Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối đã có báo cáo tổng hợp kế hoạch soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân.
Theo đó, các văn bản pháp quy về vấn đề này đã được xây dựng đầy đủ, từ dự Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đến các Nghị định hướng dẫn; các Thông tư của các Bộ đã được xây dựng nhằm quy định chi tiết tất cả các vấn đề trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: cơ chế, chính sách đặc thù quản lý, thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nghĩa vụ tài chính của tổ chức có nhà máy; lộ trình nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ; chế độ với người học tập, làm việc trong lĩnh vực nguyên tử…
Các cơ quan cũng báo cáo về kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển điện hạt nhân, cơ chế, chính sách đối với chu trình nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải phóng xạ và quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; các hệ thống quy trình, quy chuẩn quốc gia về quan trắc, cảnh báo phóng xạ, kiểm tra, thanh tra an toàn hạt nhân, quản lý chất thải, nguồn phóng xạ…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, cùng với việc đầu tư dự án, chuẩn bị nhân lực vận hành thì xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về điện hạt nhân là 1 trong 3 nhóm nhiệm vụ lớn của dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta.
Thời gian qua, các Bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận đã triển khai khá tích cực trong việc tạo lập khung pháp lý ban đầu, đặc biệt là các văn bản cần cho việc lập và phê duyệt báo cáo phân tích an toàn và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, khối lượng công việc, văn bản, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn còn rất lớn, các cơ quan cần tích cực và triển khai chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, nhất là các văn bản phục vụ giai đoạn thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng Nhà máy trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý về vấn đề cơ chế đặc thù, kinh phí cho việc soạn thảo văn bản pháp quy, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nhà máy điện hạt nhân.