Phóng sự

Lắng đọng những ký ức

Chủ nhật, 30/5/2021 | 09:15 GMT+7
Thấm thoắt đã 27 năm trôi qua, 19 giờ 16 phút ngày 27-5-1994 là khoảnh khắc lịch sử không chỉ đối với EVNNPT, với Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) mà còn là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ của dân tộc Việt Nam. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hành trình của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng của ngành Điện Việt Nam và của đất nước. Nhưng các mốc quan trọng nhất là: Ngày 27-5-1994, theo lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hệ thống truyền tải điện 500kV đã được hòa thành công tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, nối liền hai hệ thống điện Bắc – Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới: Thống nhất hệ thống điện toàn quốc và ngày 1-7-2008, EVNNPT chính thức bắt đầu hoạt động với chức năng nhiệm vụ chính là quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải có cấp điện áp từ 220kV trở lên trên phạm vi toàn quốc và từng bước liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vự. Hai sự kiện trên đã mở ra như những sự khởi đầu tốt đẹp theo chù kỳ thời gian là 14 năm. Đó chính là những tiền đề đặt ra để kế tiếp và phát huy sức mạnh của EVNNPT.
 
Giá trị của quá khứ
 
Thấm thoắt đã 27 năm trôi qua, 19 giờ 16 phút ngày 27-5-1994 là khoảnh khắc lịch sử không chỉ đối với EVNNPT, với Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) mà còn là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ của dân tộc Việt Nam. Cả một thế hệ ngành Điện Việt Nam đã trở thành nhân chứng lịch sử của công trình, họ không chỉ nằm lòng những gì đã được học hỏi, được tôi luyện trong khoảng thời gia vỏn vẹn hai năm, mà chính những năm tháng ấy đã giúp phát triển đội ngũ khoa học, kỹ thuật, công nhân kinh nghiệm cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành Điện Việt Nam và lưới điện truyền tải quốc gia sau này. Nếu đường dây 500kV Bắc – Nam  mạch 1 mang sứ mệnh đổi mới tư duy điều hành của ngành trọng yếu và tạo cơ sở cho xây dựng mạch 2, rồi nối tiếp là mạch 3 đường dây 500kV, thì những con người tạo nên “đường điện thống nhất” đã trở thành niềm cảm hứng để những lớp lớp thế hệ sau tiếp nối sự nghiệp truyền tải điện Việt Nam.
 
Những hiệu quả của đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đã được ghi nhận trong lịch sử ngành Điện Việt Nam. Với việc đưa hệ thống đường dây 500kV vào vận hành đã mở ra bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, giải quyết tình trạng thừa điện ở miền Bắc và thiếu điện ở miền Trung và miền Nam; góp phần quan trọng vào Chiến lược về đảm bảo quốc phòng, an ninh, thống nhất đất nước; là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trên cả nước. Đặc biệt, đường dây 500kV Bắc –Nam mạch 1 còn là công trình mang lại lợi ích kinh tế vượt trội so với các công trình điện khác, là công trình đầu tiên và duy nhất ở thời điểm đó thu hồi vốn nhanh nhất. Trong vòng chưa đầy 3 năm, đã thu hồi được tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong khi dự kiến ban đầu là từ 5 – 10 năm. Nguyên nhân chính là do đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 tạo điều kiện khai thác các nhà máy điện với hiệu quả kinh tế toàn hệ thống cao hơn hẳn so với các đường dây miền riêng biệt trước đó. Tổng chi phí nhiên liệu giảm rõ rệt so với giai đoạn chưa có hệ thống lưới điện truyền tải hợp nhất. Tỷ lệ nguồn điện dùng nhiên liệu lỏng so với tổng sản lượng điện nhận của miền Nam và miền Trung đã giảm từ 37% năm 1993 xuống còn 16,6% năm 1995.
 
