Lực lượng công nhân thi công phần hạ lưu Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng.
Chạy đua tiến độ với mực nước hồ Hoà Bình
Tại cao trình 188 m khu vực đê quây, hàng ngày, cùng với đại tá Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban điều hành liên doanh nhà thầu thi công còn có Phó giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án điện I, Giám đốc điều hành dự án Phạm Thanh Hoài cùng một số cán bộ của Ban luôn có mặt túc trực kiểm tra tình hình tiến độ thi công đập vành đai của NMTĐHBMR, đủ cho thấy tầm quan trọng của hạng mục đang triển khai.
Còn tại khu vực hạ lưu - nơi trong thiết kế xây dựng gian máy của dự án, hàng chục kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp thao tác đặt thuốc mìn vào những hố khoan nhỏ, chuẩn bị cho việc kích hoạt những thỏi mìn bóc dần từng vỉa đá.
Theo đại tá Trần Ngọc Tuấn, đê quây vành đai phía thượng lưu và mặt bằng tại cao trình +31 phía hạ lưu là những hạng mục công trình rất quan trọng trong tổng thể dự án NMTĐHBMR. Nếu trong thời gian ngắn tới đây không hoàn thành, thuỷ điện Hoà Bình đến thời điểm tích nước khiến cho nước hồ Hoà Bình dâng cao sẽ vỡ toàn bộ kế hoạch triển khai các hạng mục ngầm khác của dự án. Và như vậy, cả dự án có nguy cơ cao chậm tiến độ đến cả năm.
Nhận thức rõ sự quan trọng của hạng mục đê quây vành đai phía thượng lưu, dưới sự giám sát của BQL dự án điện I, liên doanh các nhà thầu đã huy động hàng trăm máy móc, thiết bị cùng nhân lực đảm bảo thi công 3 ca, 4 kíp cả ngày lẫn đêm, đảm bảo hoàn thành hạng mục này đúng theo kế hoạch đề ra.
Khối lượng thi công chính dự án NMTĐHBMR bao gồm tổng khối lượng đào đất, đá lên đến 3,8 triệu m3 và 370 nghìn m3 bê tông. Khối lượng thiết bị cơ khí thuỷ công, thiết bị cơ điện lên đến 15 nghìn tấn. Về tiến độ của công trình, tính từ khi khởi công đến nay, các đơn vị thi công đã triển khai đào hố móng của nhà máy, cửa nhận nước và đê quây công trình. Tổng khối lượng đào đắp đến nay đạt khoảng 1 triệu m3 đất, đá.
Sự ủng hộ của tỉnh Hòa Bình
Theo BQL dự án NMTĐHBMR, ngay từ giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự án đã được sự ủng hộ, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cùng sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đến các vấn đề về bố trí mặt bằng xây dựng công trình, bãi thải đất, đá hố móng công trình.
Trong quá trình thi công, giai đoạn đầu mặc dù khó khăn về nhiều mặt, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và TP Hoà Bình, sự phối hợp của các cơ quan địa phương đã hoàn thành cơ bản được công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đặc biệt là bãi thải dốc Cun và mặt bằng cảng Ba Cấp.
Các sở, ban, ngành đã phối hợp, hướng dẫn thủ tục, kiểm tra, đôn đốc và tạo điều kiện để công trình thi công đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Ban xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và công trình.
Việc triển khai công trình đã có tác động không nhỏ đến cộng đồng, nhất là các hộ dân nơi có tuyến đường vận chuyển đi qua, với sự ủng hộ của đa phần người dân nên việc GPMB liên quan đến các hộ bị ảnh hưởng cơ bản hoàn thành. Cùng với những biện pháp giảm thiểu tác động đến giao thông, môi trường được thực hiện đã nhận được sự chia sẻ của người dân với những khó khăn trong quá trình thi công dự án.
Theo đồng chí Phạm Thanh Hoài, Giám đốc điều hành dự án, để đảm bảo tiến độ thi công, rất mong có sự tuyên truyền hơn nữa tới cộng đồng dân cư trên địa bàn về ý nghĩa, vai trò cũng như lợi ích của dự án. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ GPMB đầm Quỳnh Lâm để đáp ứng tiến độ đổ đất hố móng công trình, tiết kiệm được chi phí, đem lại lợi ích cho địa phương là rất cần thiết.
Tác động tích cực của dự án
NMTĐHBMR là dự án trọng điểm quốc gia. Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 dự án sẽ phát điện vào quý III/2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV/2024. Sau khi hoàn thành công trình, NMTĐHBMR với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐHB lên 2.400 MW. Mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh, sản xuất hàng tỷ kWh điện phục vụ cho đất nước.
Cũng theo Giám đốc điều hành dự án Phạm Thanh Hoài, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐHB hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Đối với tỉnh Hoà Bình, trong quá trình xây dựng đã tạo thêm việc làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân địa phương. NMTĐHBMR đi vào hoạt động sẽ tăng thu ngân sách Nhà nước của địa phương hàng năm, đồng thời, giúp thúc đẩy phát triển du lịch và giao thông đường thuỷ khu vực lòng hồ Hoà Bình.