Hồ Gươm (Hà Nội). Tamtay.vn
Có một người thợ đường dây già đã ứng khẩu mấy câu thơ trên vào đúng ngày dòng điện của Công ty Ðiện lực Hà Nội chính thức được kéo về Yên Trung, Thạch Thất (21-8-2008) đánh dấu sự kiện 100% hộ dân Hà Nội (sau khi mở rộng) được sử dụng điện lưới. Những câu thơ ấy có thể còn thô vụng, nhưng, với những người tường tận những thăng trầm của Thủ đô, đó là những câu thơ được bật ra từ một nguồn cảm xúc lớn và chân thành trước thành tựu của Ðiện lực Hà Nội.
Ngày 6-12-1892, từ một xưởng phát điện nhỏ bé được xây dựng ở phố Fran-xi Gác-ni-ê, nay là số nhà 69, phố Ðinh Tiên Hoàng bên bờ hồ Hoàn Kiếm, dòng điện đầu tiên đã chính thức phát ra. Trong nhiều năm sau đó, điện là một thứ tiện nghi vô cùng xa xỉ chỉ để phục vụ cho giới chức chính quyền thuộc địa. Ðiện quý giá đến mức mà hơn nửa thế kỷ sau, khi buộc phải rút khỏi Hà Nội, người Pháp vẫn bằng mọi cách chuyển đi các tài liệu kỹ thuật, tháo dỡ máy móc với mưu đồ để Hà Nội mới giải phóng phải chìm trong bóng tối. Tuy nhiên, mưu đồ ấy đã thất bại trước sự đấu tranh anh dũng của công nhân điện Thủ đô để bảo vệ dòng điện, đón bộ đội và Chính phủ trở về trong ánh sáng chiến thắng.
Ngày 21-12-1954, Bác Hồ đã đến thăm Nhà máy đèn Hà Nội. Trong chuyến thăm lịch sử ấy, lời căn dặn của Bác "Nhà máy bây giờ là của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn và phát triển nó lên" đã luôn được ghi nhớ như một phương châm hành động của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân ngành điện Thủ đô.
|
Kéo đuờng dây điện về Hà Tây (cũ). Ảnh VIỆT CƯỜNG. |
Ngày ấy, Ðiện lực Hà Nội còn vô cùng lạc hậu, cả thành phố chỉ có 80 trạm biến áp, với vài chục km đường dây 35 kV, chỉ có một Nhà máy điện Yên Phụ với công suất ít ỏi mà cấp điện cho hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Thời điểm đó, lưới điện Hà Nội không đủ thắp sáng mọi gia đình; điện công cộng chỉ đủ chạy tàu điện và 523 ngọn đèn công suất nhỏ quanh Hồ Gươm.
Với một gia tài nhỏ nhoi như thế, nhưng "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", ngành điện Hà Nội vẫn biết điều tiết để luôn bảo đảm cho các nhu cầu hoạt động của Trung ương Ðảng, Chính phủ, bảo đảm điện sản xuất và thắp sáng ở nội thành; góp phần cùng nhân dân Thủ đô xây dựng hậu phương lớn, vì miền nam ruột thịt.
Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền bắc với mưu đồ làm tê liệt đầu não của cuộc kháng chiến, gây thiệt hại và tâm lý kinh hoàng cho người dân Hà Nội. Và lưới điện Thủ đô bao giờ cũng là mục tiêu hàng đầu của giặc lái Mỹ. Chúng đêm ngày đánh phá các trạm biến thế Ðông Anh, Ba La; đánh vào Nhà máy điện Yên Phụ; rồi hệ thống đường dây... Nhiều cán bộ, công nhân điện đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nhà máy điện Yên Phụ trở thành lô cốt thép bảo vệ các tổ máy trước những cơn mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Tiếng còi trên nóc Nhà máy điện Yên Phụ là tiếng còi tỉnh thức cho cả Thủ đô. Hàng chục đơn vị tự vệ ngành điện được thành lập, góp phần vào lưới lửa Thủ đô. Tự vệ Nhà máy điện Yên Phụ bắn rơi máy bay Mỹ. Trong bom đạn, dòng điện của Hà Nội vẫn được giữ vững. Ðiện vẫn đến với các đơn vị bộ đội, nhà máy, trường học, bệnh viện. Ðiện thắp sáng căn hầm chỉ huy kháng chiến của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan Nhà nước ngay trong những ngày giặc Mỹ dùng B.52 đánh phá ác liệt nhất, góp phần cùng quân dân Hà Nội lập kỳ tích "Ðiện Biên Phủ trên không".
