùng cũng khuyến cáo, khi bật điều hoà chỉ nên đặt ở mức 27 độ C trở lên và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ. Không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, bếp đun điện… để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với ngày bình thường. Cùng với đó, phải nâng cao nhận thức, tạo thói quen, kỹ năng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cho các thành viên trong mỗi gia đình, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng hướng tới mục tiêu “Nhà nhà tiết kiệm điện, người người tiết kiệm điện”.
 
Còn tại Hà Tĩnh, theo ngành điện tỉnh này, trong vòng 7 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm đạt 674,394 triệu kWh, tăng 6,22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thương nghiệp dịch vụ tăng 3,72%, quản lý tiêu dùng tăng 4,38%.
 
Ông Phan Văn Anh - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh - cho hay, trong tháng 8 trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục xảy ra các đợt nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng sẽ tăng cao. Do vậy, ngành điện yêu cầu các đơn vị tuân thủ nghiêm túc việc ghi chỉ số công tơ theo đúng lịch đã phê duyệt, tăng cường việc kiểm tra, phúc tra chỉ số, kiểm soát chặt chẽ công tác tính toán, phát hành hoá đơn tiền điện, không để sai sót dẫn đến khiếu kiện của khách hàng. Bố trí đầy đủ nhân lực tham gia tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh của khách hàng về hoá đơn tiền điện tăng cao qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông…
 
Ngành điện Hà Tĩnh cho biết, với số công tơ là 457.097, trong đó số khách hàng được lắp đặt công tơ điện tử là 259.167, chiếm 56,7%. Trong 4 tháng cuối năm, ngành điện dự kiến lắp đặt bổ sung 109.000 công tơ điện tử có chức năng đo xa, qua đó nâng tỷ lệ công tơ điện tử lên khoảng 80% trên tổng số công tơ bán điện. Và phấn đấu đến nửa đầu năm 2022 sẽ lắp đặt 100% công tơ điện tử có chức năng đo xa. Việc lắp đặt công tơ điện tử có độ chính xác cao hơn, công suất tiêu thụ của bản thân công tơ thấp dẫn đến tiết kiệm điện năng. Đồng thời áp dụng công tơ điện tử còn cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng, cung cấp đầy đủ công cụ để khách hàng tự kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng.
 
“Với công tơ điện tử đo xa, việc ghi chỉ số hàng tháng sẽ nhanh hơn rất nhiều so với ghi thủ công. Từ đó công tác tính hóa đơn tiền điện được thực hiện kịp thời. Việc ứng dụng công nghệ ghi chỉ số công tơ từ xa còn giúp cán bộ, công nhân ngành điện đảm bảo an toàn lao động trong quá trình ghi chỉ số và quản lý công tơ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp", ông Phan Văn Anh cho biết thêm.
 
Theo: Báo Công thương