Nơi đây có đủ lá dong, cam, bưởi, hoa tươi... đang ngập tràn con phố nhỏ. Những cánh đào phớt hồng trong gió lạnh, mang thêm sắc tết về với công trình điện Phả Lại, hơn 200 thợ điện của phân xưởng Điện - điều khiển thuộc Công ty sửa chữa nhiệt điện Miền Bắc (NPS) đang tất bật với các phương án đảm bảo cho thiết bị sớm ổn định phục vụ phát điện trong dịp tết.
Một người đàn ông nhỏ nhắn đang chụm đầu bàn bạc với mấy thợ trẻ ngồi bên chiếc bàn đã cũ. Đó là Bí thư chi bộ - Quản đốc phân xưởng Điện - Điều khiển Phạm Văn Ninh. Quả thật là tôi rất ngỡ ngàng, chẳng có vẻ gì giống sự tưởng tượng của tôi về một Bí thư chi bộ U50, trầm tư, mực thước. Ngược lại anh Ninh đang ở độ tuổi 37 sung sức, phong cách nhanh nhẹn, tháo vát, tiếp đón chúng tôi thật cở mở và chân thành.
Vào đầu năm 2007 Công ty CPDV sửa chữa Nhiệt điện Miền Bắc được thành lập. Ngay trong năm đó, anh Ninh đã được lãnh đạo Công ty bổ nhiệm làm Quản đốc phân xưởng rồi Chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Với cương vị người đứng đầu của một phân xưởng có hơn 200 cán bộ công nhân, cứ lo đủ việc làm, có mức thu nhập ổn định cũng không mấy dễ dàng. Do đó anh Ninh đã tập trung hướng vào nhiệm vụ trung tâm là hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh. Trong đó yêu cầu sống còn là bảo đảm chất lượng cho các công trình, đúng tiến độ và phải tuyệt đối an toàn.
Đối mặt với những khó khăn gay gắt, kỹ sư Phạm Văn Ninh xác định trước hết phải giữ được chữ tín tạo niềm tin cho khách hàng. Vì thế phân xưởng đã sớm có chương trình hành động cho kế hoạch sửa chữa thường xuyên và trực tiếp tiến hành trung tu tổ máy 4 (110MW), đại tu tổ máy 2 (110MW), đại tu lần đầu tiên tổ máy 5 (300MW) tại Phả Lại. Đối với toàn ngành Điện Việt Nam, việc đại tu các tổ máy 300 MW chưa có tiền lệ nào để học hỏi. Ngay việc lắp đặt rôto máy phát nặng 64 tấn nếu sai sót 0,01mm cũng dễ gây ra sự cố khôn lường. Còn nếu thuê chuyên gia nước ngoài không chỉ ở mức chi phí hơn 32 tỷ đồng mà tăng gấp ba lần hơn thế.
Trước bộn bề công việc, công nhân lại thấy người Bí thư Chi bộ, quản đốc phân xưởng thường có mặt ở hiện trường, sát cánh cùng anh em trong chiến dịch đại tu sửa chữa, thậm chí còn thức thâu đêm để chỉ đạo khắc phục sự cố. Sự có mặt của anh trong những lúc khó khăn như vậy không chỉ thể hiện trách nhiệm cao trước tập thể mà còn là chỗ dựa tinh thần đối với người lao động.
Do khối lượng công việc đại tu các tổ máy quá lớn, anh thường phải điều gần 100 thợ tinh nhuệ vào thi công. Theo anh Ninh cho biết: “tất cả chúng tôi đều phải chạy đua với thời gian để bảo đảm chất lượng và tiến độ cho công trình. Thành công trong đại tu các tổ máy 110 MW và 300MW làm cho chúng tôi tự tin và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay”. Nhờ phấn đấu nỗ lực không ngừng, mấy năm qua phân xưởng Điện - điều khiển đảm bảo sản xuất kinh doanh năm 2010 tăng 13%, năm 2011 tăng 25% thu nhập bình quân năm 2009 đạt 6,5 triệu đ/người, năm 2011 tăng lên 8,5 triệu đ/người.
Điểm nổi bật ở kỹ sư Phạm Văn Ninh là sự tận tuỵ và trách nhiệm với công việc trong lĩnh vực sáng kiến anh lại có niềm đam mê và tâm huyết đến lạ lùng. Vì thế anh thường tranh thủ thời gian đi sâu nắm bắt thiết bị điện là phải thấy tận mắt, sờ tận tay và khi cần phải chui vào trong máy để tìm hiểu, đo đạc, phân tích, suy luận mới có giải pháp. Kết quả trong hơn 7 năm qua, anh đã có trên 10 sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học. Trong đó có nhiều sáng kiến được áp dụng trong phần mềm nhằm ngăn ngừa sự cố khi vận hành 2 tổ máy (600 MW). Sáng kiến trên là điểm mới về thiết kế, ứng dụng mạch tự động khi tách tổ máy 300 MW ra khỏi lưới (với tần số thấp) đạt hiệu quả cao. Với những sáng kiến tiêu biểu anh đã được Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Dương trao giải Nhì năm 2009.
