Phóng sự

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1: Chinh phục vùng cát bạc màu

Thứ hai, 13/12/2021 | 14:48 GMT+7
Đã hơn một năm trôi qua, tôi mới có dịp trở lại Quảng Bình. 

Các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai thi công công trình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Cuộc sống nơi đây đã trở lại bình thường, nhưng trận lũ cuối năm 2020 lịch sử ấy vẫn in hằn trong tâm trí tôi với hình ảnh hàng chục chiếc thuyền đánh cá của dân vùng biển Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy đã ngược lên vùng ngập lũ để cứu người; cảnh những công nhân Công ty Điện lực Quảng Bình miệt mài làm việc, sửa chữa hư hỏng để sớm cung cấp điện trở lại cho vùng bị thiệt hại bởi thiên tai trong khi cha mẹ, vợ con họ cũng đang vật lộn với lũ…. Người Quảng Bình gọi đây là giá trị của nghĩa tình, khi hoạn nạn luôn có nhau.
 
Yêu thương được tỏa sáng
 
Dẫu cho thời gian trôi qua có là bao nhiêu năm đi chăng nữa, cũng không thể không nhắc tới những ngày lũ chồng lũ, bão nối bão ở miền Trung. Với dải đất đòn gánh khắc bạc này, năm nào chẳng bão lũ cơ chứ. Nhưng cái kiểu chồng chất “siêu lũ, siêu bão” như năm 2020 thì cái bình thường đã không còn bình thường nữa, thảm họa thiên tai thực sự đổ xuống nhiều tỉnh ở miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Đêm trắng. Mưa trút. Nước dâng. Gió rít. Trong tâm lũ, nhìn thấy được bộ mặt khác của thiên nhiên, cuồng nộ dữ dội bất thường, thấy rõ cái mong manh của phận người chẳng hề mất đi trong thời đại 4.0. Những cánh đồng, vườn tược bỗng nhiên bị biến mất, xóm làng ngập chìm trong lênh loang nước bạc, đường sá biến hình đổi dạng và nước cuốn, núi lở. Không ai có thể cầm nổi nước mắt khi thấy nhiều người dân bấy lâu nay tảo tần chiu chắt bỗng dưng trắng tay sau cơn đại hồng thủy. 
 
Bão lũ là vậy, nhưng ngành Điện yêu cầu phải đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định để người dân bớt khó khăn, nhọc nhằn. Anh em ngành điện Quảng Bình phải lặn lội khắc phục sự cố không kể ngày đêm. Truyền tải điện Quảng Bình thì luôn sẵn sàng mọi phương án tác chiến để không xảy ra sự cố làm gián đoạn truyền tải điện. Bởi nếu có bất kỳ sự cố lưới điện truyền tải nào thì không chỉ các tỉnh miền Trung trong vùng bão lũ mất điện, thậm chí nhiều tỉnh miền Bắc, miền Nam cũng bị gián đoạn.
 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Năm nào cũng vậy, trước mùa mưa bão, tất cả các đơn vị từ các nhà máy điện, truyền tải đến phân phối đều phải xây dựng các phương án phòng chống thiên tai bão lũ, nhưng thiên tai thì khó lường nên khi mưa kéo dài nhiều ngày như trút, khiến lũ lên rất nhanh, hàng loạt xã bị cô lập, nhiều trạm biến áp bị ngập sâu trong nước, buộc anh em công nhân vận hành phải ngừng cung cấp điện để đảm bảo an toàn cho người dân. Nói là ngừng cung cấp điện, không có nghĩa là ngồi chờ. Anh em Điện lực phải tìm phương án sớm cấp điện trở lại ngay khi thấy an toàn cho người dân và lưới điện. Nên nơi nào nước lũ vừa rút, công nhân triển khai ngay các đội hình, tỏa đi các hướng khảo sát, đánh giá và tổ chức khắc phục, mặc cho đường đi ở nhiều khi vực vẫn còn bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt.
 
Mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp, ngành điện Quảng Bình phải triển khai phương án 4 tại chỗ, tăng cường lực lượng tại các vị trí trực và các trạm biến áp trung gian, trạm cắt để sẵn sàng xử lý, khắc phục sự cố, khôi phục lại lưới để cấp điện cho khách hàng. Vừa khắc phục dần ổn định hậu quả trận mưa lũ tháng 10, thì cơn bão số 13 ập đến sáng ngày 15.11, tiếp tục gây thiệt hại đối với lưới điện trung, hạ áp khiến 132.732 khách hàng ở 67 xã bị mất điện. Và thế là họ lại lao về các điểm có sự cố, lại khắc phục, khôi phục để cấp điện. Đa số anh em công nhân không thể về nhà. Dù bản thân gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhưng họ phải gác lại việc gia đình để toàn tâm, toàn lực thực hiện nhiệm vụ: Cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục. Cứu người hoạn nạn trong bão lũ, chuyển nhu yếu phẩm của các đoàn cứu trợ đến từng hộ dân bị ngập sâu trong nước…Đã nói nhiều rồi, có lẽ chỉ cần nhắc lại một chút thế này thôi để khẳng định rằng tình người đang tỏa sáng trong ngành Điện lực Việt Nam. Yêu thương được coi như căn cốt của đạo lý được người Việt coi trọng. Yêu thương của người Việt, không đơn giản là duy tình mà nó dường như được nương tựa vào sự hiểu biết và lớn hơn sự thông cảm. Đó là giúp người cũng chính giúp mình. Cho đi cái này sẽ nhận được cái khác. Cái khác mới là bền vững, mới là mãi mãi. Cái khác đó chính là yêu thương. Chỉ có yêu thương mới mãi mãi mà thôi. Càng trong khó khăn, gian khổ, phẩm chất yêu thương của những con người ngành Điện càng được tỏa sáng là vậy.
 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao tặng 1 tỷ đồng vào quỹ an sinh xã hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chinh phục vùng cát bạc màu
 
