Phóng sự

Ngược rừng trồng cây

Thứ hai, 22/3/2021 | 08:32 GMT+7
Tháng Ba, dọc đường lên huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng hoa trẩu nở trắng đẹp đến nao lòng. Ngàn vạn chùm hoa chi chít trên ngọn cây, sáng lấp lánh cả khoảng rừng. 

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng CBCNV Truyền tải điện Đông Bắc 3 tích cực hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây" năm 2021. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) lại tổ chức “Tết trồng cây” đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Lưới truyền tải điện đi đến đâu, ở đó luôn được những người lính truyền tải điện chăm chút trồng cây và trong màu xanh bát ngát cho Tổ quốc có sự góp sức của người làm công tác truyền tải điện, bởi đối với họ, bảo vệ rừng là bảo vệ lưới điện quốc gia, khi mà có đến 90% lưới điện truyền tải đi qua vùng núi rừng.
 
Về với Bảo Lâm
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chuyến ngược rừng quá đỗi bình yên, bởi đó là chuyến đi “trồng cây gây rừng” của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đồng thời kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động trong toàn EVNNPT về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nên với tôi, đó không phải là điều bất ngờ. Trở lại Bảo Lâm, ấn tượng nhất đối với tôi là những thửa ruộng bậc thang, những vườn keo xanh màu no ấm. Cung đường đèo dốc, lổn nhổn toàn đá hộc năm xưa, giờ đã được thay bằng những con đường trải nhựa, uốn lượn theo những sườn đồi và lưới điện truyền tải điện 220 kV đã lên được đến đây, minh chứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất đầy khó khăn gian khổ. Bảo Lâm giờ đã đổi khác hơn xưa nhiều rồi. Tuy vậy, trong trí tưởng tượng dẫu rất lạc quan, tôi vẫn không thể hình dung nổi sự chuyển mình đến kinh ngạc về diện mạo ở chốn miền núi rừng xa xôi cách trở này. Mới hay, năm tháng trôi qua, sự xoay vần chiếc bánh xe thời gian đã khiến mọi thứ vật đổi sao dời, đổi thay thật chóng vánh và ngoạn mục. Bảo Lâm của 20 năm về trước và Bảo Lâm của bây giờ quả thực là hai bức tranh khác biệt đến ngỡ ngàng. Nhưng, đó là sự lột xác đi lên thật đáng vui mừng.
 

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú (ngoài cùng bên phải) cùng CBCNV Truyền tải điện Đông Bắc 3 trồng cây khu vực trạm biến áp 500kV Bảo Lâm. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chợt nhớ gần 20 năm trước, tôi lần đầu đến đây và chính từ chuyến đi này, lớp phóng viên trẻ chúng tôi mới có cơ hội chứng kiến tận mắt cuộc sống ở những miền quê xa xôi mà vốn dĩ trong suy nghĩ giản đơn là dẫu có khó khăn, nghèo đói nhưng cũng… đâu đến nỗi nào; để rồi, khi đối diện với con người và cuộc sống nơi đây, mới hay cái sự nông nổi, bốc đồng của tuổi trẻ nó giản đơn và hời hợt đến nhường nào. Trên miền biên viễn xa xôi ấy là một Bảo Lâm hoàn toàn biệt lập với bên ngoài, vì vậy, mặc dù là  huyện có đường biên giới giáp Trung Quốc, nhưng chiến tranh năm 1979, do địa hình biên giới hiểm trở nên không bị thiệt hại lớn trong đợt tấn công này. Thuở ấy, ai lên được những địa danh như: Chè Lỳ A, Chè Lỳ B, Lũng Mần… có thể xem như đã vượt được đỉnh Fansipan ở Lào Cai…Bảo Lâm đã từng là vùng đất “bốn nhất”: Nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đồng bào dân tộc thiểu số đông nhất của tỉnh Cao Bằng. Một huyện nghèo mà cái đói nghèo cứ quấn riết. Với tôi, ở vào thời điểm ấy, thực sự quá sức tưởng tượng: Không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, truyền hình và dịch vụ y tế cũng gần như bằng không. Thôi, khoan hãy nói về cuộc sống khó khăn với những tập tục lạ kỳ nơi miền núi rừng cách trở này. Hãy nói về hành trình nối miền xuôi với miền ngược Bảo Lâm qua những đường dây truyền tải điện.
 