Thắng lợi của đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đã tạo thêm sự gắn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, đồng thời, mở ra những tư duy “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
 
Sau 14 năm vận hành, những gì xảy ra của 14 năm về trước đã trở thành lịch sử, nhưng từ đây lại mở ra một tương lai đối với những người làm công tác truyền tải điện Việt Nam. Từ công trình đường dây 500kV Bắc – Nam đầu tiên đã đặt nền móng khởi đầu cho hệ thống truyền tải điện quốc gia, tạo vị thế quan trọng trong hệ thống an ninh năng lượng, mở ra một cánh cửa cho lĩnh vực truyền tải điện, đó là sự kiện ngày 1-7-2008, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia ra đời.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tiến trình “lột xác”
 
Trong ký ức của tôi, năm 1995, khi Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng và bắt đầu điều hành toàn bộ công việc của ngành Điện, bao gồm 3 khâu: Phát điện, truyền tải và phân phối.  Hoạt động ngành Điện chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tự cân đối tài chính, hạch toán kinh tế, tự trang trải nhằm bảo toàn phát triển vốn, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế. Từ tiền đề này, EVN đã thu được nhiều kết quả và thành tựu lớn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực truyền tải điện đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, đó là sự phát triển kinh tế thị trường, hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, khiến cho nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ngày càng tăng, trong khi vốn đầu tư và nguồn tài chính  của Nhà nước và của từng đơn vị trong ngành Điện lại hạn hẹp. Đối với truyền tải, tính cạnh tranh của các đơn vị truyền tải điện lại thấp; sự liên kết công việc giữa các ban quản lý dự án và các công ty truyền tải điện lỏng lẻo. 
 
Nhìn lại Nghị quyết Trung ương VI (1986), Đảng và Chính phủ đã nhận thấy, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực song hoạt động của ngành Điện vẫn chưa thực sự bám sát cơ chế thì trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa thực sự đổi mới và hội nhập quốc tế. Đã đến lúc cần phải đưa ngành Điện nhanh chóng trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, chuyên môn hóa cao, đa sở hữu, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và hội nhập quốc tế có hiệu quả. Kết quả, ngày 17-12-2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra đời.
 
Để khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác truyền tải điện, EVN đã khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia. EVNNPT ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trong thời điểm khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Không nằm ngoài những khó khăn chung của các doanh nghiệp, EVN gặp nhiều thách thức về vốn đầu tư, về tài chính và tình trạng quá tải, thiếu điện vẫn còn diễn ra và hệ thống truyền tải điện Quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải xảy ra trên diện rộng ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam vì vậy nguy cơ sự cố khá cao. Còn với EVNNPT, đang phải chịu giá truyền tải thấp, chỉ bằng 6% giá bán điện bình quân của toàn EVN, trong khi ở các nước khác trên thế giới thường chiếm từ 10% - 12%, vì vậy, chỉ tiêu tài chính khá xấu, không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn và quy định của Bộ Tài chính, dẫn đến không đủ vốn đối ứng phục vụ đầu tư xây dựng. 
 
Những khó khăn của EVNNPT không phải là nhất thời nên việc giải quyết phải trình tự như một tiến trình “lột xác”. Tiến trình “lột xác” của EVNNPT khiến tôi nhớ đến câu chuyện tái sinh của đại bàng. 
 
Ở năm 40 tuổi, móng vuốt đại bàng dài ra và không còn linh hoạt để có thể quắp mồi được nữa. Chiếc mỏ dài và sắc bén của nó cùn đi, cong lại. Đôi cánh già nua, nặng nề, bộ lông mọc dài, bết dính khiến cho nó không thể bay lượn, săn mồi. Lúc này, chim đại bàng đứng trước hai lựa chọn: Chịu chết hoặc vượt qua một quá trình biến đổi đau đớn kéo dài 150 ngày để có thể tiếp tục làm "chúa tể bầu trời". Quá trình "tái sinh" đầy đau đớn của đại bàng cũng giống như những sóng gió xảy ra đối với các doanh nghiệp thoát thai từ chế độ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường: Muốn phát triển, bước sang một trang cuộc đời mới thì phải thay đổi, dám dấn thân và mạo hiểm.
 