Quảng Trạch vốn là huyện ven biển khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Diện tích đất tự nhiên 448km2, trong đó, các xã ven biển chủ yếu là đất cát bạc màu, bởi vậy, đời sống của người dân vốn dựa vào sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng 20 năm về trước, xã Quảng Đông bao phủ bởi những triền cát trắng xóa, lơ thơ vài gốc cây chắn cát còi cọc. Thanh niên trong vùng lớn lên tìm đường thoát ly, chưa ai từng nghĩ sẽ phát triển được trên những đồi cát mênh mông, khô cằn. Sự hưng thịnh của một vùng đất thường gắn liền với chính sách. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới cho sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp năng lượng tỉnh Quảng Bình. Đây chính là mũi đột phá sớm nhất để tạo ra thế đứng mới cho Quảng Trạch.
 
Dự án nằm trên địa bàn thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trên diện tích 48,6 ha; gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, có tổng mức đầu tư 41.130 tỷ đồng, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện khoảng 8,4 tỷ kWh/năm nhằm nâng cao độ an toàn, ổn định cho hệ thống lưới điện Quốc gia, giảm sự phụ thuộc của hệ thống vào nguồn thủy điện.  
 

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình- Trần Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo Ban Quản lý dự án Điện 2, từ tháng 11-2019, các gói thầu thuộc các hạng mục phục vụ thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I như san gạt mặt bằng, đường phục vụ thi công, hệ thống thoát nước, kênh thoát nước hoàn trả đổ, cấu kiện gia công mái kênh, hàng rào nhà máy, hệ thống điện, đường dây và trạm biến áp,… đã được đồng loạt triển khai. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đã được UBND tỉnh Quảng Bình giao đất cho dự án, bao gồm: Khu vực nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, khu nhà điều hành, khu phụ trợ, băng tải than đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã san gạt mặt bằng. Các hạng mục như phục vụ thi công như bãi thải xỉ, kênh nhận nước làm mát… đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Hạng mục cảng nhập than và đê chắn sóng, theo dự kiến, sẽ hoàn thành vào tháng 8-2023 và đến tháng 6-2024, Tổ máy số I của Nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
 
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho địa phương, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, dịch vụ…Ngoài ra, khi Nhà máy đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm, nhà máy còn đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho khoảng hơn 1.000 lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao vào làm việc ổn định lâu dài tại nhà máy. Riêng trong giai đoạn đầu tư xây dựng, vào thời gian cao điểm, có hơn 3.000 lao động xây dựng trên công trường, đồng thời, thu hút hàng nghìn lao động khác trong các lĩnh vực dịch vụ, vật liệu xây dựng, vận chuyển… 
 

Thiết bị, máy móc thi công công trình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn USC với lò hơi kiểu trực lưu, đốt than phun (PC) trực tiếp, tuabin kiểu ngưng hơi truyền thống với thông số hơi đầu vào trên siêu tới hạn: áp suất hơi chính 26.9Mpa; nhiệt độ hơi chính 600 độ C, nhiệt độ hơi tái sấy 610 độ C. Đây là công nghệ tiên tiến và thông số nhà máy cao nhất tại Việt Nam hiện nay và được sử dụng ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống băng tải than, hệ thống khử lưu huỳnh, khử bụi… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn châu Âu nên nồng độ các chất trong khí thải, nước thải trước khi thải ra môi trường sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà nước và bộ tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng về các thông số chất lượng khí thải, nước thải, được hệ thống giám sát quan trắc môi trường online truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát liên tục 24/24h.
 
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ được trang bị các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có hiệu suất khử bụi tới 99,74%. Do vậy, hoạt động nhà máy sẽ đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường sống xung quanh. Về phát thải khí, nhà máy sẽ áp dụng công nghệ xử lý SOx bằng nước biển theo công nghệ Sea-FGD. Phương pháp này tạo ra các muối sunfat là thành phần sẵn có trong nước biển, nên sẽ không gây tác động đến môi trường thủy sinh. Do nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng than bitum nhập khẩu có đặc tính cháy kiệt nên hàm lượng carbon còn sót lại trong tro, xỉ sẽ rất thấp.
 

Thiết bị, máy móc thi công công trình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Quảng Bình là địa phương có giàu tài nguyên và có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch. Đúng như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình- Trần Thắng nói, tiềm năng sẽ mãi là tiềm năng nếu không có nhà đầu tư, không có những dự án lớn đầu tư để biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, với chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và hấp dẫn. Cho đến nay, đã có nhiều công trình, dự án có có quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế đã và đang đi vào hoạt động, khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét.
 
Tỉnh Quảng Bình cũng xác định, Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là dự án trọng điểm, mang ý nghĩa quan trọng trọng việc thúc đẩy, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình; xác định việc giải phóng mặt bằng và thi công sẽ gặp rất nhiều khó khăn, song với trách nhiệm địa phương, tỉnh Quảng Bình đã và tiếp tục phối hợp với Chủ đầu tư trong việc giải phóng và bàn giao mặt bằng để đảm bảo công tác thi công đúng tiến độ.
 
Quảng Trạch đang tiến tới trở thành khu phát triển công nghiệp hiện đại, giao thông đường bộ, đường thủy tiện lợi với Cảng Hòn La và đường cao tốc Hà Tĩnh – Quang Bình đi qua sẽ được xây dựng, và việc xây dựng một Trung tâm Nhiệt điện sẽ tạo nền tảng phát triển hiện đại và vững chắc đang đưa Quảng Trạch bước sang một diện mạo mới.
Thanh Mai