Khơi dậy tiềm năng cho miền biên viễn
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trạm biến áp 220kV Bảo Lâm nằm trên địa bàn thôn Nà Mạt, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Trạm được khởi công xây dựng vào tháng 3 năm 2016 và đóng điện đưa vào vận hành vào tháng 11-2016 với một máy biến áp 220kV có công suất 125MVA, gồm, ba ngăn lộ 220kV và năm ngăn lộ 110kV trong đó có một ngăn lộ đường dây đã vận hành, hai ngăn lộ đang dự phòng. Thời điểm mới đưa vào vận hành Trạm 220kV Bảo Lâm có 14 CBCNV với mô hình 3 ca 5 kíp, mỗi kíp trực là 2 người (trong đó có 04 CBCNV có kinh nghiệm trong vận hành được Truyền tải điện Đông Bắc 3 biệt phái hỗ trợ trạm trong giai đoạn nghiệm thu và mới đóng điện vận hành).
 
Chưa đầy 2 năm sau, tháng 3-2018, Công ty Truyền tải điện 1 khởi công dự án “Nâng công suất máy 2 - Trạm 220kV Bảo Lâm” và đến tháng 12-2018 đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp AT2 với công suất 125MVA, một ngăn lộ 220kV và ba ngăn lộ 110kV. Tiếp đến, tháng 1-2019, đóng điện điện đưa vào vận hành máy kháng 110kV với công suất 25MVAr để giải quyết vấn đề điện áp cao khu vực Cao Bằng; tháng 1-2020, đóng điện ngăn lộ đường dây trạm 220kV Bảo Lâm -  Nhà máy thủy điện Mông Ân với tổng công suất 30MVA; tháng 7-2020, đóng điện ngăn lộ đường dây trạm 220kV Bảo Lâm - Nhà máy thủy điện Sông Nhiệm 4 và Nhà máy thủy điện Bảo Lâm 3 với tổng công suất 54MVA; tháng 7-2020 đóng điện ngăn lộ đường dây dự phòng cuối cùng trạm 220kV Bảo Lâm - Nhà máy thủy điện Bảo Lạc B, công suất 18MVA.
 

CBCNV Công ty Truyền tải điện 1, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tích cực hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây" năm 2021. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đến nay, Trạm biến áp 220kV Bảo Lâm quản lý vận hành hai máy biến áp 220kV tổng công suất 250MVA, một máy kháng 110kV công suất 25MVAr, bốn ngăn lộ 220kV, tám ngăn lộ 110kV và một ngăn lộ 22kV; tháng 2-2018 trạm 220kV Bảo Lâm chính thức đưa vào thao tác xa và vận hành ở chế độ bán người trực với biên chế 5 người theo quyết định số 0649/PTC1-KT+ĐĐ ngày 21-2-2018, là một trong những trạm đầu tiên thuộc Công ty truyền tải điện 1 được đưa vào thao tác xa từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Miền Bắc; tháng 8-2018, Trung tâm vận hành Bảo Lâm được thành lập và đến tháng 10-2020, Trung tâm vận hành Bảo Lâm chuyển đổi thành Tổ thao tác lưu động Bảo Lâm.
 
Những thay đổi về công suất máy biến áp, những thay đổi về hình thức quản lý vận hành này so với bất cứ một trạm biến áp 220kV nào trong hệ thống lưới điện quốc gia cũng đều nhỏ bé, nhưng với Bảo Lâm là một nhân chứng đầy thuyết phục về phát triển kinh tế-xã hội. 
 

