Tin trong nước

Người “THỦ LĨNH” của công nhân Điện lực Vĩnh Long

Thứ tư, 15/7/2009 | 09:54 GMT+7

Tốt nghiệp lớp Cán sự điện năm 1971 tại trường Trung cấp điện Phú Thọ, nơi làm việc đầu tiên của Lê Hữu Tài là Nhà máy điện Thủ Đức. Năm 1972, anh chuyển sang Trung tâm Điện lực Long An. Tháng 11/1980, về Sở Quản lý phân phối điện tỉnh Cửu Long. Từng làm việc ở nhiều vị trí, đơn vị trong ngành Điện thời kỳ chế độ cũ, Lê Hữu Tài thấm thía cảnh người thợ bị đối xử bất công, môi trường làm việc chưa thật sự dân chủ, người công nhân không phát huy hết khả năng sở trường của mình. Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, được vào làm việc trong bộ máy của chế độ mới, Lê Hữu Tài nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu và hoà nhập vào tập thể, bởi theo anh “các cán bộ cộng sản không những không phân biệt đối xử mà lại còn động viên, an ủi nên mình an tâm công tác, dốc sức làm việc…”

Ngày mới giải phóng, lưới điện bị hư hỏng rất nặng do chiến tranh tàn phá. Trong những ngày này anh xung phong đi đầu, đảm nhận những khó khăn để vận động anh em công nhân trong đơn vị nhận nhiệm vụ hàn gắn lại vết thương, khôi phục lại đường dây 66 kV Phú Lâm - Mỹ Tho. Không ngại vất vả mưa nắng, anh và đồng nghiệp len lỏi giữa những cánh đồng, kênh rạch để xử lý hỏng hóc, phục vụ nhân dân và chính quyền quân quản tỉnh Long An.

Trong thời kỳ bao cấp, cơ sở hạ tầng, vật tư, thiết bị, phụ tùng về điện vừa thiếu, vừa lạc hậu, nhưng ngành Điện lại phải nhận nhiệm vụ nặng nề là đưa điện về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho thị xã, thị trấn và mở rộng đến vùng nông thôn. Trong thời điểm khó khăn về nguồn điện, anh đã tham gia trực tiếp cùng anh em công nhân theo dõi chặt chẽ phụ tải, có biện pháp điều hòa hợp lý, đảm bảo dòng điện an toàn, thông suốt phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh Cửu Long (cũ).

 Với nhiều cương vị khác nhau, từ Trưởng phòng Kinh doanh Sở Điện lực Cửu Long, Phó Giám đốc Kinh doanh Sở Điện lực Trà Vinh năm 1992, rồi trở về công tác tại Điện lực Vĩnh Long (Phó Giám đốc Kỹ thuật từ năm 1995 đến nay), nhưng ở cương vị nào, anh cũng luôn năng nổ, gương mẫu, sáng tạo, vượt khó, đi đầu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và tận tụy giúp đỡ đồng nghiệp. Đồng thời anh đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật thiết thực, mang lại hiệu quả cao cho đơn vị.

Mặc dù khá từng trải ở nhiều vị trí, vai trò, nhưng cuộc đời của anh lại gắn liền với tổ chức Công đoàn ngay khi mới chuyển về công tác ở Sở Quản lý phân phối (QLPP) Điện lực Long An, được tập thể bầu làm Thư ký Công đoàn; về Sở QLPP Điện lực Cửu Long anh lại tiếp tục được tập thể tín nhiệm làm Phó thư ký. Năm 1980 làm Thư ký Công đoàn và Chủ tịch Công đoàn Sở Điện Lực Cửu Long, Sở Điện lực Trà Vinh và Điện lực Vĩnh Long cho đến năm 2005, đồng thời là ủy viên BCH Công đoàn Công ty Điện lực 2 nhiệm kỳ 2001-2005.

Trong cuộc sống đời thường, Lê Hữu Tài rất giản dị và hòa đồng, có lối sống lành mạnh, trung thực được mọi người quý mến. “Hết lòng với công việc, hết lòng vì mọi người và gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi”, đó là nhận xét của CBCNV Điện lực Vĩnh Long về anh. Ba mươi bảy năm gắn bó với ngành Điện và có hơn ba mươi năm kiêm vai trò “Thủ lĩnh” công đoàn, nét nổi bật giúp anh thành công, đó là những tình cảm, sự quan tâm của anh luôn hướng về người lao động. Trước hết, xuất phát từ “cái tâm” và tinh thần trách nhiệm, nên anh luôn được người lao động tin tưởng, tín nhiệm. Trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn Điện lực Vĩnh Long, anh rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đóng góp nhiều trong việc phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, đảm bảo an toàn lao động. Trong cơ quan, đơn vị, gia đình CBCNV nào gặp khó khăn, hoạn nạn là anh có mặt. Dù rất bận công việc, nhưng anh vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để nghe CBCNV tâm sự, trình bày về những khó khăn vướng mắc trong công tác, sinh hoạt… Từ đó, anh có hướng cùng lãnh đạo đơn vị quan tâm giúp đỡ kịp thời, hoặc tìm cách giải quyết cho phù hợp.

Bận việc chuyên môn, nhưng người “Thủ lĩnh” của công nhân Điện lực Vĩnh Long vẫn nghiên cứu các chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ngành, đơn vị, để tuyên truyền, phổ biến cho CBCNV. Anh đã biết kết hợp hài hòa giữa trách nhiệm của chính quyền và vai trò của công đoàn để thúc đẩy mọi hoạt động phong trào trong đơn vị ngày một phát triển. Theo anh, muốn có phong trào thi đua tốt thì trước hết người lãnh đạo phải biết quan tâm đến quyền lợi vật chất và tinh thần cho người lao động, đồng thời phải kiên quyết đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, tham nhũng và thiếu trách nhiệm. Sự phối hợp giữa công tác chuyên môn và hoạt động công đoàn còn giúp anh thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục tư tưởng, giải quyết thấu tình đạt lý trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau… tạo sự đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối, giúp CBCNV- LĐ Điện lực Vĩnh Long phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Theo: Tạp chí Điện lực