EVNNPT đã đưa ra từng giải pháp để trả lời cho câu hỏi: Tại sao cần thay đổi?  Để phát triển, EVNNPT phải bắt đầu quá trình thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh, loại bỏ thói quen và lối mòn cũ kém hiệu quả. Sau 10 năm “tái sinh”, EVNNPT đã đạt được kết quả: Đường dây 500kV và 220kV tăng 2,22 lần; số trạm biến áp tăng 2,29 lần; dung lượng máy biến áp tăng 3,72 lần; lưới truyền tải điện đã vươn tới tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại, như: Đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp; cáp ngầm 220kV; trạm GIS 220kV; trạm biến áp không người trực; hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính; thiết bị định vị cố định; giám sát dầu online; hệ thống SCADA… 
 
Cất cánh từ chuyển đổi số
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Không thể phủ nhận cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và doanh nghiệp. Nhưng đối với EVNNPT, một đơn vị đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện  trải dài trong cả nước có vai trò là xương sống của Hệ thống điện Quốc gia thì việc ứng dụng công nghệ, tự động hóa là một điều không thể không làm. 
 
Hiện nay, các công nghệ đang được áp dụng tại hệ thống truyền tải điện là những công nghệ tiên tiến trên thế giới, như: Giám sát điều khiển các trạm biến áp, SCADA – EMS, giám sát dầu online, ghi sự cố, định vị sự cố, các thiết bị thí nghiệm thế hệ mới…
 
Hiện nay, EVNNPT đang triển khai xây dựng doanh nghiệp số nhằm tích hợp các hệ thống phần mềm quản lý, các hệ thống đang sử dụng rời rạc vào một phần mềm chung để quản lý tài sản và quản lý quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Triển khai hệ thống GIS và tích hợp được các phần mềm ứng dụng liên quan, như: Quản lý kỹ thuật, quản lý tiến độ trong quản lý dự án, quản lý mạng truyền dẫn…; triển khai hệ thống quản lý tài sản theo tiêu chuẩn ISO 55000, hệ thống quản lý tài sản tập trung vào độ tin cậy (RCM). Từng bước tích hợp các hệ thống phần mềm đã triển khai như GIS, RCM và các hệ thống khác vào một hệ thống thống nhất để từng bước tổ chức kho dữ liệu dùng chung.
 
Trong Đề án lưới điện thông minh, EVNNPT đã có kế hoạch nâng cấp hệ thống điều khiển các trạm biến áp truyền thống đáp ứng tiêu chuẩn IEC 61850, trạm biến áp số. Việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng với Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp trên nền tảng giao thức IEC 61850” sử dụng phần mềm giám sát độc lập với nhà sản xuất có ý nghĩ vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng được hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp trạm biến áp độc lập. Theo đó, EVNNPT sẽ không phụ thuộc nhà sản xuất, có thể tích hợp được thiết bị điều khiển, bảo vệ của nhiều hãng khác nhau; nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, năng suất lao động; thời gian bảo trì bảo dưỡng, khắc phục sự cố ngắn; đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng giữa các thiết bị điều khiển bảo vệ của các hãng và tiết kiệm chi phí. Đây cũng là bước đầu trong tiến trình để EVNNPT từng bước làm chủ phần hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp.
 
Hiện nay, EVNNPT đang triển khai kế hoạch chuyển các trạm biến áp 220kV sang thực hiện thao tác điều khiển từ xa từ các trung tâm điều độ; ứng dụng máy bay không người lái kiểm tra đường dây; định vị sự cố; hệ thống thu thập thông tin, giám sát, cảnh báo sét; sử dụng dây dẫn siêu nhiệt để tăng khả năng mang tải đáp ứng nhu cầu truyền tải điện khi phụ tải tăng nhanh; dây dẫn tổn thất thấp…
 
Hành trình của EVNNPT là hành trình hướng tới tương lai với bao điều mới mẻ. Cái mới đang đổi thay từng ngày trên từng ki-lô-mét đường dây truyền tải, trong từng trạm biến áp và từ những công trình đang được xây dựng. EVNNPT của ngày hôm nay không chỉ gói gọn trong những công trình mới được xây dựng, cái mới bao gồm những giá trị của quá khứ - những công trình và con người đã được ghi tạc vào lịch sử.
Thanh Mai