Đường dây 220 kV đấu nối trạm biến áp 500kV Bảo LâmẢnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tổ thao tác lưu động Bảo Lâm là đơn vị ở vùng sâu, vùng xa có đường xá đi lại hết sức khó khăn, xa Truyền tải điện cũng như Công ty Truyền tải điện 1 nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý vận hành, tuy nhiên, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Truyền tải điện Đông Bắc 3, Công ty Truyền tải điện 1, cùng với sự đoàn kết nỗ lực hết mình của tập thể đơn vị. Tổ Thao tác lưu động Bảo Lâm đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào thành tích chung của ngành và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù, đến với Bảo Lâm bây giờ đường nhựa trải mượt, phẳng phiu, nhưng vẫn quanh co, uốn lượn ngoằn ngoèo, vẫn đổ dốc sâu, leo đèo cao. Những dốc núi chênh vênh, những quả đồi cao, những khúc cua tay áo đã thoai thoải  hơn nhưng vẫn khiến cho “cánh miền xuôi” say khướt. 
 
Suốt hành trình, câu chuyện của Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng luôn đau đáu xoay quanh việc làm thế nào để luôn đảm bảo duy trì vận hành an toàn, cấp điện ổn định, liên tục và an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị; triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để giảm bớt khó khăn nhọc nhằn cho anh em vùng sâu vùng xa và đảm bảo nâng cao năng suất lao động theo chủ trương của EVN. Lối đi sáng nhất và có lẽ là duy nhất cho Truyền tải điện Đông Bắc 3, trong đó có “Bảo Lâm” là phải sớm ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác vận hành. Mặc dù, hiện nay, trong công tác vận hành, chưa công nghệ nào thay thế hoàn toàn được con người, nhưng ở những khu vực có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, rừng núi mênh mông như Bảo Lâm thì việc giảm bớt sức lao động cho người công nhân truyền tải điện là hết sức cần thiết. 
 

Trạm biến áp 500kV Bảo Lâm (Cao Bằng). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trở về câu chuyện ngược rừng để trồng cây ở khu vực mênh mông rừng núi như Bảo Lâm có vẻ như ngược đời. Nhưng có đến nơi đây mới hiểu tại sao EVNNPT lại chọn một miền biên viễn xa xôi để trồng cây. Với nguồn lực và tập quán “phát, cốt, đốt, trỉa”, du canh du cư của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, thì nguồn tài nguyên bất tận này mãi không bao giờ cựa mình nổi. 
 
Thế mạnh nền kinh tế của Bảo Lâm là phát triển nghề rừng và sản xuất lâm nghiệp. Nhưng thực tế hàng năm giá trị sản xuất lâm nghiệp không cao. Công tác trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh còn hạn chế. Việc đầu tư chăm sóc, bảo vệ và trồng mới còn ít, hiện trạng rừng nghèo kiệt là chủ yếu, trữ lượng thấp. Đời sống của nhân dân còn khó khăn, chưa có đầu tư để phát triển rừng do đó nguồn thu nhập từ kinh tế rừng chưa đáng kể so với tiềm năng. Vì vậy, tiềm năng này chưa được phát huy.
 
Dẫu đường giao thông, điện lưới, phương tiện nghe nhìn khá đầy đủ nhưng vì quá cách trở nên đời sống bà con ở đây vẫn rất khó khăn. Hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm đến hơn hai phần ba. Cơ ngơi quanh quẩn vẫn chỉ là những căn nhà sàn cũ kỹ và một vài ruộng lúa, ngô chẳng lấy gì làm xanh tốt. Rõ ràng là không thể ngày một ngày hai có thể đưa Bảo Lâm đi lên nhanh chóng như kỳ vọng được. Phải cần một lộ trình dài hơi, một cách làm phù hợp, một sự nhẫn nại, kiên trì, lâu dài...EVNNPT đã chọn Bảo Lâm để mở đầu cho chương trình trồng mới và chăm sóc 7.000 cây xanh trong năm 2021 cũng là để hướng tới một lộ trình dài hơi cho người dân nơi đây phát triển nghề rừng. 
 
Những tia nắng yếu ớt cuối cùng đã tắt sau đỉnh núi hùng vĩ. Không gian núi rừng như chùng xuống, nghe thật yên ắng, thâm u và cô tịch. Bảo Lâm chầm chậm về đêm. Chúng tôi chầm chậm về xuôi.
Thanh Mai