Một ngày làm việc của tôi gồm 8 tiếng chia làm 3 ca, mỗi ca hai người (trực chính và trực phụ). Dân vận hành quen gọi là ba ca, bốn kíp. Công việc hàng ngày là kiểm tra, quản lý thiết bị của trạm, báo cáo, xử lý khi có sự cố, thực hiện thao tác theo lệnh, ghi chép sổ sách, chốt sản lượng… Người ngoài nhìn vào không phải làm giờ hành chính, nghĩ rằng sướng. Thực tế thì những người đi ca có cái khổ riêng. Đó là thời gian làm việc trái với chu kỳ sinh lý bình thường của con người. Đôi lúc nghĩ buồn cười khi buổi tối nhận được lời chúc ngủ ngon, nhưng đâu có được ngủ mà phải chuẩn bị vào ca. Sáng sớm, mọi người đón chào một ngày mới với bao điều mới đang đợi thì người đi ca lại vùi vào giấc ngủ. Có người cho rằng “Nghề vận hành tỷ phú về thời gian”. Thực tế không phải vậy! Để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định, biết bao công việc không tên phải làm. Những hôm bị sự cố, thí nghiệm định kỳ hay vệ sinh công nghiệp, công việc càng nhiều hơn, vất vả hơn.
Chỉ thương cánh nam nhi, thỉnh thoảng có tiệc vui cũng không được uống hết mình. Chỉ cần có mùi rượu bia là không giao ca, cho nghỉ luôn vận hành. “Đôi khi bạn bè trách tưởng mình kiếm cớ sao không nhiệt tình, công việc sao mà khắt khe thế. Cũng kệ thôi, nghề mình vậy mà”- anh Lê Văn Sơn (Công nhân trực trạm 110 kV Phú Thọ) bày tỏ. Còn những trạm xa như trạm 110 kV Phố Vàng, Đồng Xuân chỉ có 6 người, ca kíp phải đi nhiều. Anh Nguyễn Quang Ngọc (công nhân trực trạm 110 kV Đồng Xuân) chia sẻ “Nhà cách trạm 50 km nhưng thời gian ở trạm nhiều hơn ở nhà”. Lên facebook xem những tấm hình của bạn bè đi tham quan, du lịch với cơ quan, với gia đình, nỗi buồn lại đến bất chợt. Công nhân trực vận hành vẫn còn nhiều thiệt thòi. Những dịp nghỉ lễ, hay những dịp cả nhà sum họp thì mình vẫn phải đi ca. Một bữa cơm thân mật đầy đủ tất cả anh em trong trạm cũng khó bởi ít nhất cũng “ thiếu hụt” hai người trực ca. “Bỏ gì thì bỏ, không được bỏ trạm mà”. Đôi lúc hài hước “Thôi bỏ vận hành, bỏ máy biến áp nhé” mà cười - Vì biết đó là điều không thể.
Ngành Điện có đặc thù riêng với những quy tắc nghiêm ngặt, đặc biệt là về an toàn, không cho phép nhầm lẫn. Công tác vận hành cũng vậy. Từ khi vào nghề, chúng tôi được rèn kỹ năng “Nhìn – nghe - ngửi”. Chỉ một tiếng động nhỏ, một mùi khét phải để ý ngay, bởi các thiết bị mình quản lý đang có vấn đề. Vào mùa quá tải, không chỉ 30 phút ghi lại thông số một lần, mà còn phải liên tục theo dõi dòng, công suất, kiểm tra thiết bị có vận hành bình thường? Có bị phát nhiệt? để có hướng đề xuất xử lý kịp thời. Nhớ hôm giờ cao điểm, dòng phụ tải tăng cao quá mức, báo cáo điều độ cắt bớt phụ tải, giảm công suất cho máy biến áp. Mẹ tôi từ Kỳ Anh gọi ra bảo “Bố cũng đang đi trực..., ở nhà lại mất điện rồi”. Thế mới biết, có phải người thợ điện nào cũng muốn cắt điện tùy tiện đâu, đôi khi chỉ là hoàn cảnh bắt buộc. Vất vả nhất là mùa mưa bão, lưới điện 110 kV nhảy, tiếng còi, chuông báo sự cố inh ỏi. Lúc ấy chẳng ai muốn đi ra giữa trời mưa to gió lớn, nhưng để có kết luận chính xác, người vận hành phải đội mưa ra ngoài trời kiểm tra thiết bị mình đang quản lý. Có hôm thật khó hiểu bởi tiếng chuông còi chạm đất kêu rú, rồi dừng. Mới bước chân ra khỏi phòng phân phối, tiếng chuông còi lại ầm ĩ. Tôi đùa, chắc thay tiếng chuông còi cho nó dễ chịu thì nhận được ngay lời trả lời từ người trực chính “Chuông còi chối tai vậy như thế mới báo động được chứ”.
Công việc thường ngày của những công nhân đi ca vận hành là vậy. Người ngoài cho rằng “Sao mà rắc rối thế”. Còn người trong ngành thì ai cũng thấu hiểu, để cung ứng nguồn điện liên tục, ổn đinh thì không hề đơn giản. Đi ca cũng có nhiều kỷ niệm, vui buồn duyên nợ với nghề, đúc rút những bài học, kinh nghiệm thực tế cho mình. “Viết gì thì viết, không được bỏ sót tinh thần tập thể của dân vận hành nghe”,_anh trạm trưởng nhắc nhở. Điều quan trọng vậy mà suýt nữa tôi quên. Trạm tôi đang làm chưa đến 10 người. Hoàn cảnh, đặc thù công việc gắn kết anh em. Mỗi khi có sự cố bất kể trời mưa, đêm tối hay đang bữa ăn, những công nhân ở dưới nhà nghỉ ca vội chạy lên giúp sức với người đang trực ca, nên sự cố nào cũng được xử lý nhanh gọn, đảm bảo an toàn.
Hôm nay, nhận những tấm ảnh về công nhân điện của người chú đang công tác ở Nhà máy Thủy điện Trị An với lời tâm tình “Chú trực một ca 12 tiếng, áp lực công việc nặng hơn cháu nhiều. Trực xong ca chú mệt nhoài, nhưng so với anh em công nhân ra hiện trường thì mình chẳng thấm tháp gì ”. Tôi chợt hiểu rằng, công việc mình làm vẫn chưa là gì đối với chú - những công nhân điện ngoài công trường bất kể nắng, mưa vẫn luôn tận tụy với công việc, đảm bảo dòng điện liên tục, ổn định, làm đẹp cho đời. Khoác bộ quần áo da cam lên người, tôi tự hào mình là người thợ điện và tự hứa với lòng sẽ nỗ lực làm tốt hơn công việc được giao.