Sự kiện

Nguồn năng lượng cho Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 24/10/2008 | 09:24 GMT+7
Chuẩn bị nguồn điện năng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của toàn vùng, nhiều dự án điện năng đã, đang và sẽ được triển khai xây dựng tại ĐBSCL.

Cụm khí - điện - đạm Cà Mau

Trước đây, cả khu vực ĐBSCL chỉ có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Trà Nóc - Cần Thơ, công suất 188 MW, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu thắp sáng và sản xuất. Điện năng cung cấp cho vùng phải được chuyển tải từ TP Hồ Chí Minh trên lưới quốc gia. Nhưng nếu gặp sự cố về đường dây, ĐBSCL sẽ thiếu điện ngay. Mặt khác, qua truyền tải, tỷ lệ hao hụt điện năng lớn và chất lượng điện không được đảm bảo do thường xuyên sụt áp vào giờ cao điểm.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, ĐBSCL đã và đang triển khai 2 dự án năng lượng quan trọng, tầm cỡ đó là dự án Khí điện đạm Cà Mau và Trung tâm nhiệt điện Ô Môn.

Dự án khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với nguồn vốn đầu tư trên dưới 30.000 tỉ đồng, bao gồm công trình đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, công suất 2 tỉ m3/năm; hai nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, tổng công suất 1.500 MW; nhà máy phân đạm 800.000 tấn/năm. Ngày 4/4/2007, tổ máy tua-bin khí số 1 Nhà máy điện Cà Mau 1 đã hòa dòng điện đầu tiên vào hệ thống điện quốc gia trong giai đoạn phát điện thử nghiệm để kiểm tra, theo dõi điều chỉnh các thông số kỹ thuật đạt yêu cầu tối ưu trước khi đưa vào vận hành ổn định. Hai tháng sau khi các tổ máy GT22, GT21 của Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Cà Mau 2 hòa lưới điện quốc gia, tổ máy cuối cùng của dự án này cũng vừa hòa đồng bộ lên lưới điện quốc gia kể từ giữa tháng 8/2008. Ông Nguyễn Quốc Ðịnh- Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Cụm Khí - điện - đạm Cà Mau cho biết, đến nay tiến độ thực hiện Dự án Cụm Khí - điện - đạm Cà Mau được hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Như vậy, tính đến thời điểm này, toàn bộ 6 tổ máy của Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Cà Mau 1 và 2 đều đã hoàn thành và có khả năng cung cấp cho lưới điện quốc gia tổng cộng 1.500MW.

Cùng với dự án Khí điện đạm Cà Mau, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn cũng đang được tiến hành đầu tư xây dựng, đây là trung tâm điện lực lớn thứ hai cả nước sau Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ, được quy hoạch với tổng công suất 2.800 MW, tổng vốn đầu tư các dự án khoảng 2 tỷ USD.

Nhà máy

Công suất

Tiến độ

Ô Môn 1

600

2008- 2009

Ô Môn 2

720

2010- 2011

Ô Môn 3

600

2012- 2013

Ô Môn 4

720

2014- 2015

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 đã được khởi công xây dựng vào tháng 2/2006, công suất 660MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ 330MW, với tổng mức đầu tư 6.666 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn ODA Nhật Bản thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Sau hơn 2 năm xây dựng, ngày 9/10/2008 vừa qua tổ máy số 1 có công suất 330MW- Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I đã chính thức hoà lưới điện quốc gia. Ngoài ra, theo kế hoạch Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ đàm phán với các đối tác bên ngoài để sớm đưa khí từ lô B ngoài khơi Phú Quốc (Kiên Giang) về Ô Môn. Trữ lượng khí của lô B khoảng 130 tỉ m3, tương đương với trữ lượng khí ở khu vực Nam Côn Sơn (Bà Rịa- Vũng Tàu), khí dẫn vào tới Ô Môn thì ngoài việc cung cấp cho nhiệt điện, còn sản xuất ra đạm và nhiều thứ khác. Đây có thể xem là lợi thế rất lớn của Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung trong việc phát triển nguồn năng lượng, các ngành sản xuất công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa./.

Theo VEN