Xác định Chi bộ trong doanh nghiệp là cầu nối giữa Đảng với người thợ. Vì thế anh Ninh đã dành nhiều tâm huyết để chuẩn bị nội dung sinh hoạt công phu, chu đáo, từng bước đổi mới, sớm khắc phục sự hình thức, đơn điệu. Nhờ đó, mấy năm qua sinh hoạt ở Chi bộ đảm bảo được dân chủ, cởi mở, hướng vào chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, chăm lo đời sống công nhân, tích cực xây dựng văn hoá doanh nghiệp phát triển. Từ đây anh đã quy tụ gắn kết được tập thể cấp uỷ, Chi bộ, các tổ chức đoàn thể, tạo sự đồng tâm nhất trí vượt qua trở ngại, dồn sức để hoàn thành nhiệm vụ. Nơi đây không có đất sống cho tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Trên cương vị Quản đốc và Bí thư Chi bộ, anh luôn quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực và coi đây là bước đột phá cho sản xuất phát triển. Trước muôn vàn khó khăn, từ năm 2008 đến nay anh vẫn chủ động mở được 4 lớp tự đào tạo, thu hút được 130 lượt học viên và toàn phân xưởng hướng vào rèn đức - luyện tài sôi nổi, xoá đi tâm lý “học để làm quan”, “học để có nơi làm việc an nhàn”. Không chỉ chú trọng đến công tác chuyên môn, hoạt động của Chi bộ, hoạt động của các đoàn thể mà anh còn đặc biệt quan tâm tổ chức phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá trong công nhân, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của Bác đạt nhiều kết quả thiết thực.
Hiểu thấu đáo về người lao động, bên cạnh những thói quen, phong tục đẹp mà họ mang theo, một số công nhân hiện nay cũng có tập quán lạc hậu. Vì vậy, anh đã đề xuất với tổ chức công đoàn, nữ công và thanh niên phân xưởng tổ chức hội thảo sôi nổi, sinh hoạt câu lạc bộ phong phú, hấp dẫn theo chuyên đề: “Làm gì để loại bỏ tính tự do vô kỷ luật? Vì sao thợ điện còn ngại học tập và chậm tiếp thu cái mới? Hay đi sâu vào tranh luận. Tác phong lề mề, luộm thuộm, ngại va chạm, ít quan tâm đến cộng đồng của người thợ có hại ra sao?”. Qua đây, nâng cao tính giáo dục thuyết phục nhân rộng mô hình các tổ sản xuất đều trở thành điểm sáng về văn hoá tạo ngọn lửa tinh thần thắp sáng niềm tin, vượt qua thử thách. Cái được lớn hơn là từ phong trào văn hoá doanh nghiệp, đã xoá đi những ngờ vực, những toan tính nhỏ mọn, manh mún, vượt qua sự kiếm tiền lợi nhuận đơn thuần để tạo động lực cho sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Qua trò chuyện cởi mở với anh Phạm Văn Ninh và đi thực tế tại phân xưởng chúng tôi mới hiểu anh quan tâm đến người lao động không phải chỉ vì trách nhiệm mà trước hết là xuất phát từ cái tâm trong sáng. Anh Ninh tâm sự: “Đối với lao động trong đơn vị phải được trân trọng, tôn vinh và được đồng cảm sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, phải được bênh vực và bảo vệ để họ không ngừng cống hiến trí tuệ, công sức cho dòng điện của Tổ quốc. Vì vậy công nhân trong đơn vị chúng tôi bao giờ cũng là “tài sản quý” của doanh nghiệp”
Trong cuộc sống đời thường, anh rất giản dị và hoà đồng với mọi người, có lối sống lành mạnh, trung thực, được họ tộc quý mến, gia đình thương yêu, bạn bè và bà con dân phố tin tưởng. Lớp trẻ trong đơn vị luôn xem anh là tấm gương để noi theo. Họ hiểu rằng dù ở vị trí công tác nào cũng phải hết lòng vì công việc. Với hành trình trong 5 năm qua (2007 - 2011) với nhiều nỗ lực phấn đấu không ngừng, tập thể phân xưởng Điện - Điều khiển và cá nhân anh Phạm Văn Ninh đã được cấp trên trao tặng nhiều phần thưởng xứng đáng. Có điều quý hơn là niềm tin của cán bộ đảng viên và công nhân trong đơn vị đối với anh. Ở đó niềm tin là cả sự trân trọng và tự hào về người Bí thư Chi bộ “miệng nói tay làm” luôn tận tuỵ sáng tạo và sống có nghĩa tình.