Nhà máy thủy điện Hòa Bình có tổng công suất 1.920MW, bao gồm 8 tổ máy (mỗi tổ máy công suất 240MW). Trong điều kiện bình thường, phát đủ công suất, hàng năm, thủy điện Hòa Bình cho sản lượng điện khoảng 9 tỷ 832 triệu kWh/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến thời điểm này, tổng lượng điện phát lên lưới của Nhà máy mới đạt khoảng 3,5 tỷ kWh, tương ứng đạt khoảng 37% kế hoạch năm 2023. Nguyên nhân chính là do tình hình khô hạn, lượng nước về hồ gần như không có. Ngay cả những ngày gần đây ở nhiều tỉnh thành miền Bắc có mưa nhưng lưu lượng nước về hồ cũng rất thấp, chỉ đạt 200m3/s. Hiện nay luọng nước về hồ chỉ khoảng 40m3/s, theo ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, là không đáng kể.
"Hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đang ở mức xấp xỉ 102m. Với mực nước hiện nay. Chúng tôi vẫn đảm bảo việc phát công suất tối đa trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, nếu khai thác tối đa thủy điện Hòa Bình thì cũng chỉ khoảng 2-3 ngày nữa mực nước hồ Hòa Bình sẽ xuống dưới mức 100m và lúc đó thì cột áp định mức sẽ không đạt được và thủy điện Hòa Bình sẽ không có khả năng phát công suất tối đa để phục vụ cho việc điều tần của hệ thống. Nếu chúng ta cứ tiếp tục khai thác công suất tối đa thì sau khoảng 12-13 ngày thủy điện Hòa Bình có thể trở về và mực nước chết là 80m, lúc đó việc thực hiện nhiệm vụ điều tần cho hệ thống điện quốc gia sẽ không thực hiện được nữa. Đó là một trong những khó khăn cho vận hành lưới điện của hệ thống điện nói chung"- ông Vương cho biết.
Hiện nay, Nhà máy thủy điện Hòa Bình thực hiện cùng lúc 2 chức năng quan trọng, theo điều độ của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), vừa đảm bảo điện cho hệ thống, vừa thực hiện điều tần, điều áp để ổn định hệ thống. Với thuận lợi của thủy điện là có thể khởi động lại nhanh, gần như ngay tức thì (chỉ trong vòng 1-2-3 phút) nên các tổ máy của Nhà máy luôn vận hành ở chế độ linh hoạt, trong tình huống sẵn sàng bất cứ lúc nào. Kỹ sư Nguyễn Văn Bính - Trưởng ca vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình cho biết.
"Hiện nay, do tình hình khô hạn cho nên việc vận hành nhà máy thủy điện Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn. Lệnh của điều độ thì luôn phải đảm bảo thực hiện an ninh hệ thống điện, đồng thời phải đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, sử dụng nước phía hạ du. Cho nên việc vận hành các tổ máy thủy điện Hòa Bình luôn luôn phải linh hoạt đáp ứng được tất cả các yêu cầu như vậy".
Ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình.
Chia sẻ về các khó khăn của việc vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay, ông Trần Văn Hòa- Phó Giám đốc Công ty cho biết, việc thay đổi liên tục, tức là do tần số, mình đang điều tần nên tần số thay đổi thì công suất cũng sẽ thay đổi theo. Và hiện giờ (lúc 10h15 ngày 13/6/2023) thì có lúc lên tận 480MW nhưng hiện giờ thì xuống dưới 400MW. Khó khăn lớn nhất là các tổ máy cứ phải điều chỉnh liên tục, có khi đang công suất cực đại 240MW nhưng một lát nữa có thể xuống và có thể về 0, xong lại có thể dừng, xong lại tiếp tục khởi động, tức là một ngày có thể khởi động lên công suất, xuống công suất rất nhiều lần...Việc điều chỉnh công suất phụ thuộc vào đáp ứng yêu cầu của hệ thống, tuy nhiên, khi tổ máy cứ phải vận hành trong tình trạng như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của các thiết bị liên quan".
Thủy điện Hòa Bình có thiết kế mực nước dâng bình thường cao: 117m; mực nước gia cường: 120m; mực nước chết: 80m; diện tích hồ chứa: 208km2; dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,45 tỉ m3; công suất lắp máy: 1.920MW, gồm 8 tổ máy; điện lượng bình quân hằng năm: 8,6 tỉ kWh; đập thủy điện Hòa Bình có 12 cửa xả và 8 tổ máy phát điện; mỗi tổ máy có công suất 240MW. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam và là một trong những công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.