Vận hành truyền tải điện tại trạm biến áp 500kV Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Không những thế, càng trải qua khó khăn, gian khổ họ lại càng được tôi luyện và xây dựng được một đội ngũ cán bộ công nhân có trình độ, có kỷ luật, có đạo đức cách mạng và đoàn kết trên dưới một lòng, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Những đức tính tốt đẹp đó lại được phát huy khi cả dân tộc Việt Nam phải đương đầu với đại dịch COVID-19.
Những yếu tố bất lợi
Dịch COVID – 19 đã tác động mạnh đến Việt Nam ngay từ những ngày đầu năm 2021 với đợt bùng phát thứ 3, khiến cho ngành du lịch - dịch vụ đóng cửa hoàn toàn, nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào tình trạng phải ngừng sản xuất…Rồi ngay sau đợt bùng phát thứ 3 chưa được bao lâu thì đợt bùng phát thứ 4 với hàng chục tỉnh/thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đã làm ảnh hưởng xấu tới sản lượng tiêu thụ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam tiếp tục giảm sâu trong 2 tuần đầu của tháng 9-2021.
Tính trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9, công suất đỉnh của toàn quốc là hơn 29.700 MW và sản lượng điện tiêu thụ là 624,3 triệu kWh/ngày, thấp hơn 24% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7, thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận hành cấp điện tại Trung tâm Điều khiển PC Bình Định. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đối với khu vực miền Nam, trong 2 tuần đầu tháng 9, công suất đỉnh trung bình gần 12.200 MW và sản lượng tiêu thụ là 243 triệu kWh/ngày, thấp hơn 29% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7, thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng điện tiêu thụ giảm, đồng nghĩa với giá bán điện bình quân bị giảm theo, trong khi đó, giá nhiên liệu cho sản xuất điện liên tục tăng cao. Trong tháng 7-2021 và 20 ngày đầu tháng 8-2021, giá nhiên liệu đầu vào thực hiện đã cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than. Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6-2021; tăng 51,8% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020 (tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7-2021 và 159,7 USD/tấn trong những ngày đầu tháng 8-2021). Giá dầu HFSO bình quân tháng 7 cũng tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.
Điện lực Quy Nhơn (PC Bình Định) hướng dẫn khách hàng ký hợp đồng cung cấp điện trên đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo EVN, với sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng công suất các loại nguồn phát trong hệ thống điện quốc gia, các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN, nhất là các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Tính toán sơ bộ, chi phí mua điện của EVN năm 2021 có thể tăng tới khoảng 16.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Chia sẻ khó khăn
Mặc dù vậy, nhưng đứng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân cũng như tác động đến kinh tế xã hội, để góp phần chia sẻ những khó khăn đối đối với người dân và các khách hàng sử dụng điện, EVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 5.
Công nhân Công ty Truyền tải điện 3 vệ sinh sứ hotline, bảo dưỡng thiết bị trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo đó, các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25-8-2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; chế biến và bảo quản rau quả; sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ; các khách hàng đang mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc EVN hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác; danh sách nhà máy, cơ sở sản xuất được giảm tiền điện do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận trên cơ sở đăng ký kinh doanh và thực tế sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn và cung cấp cho các đơn vị điện lực thực hiện giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện với thời gian 3 tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11-2021.
Các đối tượng được giảm giá điện, giảm tiền điện khác: tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2-6 -2021 và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31-7-2021 của Chính phủ. Như vậy, việc giảm giá điện, giảm tiền điện 5 đợt trong năm 2020 và 2021 lên tới 16.950 tỷ đồng.
Công nhân Tổng Công ty Điện lực miền Bắc kiểm tra kỹ thuật thiết bị trạm biến áp 110kV Vĩnh Phúc sau khi đóng điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Bên cạnh việc thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để góp phần giảm bớt khó khăn do tác động của dịch COVID-19, toàn bộ công nhân viên EVN đã chung tay cùng cộng đồng triển khai nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho các địa phương và cơ sở y tế. Chỉ tính riêng đối với đợt dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 cho đến nay, EVN và các đơn vị thành viên đến nay đã đóng góp ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch với tổng số tiền là khoảng 560 tỷ đồng, trong đó EVN đã ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 số tiền 400 tỷ đồng, ủng hộ 24000 máy tính với số tiền tương ứng là 60 tỷ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Gần đây nhất, ngày 22-9-2021, với tinh thần tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, chung lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” và đợt vận động “Toàn dân đoàn kết ra sức phòng chống, dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, EVN quyết định ủng hộ số tiền là 500 triệu đồng.
Thấm nhuần lời dạy của Bác
Công nhân Truyền tải điện Bình Định kiểm tra hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin tại trạm 220 Phù Mỹ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2021 là năm vận hành đầy biến động của Hệ thống điện Quốc gia do phụ tải Hệ thống điện tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kế hoạch năm và đối mặt với nhiều vấn đề mới, như: Phụ tải và thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm điện gió, sinh khối, solarfarm, rooftop và các nhà máy thủy điện vận hành theo cơ chế chi phí tránh được là các nguồn khó điều độ) tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống.
Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, EVN một lần nữa chứng tỏ được bản lĩnh, tinh thần tự lực, tự cường, luôn kiên trì, nỗ lực tìm kiếm cơ hội để trụ vững và phát triển. Hàng loạt giải pháp đã được EVN triển khai, đó là, tiếp tục nâng cao dịch vụ khách hàng với 12/12 dịch vụ điện giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới; xây dựng phương án làm việc từ xa, tổ chức họp trực tuyến, tăng cường làm việc trao đổi thông tin thông qua hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông của EVN. Toàn bộ hệ thống truyền hình trực tuyến, hệ thống D-Office, EVNPortal và các phần mềm dùng chung của EVN được phát huy với hiệu quả cao, giúp cho các hoạt động của EVN được thông suốt trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội.
Các kỹ sư Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đảm bảo vận hành an toàn hệ thống trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo các chuyên gia, thách thức từ dịch COVID-19 còn rất lớn, hơn lúc nào hết, EVN đã tận dụng thời điểm này để tập trung phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành Điện; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động; cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư cho hiệu quả hơn; nâng cao năng lực nhân sự quản lý dự án; thực hiện chuyển đổi số tạo tiền đề và các điều kiện cần thiết chuẩn bị cho chuyển đổi số năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.
Năm 2021, EVN chọn Chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của EVN; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động.
Với việc thống nhất trong toàn EVN một nền tảng hạ tầng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và giải quyết vấn đề thống nhất quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung; chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh khai thác, phân tích để nâng cao giá trị của dữ liệu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của EVN cũng như phù hợp với xu thế chung đã giúp cho EVN trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, số hóa hoạt động của DN, tạo ra những thay đổi bước ngoặt, mang lại giá trị mới và lợi nhuận hiệu quả nhất cho EVN. Từ đó, tạo nền tảng, động lực để EVN vượt qua sóng gió trong mùa dịch, tiếp tục nắm bắt các cơ hội để đột phá trong giai đoạn tiếp theo.
Các kỹ sư Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đảm bảo vận hành an toàn hệ thống trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Nhìn lại lịch sử gần 67 năm kể từ ngày ngành Điện lực Việt Nam “khởi nghiệp” với một tài sản mà các chuyên gia Liên Xô đã phải thốt lên: “Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ nhận được từ người Pháp một nền kinh tế bị tàn phá và thực tế là không có cơ sở điện lực”. Tiếp thu một “gia tài” như vậy, nhưng những cán bộ, nhân viên ngành Điện luôn ý thức một cách rất rõ ràng rằng: Điện năng là nguồn máu vô cùng cần thiết, cấp bách để khôi phục nền kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Lời căn dặn của Bác Hồ trong cuộc gặp gỡ lịch sử ngày 21-12-1954 mãi còn nguyên giá trị đối với CBCNV ngành Điện lực Việt Nam: “Hiện nước ta còn nghèo, miền Nam nước ta chưa được giải phóng, để quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hòa bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một ki-lô-oát giờ điện là góp thêm phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ, khôi phục kinh tế, nâng cao đời sống toàn dân”.
Khi làn sóng dịch COVID-19 chưa thâm nhập vào Việt Nam, Ban Thường vụ Đảng ủy EVN ban hành Nghị quyết số 36-NQ/ĐU ngày 30-3-2020 với mục tiêu tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ - kế hoạch năm 2020 của Tập đoàn.
Nghị quyết “36” của EVN đã cụ thể hóa Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, trong đó nêu rõ: Tình hình thuỷ văn diễn biến bất thường, lượng nước về các hồ thuỷ điện kém, thiếu hụt nghiêm trọng phải huy động chạy dầu cao hơn kế hoạch, tình hình cung cấp nhiên liệu sơ cấp không đảm bảo (sự cố suy giảm khả năng cung cấp khí, thiếu than cho các nhà máy điện) dẫn đến nhiều tổ máy hạn chế hoạt động; việc tăng chi phí đầu vào như giá bán than, giá khí,… làm tăng chi phí sản xuất điện; tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp bị đình trệ, ngừng sản xuất đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kinh doanh điện, đến tiến độ triển khai các dự án…
Để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đặt ra, trước những diễn biến rất phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh COVID-19, Ban Thường vụ Đảng uỷ EVN yêu cầu lãnh đạo các cấp, cấp uỷ các đơn vị tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chính, như: Đảm bảo an ninh cung cấp điện giai đoạn mùa khô; đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, cân bằng tài chính, bảo toàn vốn của Nhà nước và đặc biệt là chung tay cùng cả nước thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho các khu vực cách ly tập trung của Nhà nước, các bệnh viện nói chung và các bệnh viện thực hiện nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân bị nhiễm COVID-19; thực hiện họp, làm việc trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công văn, công việc và thực hiện nhiệm vụ.
Ngành Điện lực Việt Nam đã “khởi nghiệp” từ những tàn tích của quá khứ và trên chặng đường phát triển, ngành Điện đã không ngừng đổi mới để trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong suốt 67 năm xây dựng và trưởng thành, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, EVN vẫn luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “tiên phong” mà Đảng và Nhà nước giao phó. Cuộc chiến chống COVID-19 tiếp tục minh chứng điều này.