Vượt qua bom đạn chiến tranh, ngành điện Thủ đô lại tiếp tục đối mặt với những thách thức, đòi hỏi cao trong công cuộc tái thiết đất nước. Muốn sản xuất, phải có điện. Muốn giảm bớt khó khăn trong đời sống, phải có điện. Lưới điện Hà Nội vốn đã cũ nát, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá. Nguồn điện quá thiếu, cầu vượt cung với khoảng cách quá lớn. Cơ chế quản lý bao cấp, tập trung nặng nề. Hà Nội thiếu điện nghiêm trọng, không chỉ thiếu để sản xuất mà còn thiếu để thắp sáng đường phố, phục vụ các bệnh viện. Thiếu nguồn, hệ thống truyền tải chắp vá, vật liệu và thiết bị điện khan hiếm, sự cố nhiều, thất thoát lớn, tiêu cực nảy sinh, khách hàng phàn nàn. Bên cạnh những khó khăn khách quan, còn cả những khó khăn chủ quan như mô hình quản lý không ổn định, gây không ít trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ðược sự ủng hộ của lãnh đạo ngành và thành phố, Công ty Ðiện lực Hà Nội chủ động đổi mới, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, hướng về mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng. Ðể nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, công ty đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện để đủ khả năng tiếp nhận, phân phối điện thương phẩm. Ðể giảm phiền hà cho khách hàng, công ty đi đầu trong việc áp dụng công nghệ, thanh toán qua máy tính bảo đảm nhanh, chính xác. Từ chỗ có nhiều phiền hà, chậm trễ, trong lắp đặt đã có cải tiến các thủ tục, lắp đặt công tơ theo Luật Ðiện lực, thông báo mọi vấn đề cần biết trên trang thông tin điện tử, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho khách hàng; từ chỗ quan hệ người bán - người mua mang tính xin - cho, nảy sinh bê trễ, cửa quyền đến chỗ tham khảo ý kiến khách hàng để xử lý kịp thời những yêu cầu của khách, điển hình là việc đưa tổng đài hỗ trợ khách hàng 22222000 vào hoạt động 24/24 giờ, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc cũng như đáp ứng mọi thông tin của khách hàng về các dịch vụ điện, lịch cắt điện để sửa chữa...
Vì mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp và nâng cao hiệu quả kinh doanh, công ty đã hạ ngầm lưới điện trên các tuyến phố chính được gần 1.000 km cáp trung thế, và hạ ngầm lưới hạ thế nhiều tuyến phố. Từ 1-8-2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng. Công ty đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận và bán điện đến hộ cho hơn 300 xã của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và bốn xã của Hòa Bình cũ, nay đã nhập về thành phố. Phần lớn lưới điện tại khu vực này cũ nát chắp vá, thậm chí có xã còn "trắng" về điện. Một trong những điển hình là xã "trắng điện" Yên Trung, được sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sau 20 ngày sáp nhập, công ty đã xây dựng xong trạm điện cấp điện cho bà con trong xã.
Vừa sản xuất, kinh doanh vừa xây dựng, phát triển, sau 55 năm, đến nay công ty đã có 29 cơ sở điện lực và chi nhánh, 6 xí nghiệp và trung tâm, với tổng số CNVC gần 6.000 người, đang quản lý lưới điện gồm 26 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 2.215 MVA, hơn 10.000 trạm biến áp phân phối, hàng trăm nghìn ki-lô-mét đường dây truyền tải các cấp điện áp.
Công ty còn phối hợp với Công ty Viễn thông Ðiện lực lắp đặt 598 km cáp quang, tạo một mạch vòng chính và 6 mạch vòng phụ (RINH), triển khai mạng điện thoại không dây phục vụ thông tin trong ngành và viễn thông công cộng. Ðến nay công ty đã phát triển được gần 400.000 CDMA, 9.500 khách hàng in-tơ-nét, 8.000 khách hàng E-tel, mở được 200 đại lý cho EVN - Telecom.
Sau hơn 20 năm đổi mới, chủ yếu là 5 năm gần đây, từ một doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều khó khăn, Công ty Ðiện lực Hà Nội ngày nay đã trở thành một đơn vị kinh tế mạnh của Thủ đô và của ngành điện cả nước, là một trong 12 điểm sáng của doanh nghiệp Thủ đô. Trong kinh doanh, đến nay công ty đã ký hợp đồng bán điện cho gần 2 triệu hộ khách hàng, điện năng bán ra hằng năm tăng 12%, dự kiến đến hết năm 2009 sẽ cung ứng khoảng 10 tỷ kWh cho các nhu cầu của Thủ đô.